Thứ sáu, 6/1/2023, 10:33 (GMT+7)

Hơn 100 giờ cứu hộ bé trai kẹt trong cọc bêtông

Đồng ThápLực lượng cứu hộ dùng nhiều phương pháp để giải cứu bé trai kẹt trong cọc bêtông sâu 35 m ở dự án cầu tại xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình.

Trưa ngày 31/12/2022, em Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) cùng ba bạn vào dự án xây cầu Rọc Sen ở xã Phú Lợi, cách nhà gần một km, nhặt phế liệu. Lúc đi qua công trình, Nam lọt xuống cọc bêtông rỗng ruột, đường kính 25 cm, đã đóng sâu 35 m. Theo các nhân chứng, Nam kêu cứu chừng 10 phút rồi tiếng dần mất hút.

Khoảng 30 phút sau, lực lượng cứu hộ có mặt tại hiện trường, triển khai nhiều phương án, trong đó dùng máy xúc múc quanh trụ bêtông tạo miệng hố rộng để giải cứu nạn nhân.

Do trụ bêtông cắm sâu, tiết diện nhỏ, nhân viên cứu hộ không thể chui lọt. Lực lượng cứu hộ triển khai bơm oxy và chuyền nước xuống cho nạn nhân.

Ngày 1/1, Cảnh sát cứu hộ, cứu nạn tỉnh Đồng Tháp phối hợp Quân khu 9 và nhiều lực lượng, điều các thiết bị chuyên dụng đến đào bới, tìm kiếm nạn nhân xuyên suốt ngày và đêm.

Một máy khoan cọc nhồi công suất lớn được điều đến hiện trường vừa khoan vừa bơm bùn cát nhằm làm mềm đất xung quanh cọc bêtông giải cứu nạn nhân. Sau hơn 50 giờ, lực lượng cứu hộ vẫn chưa thể rút cọc lên.

Trong quá trình khoan, đội cứu hộ nhận thấy nếu tiếp tục sẽ gây sạt đất đá dẫn đến nguy cơ sụt lún, gây xô lệch trụ bê tông chứa nạn nhân. Sáng 3/1, lực lượng cứu hộ chuyển sang phương án dùng một ống thép đường kính khoảng 1,5 m được đặt bọc quanh cọc bêtông chứa nạn nhân. Cứu hộ đã làm sạch khoảng 23/35 m bùn đất trong lòng ống thép để tiếp cận nạn nhân.

Những ngày qua, anh Thái Văn Tấn Tài (40 tuổi, cha của Hạo Nam) luôn túc trực ở công trường với gương mặt thất thần, mắt đỏ hoe, chờ đón tin con.

Sau gần 100 giờ cứu hộ với nhiều phương án nhưng không thành công, tối 4/1, Cơ quan liên ngành xác định em Nam đã tử vong trong cọc bêtông sâu 35 m. Nhận định này của cơ quan chức năng dựa trên đánh giá vị trí, hiện trường gặp nạn, độ sâu cọc bêtông khi nạn nhân rơi, thời gian mắc kẹt kéo dài ở môi trường không thông khí, chấn thương...

Sáng 6/1, đoàn chuyên gia Nhật Bản có mặt hiện trường và đề xuất dùng ống thép đường kính lớn hơn cọc bêtông đưa xuống độ sâu 24 m, tiếp tục lấy hết đất bên trong ra. Sau đó, cứu hộ sẽ đưa dây cáp xuống buộc vào ba đầu cọc cạnh các mối nối kết nối thành một trục cùng với trụ thép dựng thẳng bên cạnh tạo thành lực kéo thẳng bằng kích thuỷ lực nhằm kéo trụ lên tìm thi thể nạn nhân.

Ảnh: Ngọc Tài - Hoàng Nam

Đánh giá phiên bản mới