Bệnh xơ cứng cơ tứ đầu đùi là căn bệnh ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ với những biểu hiện như đi hơi bị bai chân ra phía ngoài hay khi ngồi xổm bàn chân có hướng choãi ra. Những triệu chứng này thường thường ít khi được các bậc phụ huynh để ý tới nhưng khi bệnh đã đến giai đoạn nặng thì trẻ không ngồi xổm được. Thậm chí trẻ không thể gấp chân lại và có hàng loạt biến chứng khôn lường khác… Theo các chuyên gia, trẻ em có cách đi bai hai bàn chân ra bên ngoài là có dấu hiệu ban đầu của hiện tượng xơ cứng cơ tứ đầu đùi. Thực chất, bệnh này là do cơ bị tổn thương, xơ lại. Phần cơ sau khi bị tổn thương đó co lại, không phát triển nữa nên dẫn đến hạn chế vận động gấp gối. Cơ tứ đầu đùi có tính đàn hồi cao, chức năng chủ yếu là để duỗi gối. Nhưng sau khi tiêm nhiều lần thì có thể cơ bị xơ thành cục, săn chắc lại, mất tính đàn hồi nên không gấp gối được. Thậm chí, khi chân bị va đập gây rách cơ khiến máu bị tụ trong cơ cũng khiến cơ bị xơ hóa. Bác sĩ Lương Khánh Phụng (Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa Thái Bình) cho biết, ngoài dấu hiệu bàn chân trẻ bị bai ra phía ngoài còn có dấu hiệu khác của trẻ là khi đứng yên một chỗ thì bàn chân xoay ra phía ngoài. Bệnh xơ cứng đầu đùi có căn nguyên và bệnh học giống như bệnh xơ hóa cơ delta, thậm chí còn nghiêm trọng hơn bệnh xơ hóa cơ delta. Qua tìm hiểu và nghiên cứu những bệnh nhân đã từng điều trị tại Khoa Phục hồi chức năng, bác sĩ Lương Khánh Phụng phát hiện nguyên nhân dẫn đến bệnh xơ cứng cơ tứ đầu đùi là do viêm cơ, dập tụ máu. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu là do tiêm. Không chỉ bác sĩ Phụng mà nhiều chuyên gia ở các bệnh viện lớn khác cũng đều có kết luận về nguyên nhân của loại bệnh này như trên. Trẻ em sau khi bị tiêm thẳng vào cơ thường tạo nên yếu tố căn nguyên kích thích tác động gây co rút cơ liên tục, kéo dài, gây rối loạn vận mạch tại chỗ. Sau khi tiêm vào bắp, nhất là tiêm kháng sinh, trẻ thường bị đau và ngại vận động chỗ bị tiêm. Cộng với việc thuốc kháng sinh chậm tan hoặc không tan sau khi tiêm sẽ tạo thành cục cứng ở bắp, ngay chỗ tiêm. Các bậc cha mẹ thường không để ý, lâu dần sẽ hình thành các dải xơ hoặc xơ rải rác. Trong trường hợp buộc phải tiêm vào cơ bắp thì sau tiêm phải theo dõi vùng tiêm. Nếu thấy cơ vùng tiêm co cứng thì phải chườm nóng, xoa bóp, kéo dãn cho trẻ. Sau 7 đến 10 ngày không thấy kết quả thì phải đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa. Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ cũng phải quan tâm tới những chạm thương, dập cơ tụ máu, viêm cơ ở vùng đùi. Đây là loại bệnh hết sức phức tạp, nếu không chữa trị nhanh chóng, trẻ không ngồi xổm được. Nếu trẻ không gấp khớp gối được, phải nhanh chóng đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa. (Theo Công An Nhân Dân) |