Ghi dấu ấn trong giới âm nhạc underground với những giai điệu độc đáo, bắt tai, Hoàng Touliver được mệnh danh “phù thủy tiết tấu” với hàng nghìn bản phối có mặt trong các hộp đêm, bảng xếp hạng đến những sân khấu lớn nhỏ.
Khi được hỏi về bí quyết hay chiến lược trong con đường âm nhạc của mình, anh chia sẻ: "Tôi chỉ làm những điều mình thích và khó tính với… chính mình!".
- Vì sao ban đầu anh chọn âm nhạc cổ điển nhưng cuối cùng lại từ bỏ?
- Tôi bắt đầu học nhạc viện vào năm 1998. Lúc đó, chương trình đào tạo của trường đều là nhạc cổ điển nên thật sự không có sự lựa chọn nào khác. Sau khi tốt nghiệp, nhận thấy khả năng và năng khiếu của mình không thiên về lĩnh vực này nên tôi đã chọn âm nhạc hiện đại để theo đuổi. Tôi phải mất tới 4 năm để hoàn thành chương trình trung cấp chính quy và sau đó mới nhận ra mình không hợp với nó.
- Anh cảm thấy thế nào lúc phát hiện ra mình "đi sai đường"?
- Học nhạc cổ điển rất hay và tôi không hề thấy hối tiếc. Tôi luôn ghi nhớ một câu của bố dạy: "Muốn làm một thứ gì tốt thì phải nghiên cứu từ cái gốc của nó". Bây giờ, tôi thấy đúng như vậy. Bạn muốn sản xuất âm nhạc hiện đại tốt thì phải nghiên cứu khởi nguồn của nó là nhạc cổ điển. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất của tôi vào thời điểm đó là thuyết phục gia đình hiểu bản thân và khả năng của mình có thể làm gì.
- Anh làm thế nào để vượt qua tất cả khó khăn khi chuyển hướng rẽ sang một con đường mới?
- Đó là không ngừng học tập và học hỏi về chuyên ngành. Tôi nhớ hồi tốt nghiệp trung cấp xong, gia đình muốn tôi thi lên đại học Lý luận âm nhạc và đợt thi đó tôi bị trượt. Đó là khoảng thời gian khá tồi tệ. Để theo đuổi đam mê, tôi đã phải đi làm khá nhiều nghề như đánh đàn ở quán café, bán quần áo... nhằm tích góp vốn kèm theo vay mượn bạn bè để sắm những thiết bị đầu tiên phục vụ cho nghề. Khi có đồ nghề rồi, tôi lại mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu, dịch thuật tài liệu về phối khí, mix nhạc vì cách đây tầm 12 năm, Internet chưa phát triển như bây giờ, tài liệu cũng rất khan hiếm.
- Âm nhạc cổ điển giúp anh như thế nào trong lĩnh vực mới - EDM?
- Nếu nghe kỹ, bạn sẽ nhận ra âm nhạc của tôi không đòi hỏi kỹ năng chạy ngón hay điều gì đó quá phức tạp. Trong tác phẩm của tôi, ngoài những "tiếng" lạ và tiết tấu mới mẻ do tôi tự tạo ra, các hợp âm, phím bấm khá đơn giản tưởng chừng một người học nhạc cơ bản cũng có thể làm được.
Tôi sẽ khó có thể kết hợp những điều dường như rất đơn giản đó và tạo thành những thanh âm độc đáo, lôi cuốn nếu không có một nền tảng âm nhạc vững chắc và được đào tạo chính thống nhiều năm.
- Việc thành công tại The Remix 2015 ảnh hưởng như thế nào tới công việc của anh?
- Tôi đến với The Remix qua lời mời của nhạc sĩ Hồ Hoài Anh. Phần khác cũng là muốn "đổi gió", tìm kiếm những chất liệu âm nhạc mới và mang âm nhạc của mình đến gần hơn với khán giả. Tôi không nghĩ tham gia The Remix để nổi tiếng.
Thật ra nghề này luôn là người đứng sau những tác phẩm âm nhạc và tôi cũng chỉ thật sự là chính mình khi ở đó. Ngay từ đầu, tôi đến với âm nhạc thật sự vì nó là cuộc sống của tôi nên bản thân không quan tâm quá nhiều đến việc mình có nổi tiếng hay không. Dù sao cũng cảm ơn tất cả khán giả đã ủng hộ con đường âm nhạc của Hoàng Touliver.
- Thường xuyên bận rộn với các dự án âm nhạc, anh dành thời gian nào cho bản thân?
- Tôi xem âm nhạc như cuộc sống. Chỉ cần được sống và sáng tạo trong nghệ thuật tôi cũng coi như những khoảng thời gian thư giãn cho bản thân mình. Vì công việc nhiều nên tôi đi công tác suốt. Lúc rảnh rỗi, tôi chỉ muốn làm một thứ duy nhất là dành thời gian cho gia đình.
- Dự định sắp tới của anh là gì?
- Tôi sẽ tập trung sản xuất album 2 và ra mắt các sản phẩm mới với nghệ sĩ trong SpaceSpeakers (SS) như SB, Rhymastic...
Thu Ngân
Hoàng Touliver là một trong những nhân vật tiên phong cho cách sống hiện đại "tự định ra luật chơi của mình và thưởng thức cuộc sống theo cách mình muốn". Như cách Budweiser tự định ra cách ủ bia của riêng mình. Nếu những loại bia thông thường chỉ cần dành 15 ngày để ủ thì Budweiser dành 30 ngày tạo ra vị bia tươi ngon, độc đáo từ năm 1876 đến nay. |