Hồng Vân Khôi vào mùa nở rộ.

Sài Gòn những ngày này trời nóng bức ban ngày và mưa lớn về chiều. Kiểu thời tiết có thể gây bất tiện cho sinh hoạt của mọi người nhưng lại là 'điều kiện lý tưởng' để những khóm hồng trên sân thượng của nữ CEO công ty xuất nhập khẩu bung nở đồng loạt, rực rỡ. Chị Hiền bảo đây là thời điểm hoa hồng nở nhiều nhất trong năm và sẽ kéo dài khoảng 10 ngày.

'Mưa làm cho hoa đâm chồi, lớn nhanh hơn, chỉ tội là hoa nở dễ bị hư thôi', chị Hiền chậm rãi chia sẻ về 'câu chuyện hoa hồng' của mình với những cảm xúc như một bà mẹ đang chăm đàn con nhỏ.

Một ngày mới của chị Thanh Hiền bắt đầu bằng việc mở cửa sổ phòng ngủ, với tay ra hái vài bông hồng bạch Pháp để pha một tách trà thơm ngát cùng mật ong. Rồi chị nhẩn nha đi dạo trong vườn hoa sân thượng hoặc chọn một góc ngồi hít hà mùi hương buổi sớm. Chỉ bấy nhiêu thôi đã giúp người phụ nữ bận rộn 'nạp đầy năng lượng tích cực', sẵn sàng cho một ngày làm việc hiệu quả.


Gốc hồng bạch này chị Thanh Hiền đã trồng được khoảng 6-7 năm. Gốc cây to, thân và nhánh leo phủ kín cửa sổ phòng ngủ của chị.

Hồng cổ Sapa và hồng Vân Khôi chiếm số lượng lớn trong khu vườn của bà mẹ Sài Gòn. Ngoài ra, chị còn sưu tầm nhiều loại hồng nhập ngoại như hồng bụi Claumonet (trong hình)...

Hay hồng trứng xanh.

Hồng Heritage bông to, dễ chăm và có mùi thơm ngát.

Gốc hồng này chị Thanh Hiền đem từ Thái Lan về trong một chuyến công tác. Còn đa số những loại khác được chuyển về từ Đà Lạt.

Bây giờ là chính vụ hồng Vân Khôi. Hoa nở rộ, chị Hiền cắt không kịp cắm...

... nên chị thường bỏ vào những chiếc bát đồng đựng nước bày ở ban thờ Phật.

Hồng tố nữ đỏ rực một góc vườn. Đây là loại hoa chịu được cái nóng của Sài Gòn nên gần chục ngày mới tàn. Chu kỳ nở hoa khoảng 26-30 ngày.

Sau mỗi đợt hoa, chị Hiền sẽ cắt và tỉa cành đồng loạt rồi dưỡng cây bằng cách thêm đất, trùn quế. Sau đó, chị bổ sung trứng pha loãng với nước. Và gần khi cây lên chồi non mới, chị thêm bã đậu nành trộn vỏ trứng. Khi dùng dinh dưỡng hữu cơ như vậy, chị lưu ý rắc thêm một lớp đất mỏng phủ lên trên để tránh lên men và bị kiến, côn trùng khác bu đến.

Đối với những cây mới mua về, chị Hiền có thói quen kiểm tra bầu đất của cây trước khi thay chậu, để phát hiện trứng ốc sên và con sùng trong bầu đất. Cách xử lý để cứu cây cũng như ngăn trứng ốc nở phá vườn là: Dùng chậu nước, ngâm bầu đất cây mới vào, giũ nhẹ tay từ từ cho đất bám trong bầu rơi bớt, sẵn kiểm tra bộ rễ cây.
Sau khi chắc là loại bỏ hết trứng ốc, sùng... chị pha thật loãng dung dịch hỗ trợ phát triển rễ và ngâm gốc vào đó ít phút. Trộn đất sạch, trấu, phân bò... cho thật xốp rồi mới mang cây đi trồng.
Mấy ngày đầu để cây chỗ bóng râm, tránh nắng trực tiếp. Cây ổn rồi tưới ít dinh dưỡng. Nhờ vậy mà cây ổn định và tránh được các mối nguy hại tấn công vườn.
Ngoài ra, hàng ngày chị đều kiểm tra sâu bệnh ở mặt dưới của lá.

'Vườn trên cao tiện lắm. Cứ dùng những gì mình trồng sẵn là có đồ ăn uống quanh năm', chị Thanh Hiền vừa kết luận vừa chia sẻ bộ sưu tập cả nghìn bức ảnh về khu vườn sân thượng trong điện thoại của mình.
Ảnh: NVCC