Hóa điên vì bị bạo hành
Có những nỗi đau không biết bày tỏ cùng ai, nạn nhân chỉ biết chịu đựng một mình cho đến khi phát bệnh. Tất cả những người bị chồng đánh đập đều trong tình trạng hoảng loạn, lo sợ, nửa mê nửa tỉnh. Những gì họ đã trải qua vượt quá sức tưởng tượng của mọi người.
Người phụ nữ ngồi co ro trong bộ quần áo bệnh nhân rộng thùng thình. Chị gầy quắt, trông chỉ nặng chừng 35kg, đôi mắt trũng sâu. Thoáng thấy bóng đàn ông, chị rúm người lại toan chui xuống gầm giường để trốn. Khắp người chị không có chỗ nào là không có sẹo. Những vết sẹo xé toạc làn da mỏng manh. Chị là Hoàng Thị Lan, 37 tuổi ở Định Công, Hà Nội.
Năm 20 tuổi, chị Lan bước chân về nhà chồng. Ngay đêm đầu tiên, chị đã “nếm” cú đạp lộn cổ xuống giường do không kịp lấy cho chồng cốc nước giải rượu. Chuỗi ngày sau đó là những đòn roi và sự nhục nhã từ chính người chồng chị yêu thương.
"Nghe bà con xung quanh nói, không ít lần, bất chấp trời mùa đông lạnh cắt da cắt thịt, chồng chị Lan bắt vợ cởi hết quần áo, ngồi rót rượu. Anh ta vừa uống, vừa dùng roi mây đánh. Vậy mà chị ấy cũng chịu đựng được”, một điều dưỡng vừa nói vừa khẽ chùi nước mắt.
Không chỉ thế, lúc hứng chí lên anh ta còn lấy dao cắt thịt vợ để xem máu chảy, lấy đồng xu nung đỏ “đánh dấu” lên người chị Lan. Thú vui thông thường nhất của người chồng tàn nhẫn ấy là bắt vợ đưa mặt cho mình giẫm đạp. “Trên người em có gần 40 vết sẹo khâu hàng trăm mũi. Tay chân bị đánh gãy nhiều lần. Còn ngón tay, ngón chân gãy đi gãy lại bao nhiên lần mà em cũng không nhớ nữa”, chị Lan kể trong lúc tỉnh táo.
Người vợ ấy lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị đánh nên đi ngủ cũng không dám nhắm mắt. Tình trạng kéo dài khiến chị bị suy nhược đến phát điên. Chị Lan nhập viện trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh. Lúc nào chị cũng sợ hãi, thỉnh thoảng lại hò hét, đập phá hoặc ngồi bất động, không nói, không ăn uống suốt nhiều ngày liền. Đặc biệt cứ thấy bóng đàn ông lạ chị trốn xuống gầm giường khóc lóc: “Em lạy anh, đừng đánh em nữa”.
Trong suốt hơn 10 năm trời bị hành hạ, đã có lần chị Lan lén đi báo chính quyền địa phương. Tuy nhiên, sau khi bị chồng phát hiện chị lại bị đòn nhiều và nặng hơn. Những trận đòn đó đã dập tắt ý chí phản kháng của người đàn bà vốn yếu đuối, nhu nhược.
Chị Lan không phải là trường hợp duy nhất trở nên điên dại vì những bạo hành từ chính cuộc hôn nhân của mình. Đã bao nhiêu lần xã hội lên án nạn bạo hành gia đình nhưng tình trạng vẫn tiếp diễn, thậm chí còn biến tướng. Trong đó việc bạo hành về mặt tinh thần còn đau đớn và nhẫn tâm hơn. Nó khiến nạn nhân không biết bày tỏ cùng ai. Rất nhiều trường hợp quá chán nản mà tìm đến cái chết.
Khi đến trung tâm, chú ý đến một phụ nữ trắng trẻo xinh xắn, còn rất trẻ, ngồi lặng lẽ giữa khoảng sân rộng mênh mông. “Chị ấy là Trần Phương Loan, 30 tuổi ở Phú Xuyên, Hà Nội. Nhìn vậy ai nghĩ bị tâm thần. "Suốt ngày chị ấy chỉ lẩm bẩm một câu: Tôi không phản bội, đừng đổ oan cho tôi. Nhìn mà thương”, bác sĩ Hoàng Kim Báu, Trung tâm tư vấn chăm sóc sức khoẻ phụ nữ huyện Gia Lâm, cho biết.
“Cái tội” của chị chỉ là lấy phải người chồng quá ghen tuông. Anh này ghen đến nỗi vợ đi chợ mua thịt ở cửa hàng có đàn ông bán cũng bị chồng tra hỏi: “Gặp nhau mấy lần rồi? Đã ngủ với nhau chưa?”.
Một lần tình cờ gặp người quen cũ, chị chỉ đứng bên đường nói chuyện dăm ba phút. Ông chồng đã dùng điện thoại quay lại cảnh “ngoại tình” để tối về tra hỏi. Suốt cả tháng trời, ngày nào anh ta cũng mở đĩa, băng ghi âm các cuộc tra hỏi bắt chị phải xem. Thậm chí anh ta bắt hai đứa con còn bé tí ngồi luôn đó nghe những câu bình phẩm: “Mẹ mày đi theo trai”.Cũng từ hôm ấy anh ta không cho chị chăm sóc con nhỏ, không được cho chúng ăn uống, tắm rửa, thay quần áo, đưa đi học.
Càng ngày chị càng rơi vào trạng thái trầm uất, sống như cái bóng. Không thể chịu nổi, chị vào nhà tắm dùng dao rạch tay, đâm hai nhát vào ngực. Sau khi được cứu sống, chị Loan rơi vào trạng thái như người mơ ngủ. Nhiều đêm chị lang thang khắp bệnh viện, rồi ôm cây khóc gọi con.
“Tình trạng căng thẳng thần kinh kéo dài rất dễ dẫn đến chứng tâm thần”, bác sĩ Nguyễn Thị Hương Xuân, trưởng khoa 3, Bệnh viện tâm thần Trung ương I, Hà Nội, cho biết. Nạn nhân rất khó tự giải thoát khi bạo hành kiểu này bởi nó không để lại dấu vết, thương tích nên người ngoài khó can thiệp.
Câu chuyện của chị Phương Tâm Như, 32 tuổi ở Gia Lâm, Hà Nội, kể ra không ai tin nhưng lại có thật. Các bác sĩ chỉ phát hiện ra nguyên nhân phát bệnh tâm thần của chị qua quá trình điều trị. Chồng chị thường đòi chị thực hiện nghĩa vụ, ngay cả khi chị đang cho con bú, nấu ăn, giặt giũ. Anh ta còn luôn nghĩ ra những trò mới để thử nghiệm khiến vợ vừa đau đớn vừa mắc bệnh phụ khoa nặng.
Khi vợ tránh né, anh ta ngang nhiên đưa gái gọi về nhà “hành sự” ngay trên giường ngủ và bắt vợ đứng nhìn để “học tập”. Không thể chịu đựng nổi, chị Như phát bệnh tâm thần. Đưa vợ vào bệnh viện, anh ta chỉ nói vợ tự nhiên dở người rồi ngang nhiên ly hôn đơn phương với lý do “Vợ bị điên”.
Nhận biết các hành vi bạo hành - Cưỡng bức thân thể: như đấm, đạp, xô đẩy, tát, nắm tóc kéo lê, vặn cổ tay, làm gãy xương, đâm bằng dao. Hạn chế các nhu cầu thiết yếu (ăn uống, ngủ) bằng cách giấu dược phẩm, thực phẩm nước uống; phá rối không cho ngủ hoặc ép dung rượu, cần sa ma tuý… - Cưỡng bức tâm lý: bắt bạn đời sống trong bầu không khí sợ hãi, khủng bố nạn nhân đến hoảng loạn tâm thần như nhục mạ trước công chúng, liên tục truy hỏi, nói nặng lời để hạ nhân phẩm, làm mất tự trọng… - Cưỡng bức về xã hội: Cắt đứt mối quan hệ giữa vợ (chồng) và người thân trong gia đình, với bạn bè thân hữu, đe doạ họ. Cô lập bạn đời bằng nhốt trong nhà, cắt điện thoại, không cho đi đâu và giao tiếp với bất cứ ai… - Cưỡng bức tài chính: Bao vây kinh tế, kiểm soát tiền bạc, bắt bạn đời lệ thuộc về tiền nong, không cho giữ tiền và đi làm, bắt phải hỏi xin tiền và chứng minh mọi mua sắm chi tiêu lớn nhỏ. |
Điểm đáng nói hơn cả là phần lớn những người chồng bạo hành hoàn toàn vô cảm trước nỗi đau và căn bệnh tâm thần của vợ.
“Có nhiều trường hợp vừa được điều trị ổn định tâm lý xong về nhà lại bị đánh tiếp. Dần dần bệnh tâm thần của các chị trở thành kinh niên và khó chữa”, một bác sĩ của Bệnh viện tâm thần trung ương I, cho biết.
Theo chuyên gia tâm lý, gần 90% người chồng có thói quen bạo hành thường không thay đổi, ngay cả khi phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Đây không chỉ là thói quen mà còn là một chứng bệnh tâm lý hoặc thuộc tính của người đàn ông đó.
Chẳng hạn như trường hợp của chị Lê Hoàng Thư, 40 tuổi, ngụ tại Thái Nguyên. Bao nhiêu năm chị chịu đựng người chồng nát rượu, vũ phu. Chỉ đến khi chị bị chồng chặt đứt tay trong một lần “dạy vợ”, anh ta mới bị pháp luật trừng phạt. Tuy nhiên 5 năm tù cũng không làm người đàn ông đó tỉnh ngộ.
Chị buồn kể: “Còn vài tháng nữa anh mãn hạn, tôi cũng mong chồng về vì dù sao cũng duyên nợ. Hôm trước khi con trai vào thăm anh ấy nhắn: Về tao sẽ chém chết mẹ mày. Tôi chỉ còn cách trốn thật xa”.
Có thể thấy, chịu đựng không phải là cách tốt nhất để tránh bạo hành gia đình. Phụ nữ phải nhận thức rằng bạo lực dù dưới hình thức nào cũng là tội ác. Họ phải thương lấy chính mình.
Bác sĩ Kim Báu cho biết, kiểu bạo hành dạng này chỉ bị khởi tố với điều kiện thương tích trên 11% và phải có đơn của bị hại. Trong khi đó tâm lý “xấu chàng hổ thiếp” lại càng khiến thủ phạm được đà lấn tới.
Ngoài việc tố cáo người chồng vũ phu, họ phải tự bảo vệ mình bằng cách nhớ những địa chỉ, số điện thoại của các trung tâm tư vấn, nhà tạm lánh để tìm đến.
“Đồng thời, ngay từ khi rơi vào trạng thái căng thẳng thần kinh khiến mất ngủ kéo dài, chán ăn, trí nhớ giảm sút phải đến các bác sĩ tâm lý, nhà tư vấn tâm lý để tư vấn, giải quyết các mâu thuẫn vướng mắc mà họ gặp phải”, Tiến sĩ Tô Thanh Phương, trưởng khoa 4, Bệnh viện Tâm thần trung ương I, khuyên.
(Theo Tiếp Thị Gia Đình)