![]() |
HLV Mai Đức Chung từng từ chối VFF. Ảnh: ĐH. |
Ngay sau khi VFF thống nhất ý kiến với Hội đồng HLV quốc gia với phương án sa thải HLV Falko Goetz, sử dụng HLV nội, đã có những động thái đầu tiên nhằm thu hút nhân tài ngồi vào chiếc ghế nóng. Theo đó, VFF hứa hẹn sẽ trả mức lương không dưới 10.000 USD, chưa kể các khoản khác cho HLV nội nào sẵn sàng lên tuyển.Tất nhiên, HLV này phải phù hợp các tiêu chí của VFF và phải được Hội đồng HLV quốc gia thông qua về chuyên môn.
So với mức lương của các HLV ngoại, gần nhất là HLV Falko Goetz, mức lương mà VFF đưa ra cho các HLV nội chỉ khoảng một nửa (HLV Falko Goetz nhận 22.000 USD mỗi tháng). Tuy nhiên, với mức lương 10.000 USD được xem là khá cao so với thu nhập bình quân của các HLV nội hiện tại.
Ở CLB, các HLV có tiếng như Phan Thanh Hùng, Huỳnh Đức, Lê Thụy Hải… cũng chỉ có lương dao động trên dưới 100 triệu.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên VFF tuyên bố mức lương cao nhằm “câu khách”. Hồi HLV Calisto chia tay tuyển Việt Nam, VFF cũng đã đưa ra mức lương tương tự để mời các HLV Phan Thanh Hùng, Lê Huỳnh Đức hay Mai Đức Chung nếu những HLV này nhận lời. Nhưng cuối cùng, không ai nhận lời nên VFF buộc phải tìm HLV ngoại và tìm được HLV Falko Goetz.
Lần này, đến lượt HLV người Đức ra đi và Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ lại mong muốn chọn được HLV nội cho đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam, kèm thêm tuyên bố sẵn sàng trả lương cho HLV nội lên tới 10.000 USD mỗi tháng. Đây được xem là mức lương cao nhất cho một HLV nội từ trước đến nay. Trước nhiều ý kiến VFF không có chế độ xứng đáng với các HLV nội, ngay lập tức tổ chức này đã cho thấy sự cầu thị của mình.
10.000 USD đúng là cao thật nhưng đến thời điểm hiện tại, đa số các HLV khi được hỏi đều cho biết thích công việc ở CLB hơn. Xem ra, ngoài chuyện tăng lương, VFF cần có nhưng cơ chế tốt nhất để thu hút người tài, bên cạnh cam kết gắn bó lâu dài bởi nếu lên tuyển nhưng vì thành tích yếu kém ở giải này, giải nọ bị sa thải ngay như các HLV ngoại thì đúng là chẳng ai muốn lên thật.
Mai Hương