Báo Sinar Harian của Malaysia đưa tin tuần trước, bé trai một tuổi Muhammad Nazmeen Haqeel Shahrol Nizam, sống ở huyện Batu Pahat, được mẹ đưa vào bệnh viện Pantai ở thủ đô Kuala Lumpur sau khi bị sốt tới 40 độ C.
Lúc tới nơi, Muhammad được chẩn đoán bị nhiễm trùng máu và phổi do hít phải nhiều khói thuốc lá. Các bác sĩ nói với mẹ bé rằng con trai chị chỉ cần đến viện muộn chút nữa thì sẽ có thể lên cơn co giật, rất nguy hiểm cho tính mạng.
"Vợ chồng tôi đã cố hạ nhiệt cho thằng bé tại nhà bằng khăn ướt nhưng không được. Con trai tôi phải nằm viện 6 ngày và trong suốt thời gian đó, các bác sĩ đã hút ra được rất nhiều đờm, đồng thời kê thuốc cho bé uống ba tiếng một lần. Chúng tôi chưa bao giờ gặp tình huống này trước đây bởi trong nhà không có ai hút thuốc cả", bà mẹ 28 tuổi Sayang Nadzirah Salleh cho biết.
Sayang nghi con trai đã hít phải khói thuốc khi cả nhà đi ăn tối ở một cửa hàng dọc phố Jalan Kluang. Theo lời kể của cô, một số thực khách ngồi quanh hút thuốc suốt thời gian gia đình họ ăn uống ở đó. Sau sự việc này, cô thấy mình cần phải thận trọng hơn trong việc đưa con đến các nơi công cộng. Dù bé Muhammad đã hoàn toàn bình phục, chị Sayang hy vọng đây sẽ là một bài học cho các cha mẹ có con nhỏ khác.
Hút thuốc lá thụ động (secondhand smoking) là hình thức hít khói thuốc từ không khí, mà không trực tiếp hút thuốc lá hoặc thuốc lào. Hút thuốc thụ động đặc biệt nguy hiểm cho trẻ em vì phổi của trẻ chưa phát triển hoàn thiện và nhạy cảm hơn với các chất kích thích và chất độc trong khói thuốc. Trẻ bị hút thuốc thụ động có thể bị viêm đường hô hấp, hen, viêm tai giữa, đột tử ở trẻ sơ sinh (SID), kém phát triển chức năng phổi và tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác.