![]() |
Anh Dưỡng điều khiển giao thông giữa trưa nắng. |
Năm 2000, anh Dưỡng cùng với mấy anh em trong tổ xe ôm đã tự động làm công việc mà ban đầu ai cũng đều cho là "bao đồng".
Không kể mưa, nắng; trưa, chiều, tối, chỉ cần thấy xe cộ ùn lại, là anh Võ Thiên Dưỡng (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP HCM) lập tức có mặt, chung tay giải quyết mọi chuyện cho đường sá thông thoáng.
Anh Dưỡng kể ban đầu là do tự phát, thấy bức bối trong người thì làm, nhưng rồi nó trở thành cái "nghề" mà anh không sao bỏ được. "Đứng điều khiển giao thông mình nghe không ít lời khiêu khích của mọi người "Sao rảnh quá cha nội", "Bộ cầm cái còi vào thổi là người ta phải nghe hay sao". Nghe vậy, mình cảm thấy buồn lắm, nhưng vì đường đông, kẹt xe quá mình phải "ra tay" thôi". Có hôm kẹt xe, lợi dụng sơ hở của người đi đường bọn trộm cướp trà trộn vào móc túi, anh và đồng đội còn ra tay cứu giúp...
Dần dà, thanh niên trong khu phố thấy việc làm của anh Dưỡng là có ích nên cũng xin tham gia. Anh Dưỡng kể: "Tháng 4/2004, anh Nguyễn Văn Cứ, Đội trưởng Đội Trật tự giao thông tình nguyện, kiến nghị lên phường Bình Trị Đông cấp cho anh em bộ đồng phục, nhưng đợi hoài mà chả thấy đâu. Đợi lâu quá, anh Cứ đành phải về nhà xin tiền tự mua sắm cái áo, cái nón cho anh em tránh được nắng mưa, nhưng chỉ có áo mà không có... quần". Làm công việc "bao đồng" này hơn 4 năm trời nhưng anh Dưỡng chưa bao giờ đòi hỏi bất cứ quyền lợi nào.
Theo Thanh Niên, quận Bình Tân là một khu dân cư vừa mới được thành lập, chưa ổn định, lợi dụng địa bàn phức tạp, an ninh trật tự còn nhiều sơ hở, bọn tội phạm đã không ít lần gây ra các vụ trộm cắp, buôn bán ma túy... Những năm trước đây, khi nhắc đến khu vực ngã tư Cây Da Sà, người ta chỉ biết đến nó như một vùng đất của điểm nóng về tệ nạn xã hội.
Thế mà những năm trở lại đây, Da Sà đã trở thành một khu vực "sạch" với nhiều phong trào tự quản phát triển mạnh, đó là nhờ có "Đội Trật tự giao thông tình nguyện", trong đó có công lớn của anh Dưỡng. Hơn 4 năm, hình ảnh anh xe ôm cùng với còi "tu huýt" trở nên quen thuộc với bà con xung quanh.
Tìm hỏi đường đến anh Dưỡng không mấy khó khăn, mọi người niềm nở chỉ dẫn ngay: "Anh Dưỡng "hiệp sĩ" hả? Bỏ ngã tư thứ nhất, đến ngã tư thứ hai thấy anh nào đang thổi còi đi đường thì đó là anh Dưỡng đấy".
Giỏi làm hơn nói, anh cứ xắn tay "lăn" vào công việc, vừa chạy xe ôm vừa đứng chốt ngã tư đường góp phần giảm kẹt xe, người qua đường không còn căng thẳng vì thế ai cũng tin yêu. Không ít lần anh phải bỏ chạy xe ôm cho khách vì phải bận chuyện giải tỏa ùn xe. Nhiều hôm về nhà trong túi chỉ có 5.000 đồng, vợ và các con anh còn động viên công việc "đứng đường" của anh... Vừa qua, anh Dưỡng cùng đồng đội của mình vinh dự nhận bằng khen của Thành Đoàn vì đã "xuất sắc trong phong trào tham gia gìn giữ trật tự an toàn giao thông".