Truyền (thứ hai từ trái sang) và bạn bè cùng trang lứa. |
Ngày 6/5, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã có quà và thư khen hành động dũng cảm của Truyền.
Trên bức vách đã ố màu của căn nhà xập xệ dưới chân núi, hai tấm bằng khen của quận Liên Chiểu còn thơm mùi mực: “Em học lớp 7/5, vậy mà bằng khen lại ghi 7/1. Không đúng rồi!”, câu nói thật thà của Truyền khiến những người chòm xóm đến chúc mừng em cười òa.
Giữa năm 2006, trong khi cha con Truyền đang men theo hầm đường sắt số một để ra rẫy thì ông Mến phát hiện có hai cha con người cùng làng vừa bị xe lửa cán, trong đó người cha chết tại chỗ, đứa con nhỏ chừng 8 tuổi bị thương văng sang một bên.
Trong đường hầm tối om, không chần chừ Truyền một mình ôm đứa trẻ chạy ngược trở lại Trạm y tế Kim Liên để cấp cứu kịp thời. Còn ông Mến ở lại tìm cách gom những phần thi thể của người cha xấu số. Hành động đó của cha con Truyền được người trong làng cảm phục.
Cũng như mọi khi, chiều thứ bảy ngày 28/4, sau khi tan học Truyền ra rẫy phụ ba. “Sáng đó, khi ba đang kéo nước tưới cây trên rẫy thì em xuống ghềnh câu cá kiếm bữa cho cả nhà. Đang câu, bỗng em thấy một chiếc thuyền cá bên trên đầy người tròng trành, tròng trành rồi lật úp. Người ta kêu la loạn xạ. Hoảng quá, em vứt cần câu, chạy ngược lên núi tìm cha”.
Nghe con hớt hải báo có người bị nạn, ông Mến, cha Truyền, lật đật bứt ống dẫn nước bằng nhựa dài chừng 50m của mình chạy xuống ghềnh. Vừa chạy, Truyền vừa la to: “Có người chết đuối...”.
Nghe tiếng kêu, hai anh em ông Nguyễn Văn Trung và Nguyễn Văn Hoạch đang câu cá gần đó cũng chạy đến. Lập tức cả bốn người cùng lao ra mỏm đá xa nhất để tìm cách quăng dây ra nhóm người đang vẫy vùng trong vòng nước xoáy.
Tất cả loay hoay cố gắng ném dây ra xa nhưng gió mạnh và sóng to quật lại, không thể ném được trong khi những người bị nạn chới với, chới với... Không suy tính, Truyền nói với ba: “Cứ cột dây vào người con, con sẽ bơi ra đưa ống nhựa này cho họ. Ở trong này ba và hai chú kéo vào nhé!”. Đoạn Truyền thoăn thoắt vòng đoạn dây thừng qua lưng mình, nhảy ùm xuống biển, bơi nhanh ra phía những người bị nạn...
Gió mạnh, sóng to và nước lạnh. Mặc, Truyền cứ ra sức bơi. Chuyến đầu có sáu người bám vào được, Truyền gắng sức dìu. Khi sáu người may mắn đầu tiên vừa chạm bờ, để cho ba và các chú lo, Truyền lại lao ra biển.
Thêm bốn người nữa. “Vào đến bờ thì lạnh và run quá nhưng em thấy còn hai người nữa đang chới với phía xa xa, trong đó có một em nhỏ. Em ráng hết sức lao ra lần nữa…”. Nhưng lần thứ ba này Truyền và những người trên bờ chỉ cứu thêm được một người. Cháu bé cuối cùng đã chết vì uống quá nhiều nước.
Khi tất cả mọi người đã được cứu đưa lên bờ thì lúc ấy Truyền mới gần như lả đi vì lạnh và mệt. “Nhưng những người kia còn mệt hơn em vì họ uống nhiều nước biển”, Truyền bảo. Vì thế, hết sức gắng gượng, cậu bé lại cố chạy về phía chòi của mình lấy tất cả quần áo của hai cha con xuống ủ ấm cho mọi người. Vừa lúc ấy lực lượng biên phòng kịp đến.
Chiều đó, sau khi mọi người đi rồi, cha con ông Mến tiếp tục công việc còn dang dở buổi sáng của mình. Truyền lại ôm cần câu ra ghềnh đá ban sáng với hy vọng sẽ kiếm vài con cá để nấu tô canh chiều cho cả nhà.
Nhưng Truyền lại phát hiện thêm một thi thể nạn nhân bập bềnh theo con sóng tấp vào bờ. Tất tả ba chân bốn cẳng, Truyền chạy một mạch lên phía đường sắt trên cao xin nhờ điện thoại. Nhiều người đến đón thi thể người xấu số. Lúc ấy mặt trời bắt đầu xuống núi... Một ngày lạ lùng chấn động và mệt lả, Truyền lủi thủi về...
Dù đã chín ngày trôi qua nhưng anh Nguyễn Văn Trọng cùng hai con của mình là Nguyễn Văn Anh và Nguyễn Văn Pháp, những người may mắn thoát nạn, vẫn còn bàng hoàng. Cố lục lại trong mớ ký ức hãi hùng của sáng hôm ấy, anh Trọng kể với giọng đầy khâm phục và biết ơn những người đã cứu mạng: “Truyền một tay bơi một tay cầm ống dẫn nước bằng nhựa cố lao mình về phía những người bị nạn. Mệt lả, nhưng em vẫn kịp đưa dây cho những người khác nắm để được kéo lên bờ”. Nếu không có Truyền thì số nạn nhân trong vụ chìm thuyền hôm đó sẽ không dừng lại ở con số tám.
Rất vui, Truyền nói giọng đầy phấn khởi: “Bữa nay đi học em không phải đi bộ hay đi nhờ xe người ta nữa. Có xe đạp mới nè!”, nói chưa dứt câu, Truyền đã nhảy phóc lên chiếc xe được UBND quận Liên Chiểu tặng trong đợt tuyên dương ngày 3/5 vừa qua, rồi đạp một vòng quanh sân, miệng cười toe toét.
Tuy vậy trong đôi mắt của cậu học trò lớp 7 thi thoảng vẫn ánh lên nỗi thất thần khi nghĩ về những chuyện đã qua. “Lúc đó em chẳng sợ gì cả. Nhưng giờ nhớ lại mới thấy sợ thiệt, người ta la cứu quá trời nên em nhảy ùm xuống biển, rồi cứ thế mà bơi ra cứu”...
Truyền là con út trong một gia đình chỉ có hai chị em. Vì gia đình quá khó khăn nên học hết lớp 9, Mỹ Duyên, chị gái của Truyền, phải nghỉ học. Còn lại Truyền cả nhà cố sức cho học. “Bốn năm trước còn có mấy sào đất để làm. Từ năm 2005 trở đi, đất bị thu hồi để mở đường hầm Hải Vân nên phải ra tít ngoài chân núi vỡ đất hoang trồng chuối”, ông Mến cho biết.
Hơn hai năm qua, cái rẫy chuối nhỏ bé ấy đã nuôi sống cả gia đình. Vợ chồng ông đã phải nhẫn nại lật từng hốc đá dưới chân núi để lấy đất trồng cây. Lúc buồng chuối, khi mớ rau, “nhờ thế mà thằng Truyền có thêm cái áo trắng để đến lớp với bạn bè”.
Vậy mà cơn bão Xangsane năm ngoái đã đốn ngã sạch không còn một cây chuối. Cái đói đã lởn vởn trước mắt. Không chịu đầu hàng số phận, cả nhà ông Mến lại “lăn” ra trồng chuối, trồng mì trở lại. “Cuối tuần nào thằng Truyền cũng phải ra rẫy. Không phụ giúp tưới nước thì nhổ cỏ, xuống ghềnh câu cá làm thức ăn cho cả nhà. Có hôm nhìn cảnh hai mẹ con è lưng gánh chuối cắt rừng về làng đổi gạo mà tui ứa nước mắt. Tui sợ vì nghèo mà con đường học của cháu rồi sẽ dang dở như chị của nó”, ông Mến tâm sự.
Ngày 6/5, thông qua Thành ủy Đà Nẵng, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã gửi quà và những lời dặn dò ân cần đến Trần Văn Truyền. Tổng bí thư khen ngợi tinh thần dũng cảm, hi sinh quên mình để cứu người trong hoạn nạn và khuyên em tiếp tục học giỏi hơn nữa để trở thành người có ích cho xã hội.
(Theo Tuổi Trẻ)