Tiệm D. nằm ngay vỉa hè chợ Hoàng Hoa Thám. Gọi là tiệm nhưng chỉ có một cái tủ nhỏ bày các loại sơn, hai chiếc ghế đệm cũ kỹ cho khách, còn cô thợ thì ngự trên cái ghế nhựa sát đất. Một chiếc khay nhựa đặt dưới nền gạch chứa đầy kiềm, giũa, mấy trái chanh và vài chiếc khăn. Bàn cắt móng là hai cái đùi cô thợ, có trải một cái khăn.
Trước khi làm móng cho khách, cô thợ cầm chiếc kềm nhỏ cắt hết lớp da xung quanh móng rồi cầm quả chanh xoa lên các đầu ngón "để sát trùng"! Sau đó cô cầm kìm và cái giũa kim loại chọc mấy phát cũng vào quả chanh đó, bảo: "Chanh là axit, không vi khuẩn nào sống nổi đâu". Quả chanh trong tay cô vừa được dùng để "sát trùng" tay chân cho khách hàng vừa "tẩy trùng" dụng cụ trước, sau và giữa các công đoạn làm móng.
Một bà khách khác gọi làm móng chân. Cô thợ lấy chiếc giũa bằng kim loại nhọn hoắt vừa đào vừa bới rồi lại khoét từng tí một. Móc được tí da và đất nào giắt trong khóe, chị lại quẹt vào mu bàn chân khách như để "báo cáo". Móc khoét mạnh quá, khóe chân bà khách bật máu. Cô lấy cái khăn lót trên đùi lau qua đi rồi hí húi cắt tiếp. Chiếc khăn vàng ố, có 4-5 chỗ lem nhem máu cùng các màu sơn xanh, đỏ, các mẩu móng, da li ti vừa cắt cho những người khách trước, trông rất đáng sợ. Cô thợ khoe vẫn ngâm tẩy khăn thường xuyên nhưng thực ra từ sáng tới tối mịt vẫn dùng mỗi cái khăn đó cho không biết bao nhiêu lượt khách. "Lấy có 5.000 đồng cắt cả chân cả tay mà đủ thứ cồn, thay khăn, kem dưỡng... thì tôi bỏ nghề à?" - cô bảo.
Thực ra ngoài quả chanh, cô thợ này cũng có một dung dịch tẩy trùng chính thống hơn. Vào buổi tối, lại một bà khách nữa chảy máu, cô ta lấy bông gòn tẩm ít nước trong một chai dầu gội đầu chấm chấm lên móng, bảo đó là "cồn tẩy trùng". Hỏi sao lại đựng trong chai dầu gội, cô thản nhiên: "Để đó cho dễ lấy". Nhưng thực tế, đó là nước gì chỉ có mình cô biết. Lọ kem dưỡng da để bôi lên các đầu ngón vừa cắt xong cũng đầy bụi, lem nhem không kém.
Quét sơn xong, cô chà cái móng tay cái vừa dài, vừa đen của mình xung quanh các kẽ móng chân cho khách để lau những chỗ sơn bị lan ra ngoài, rồi thoăn thoắt lau dụng cụ vào chiếc khăn kể trên. Mọi thứ lại sáng như mới để chờ "hành quyết" người khách tiếp theo.
Dụng cụ riêng... cho tất cả
Sang hơn những tiệm làm móng bình dân là các beauty salon hoặc kết hợp luôn cả hair dresser's (cắt tóc). Giá cả ở đây khác hơn nhưng bài bản thì không gì khác. Ở đâu cũng sát trùng bằng chanh!
Tiệm U.N ở đường Phạm Văn Hai trưng bảng chuyên làm các dịch vụ về móng nên khá đông khách. Ở đây có bàn để riêng cho khách làm móng chân. Khăn lau trông trắng trẻo hơn nhưng hầu hết vẫn dùng chung cho nhiều khách. Cô nhân viên mang ra một cái kìm và quả quyết đây là kìm mới tinh chưa cắt cho ai; nhưng nếu nhìn kỹ sẽ thấy trong các kẽ vẫn còn dính nhiều mảnh da và móng nhỏ.
Nhiều khách hàng cẩn thận mua riêng bộ cắt, dũa nhưng không ai để ý cái tô nhựa ngâm chân, tay (cho da mềm ra, dễ cắt) vẫn cứ dùng chung. Cứ đôi chân này vừa rút ra lại thay nước khác ngay, chẳng ai hơi đâu tẩy trùng hoặc làm vệ sinh cho mệt.
Làm móng dạo mới ghê! Chỉ một giỏ xách nhựa chứa đủ đồ nghề. Các chị thợ đáp xuống bất cứ nơi nào: lề đường (thường xuyên nhất), tam cấp một ngôi nhà, các sạp thịt, cá khi các chị tiểu thương rãnh rỗi... Và dĩ nhiên, đã làm móng dạo thì chẳng ai sang trọng đến mức kêu thợ cắt cho mình bằng dụng cụ riêng, khăn lau riêng!
Cắt khóe - thú đau thương
Nhiều bà, nhiều cô khi đi làm móng đã yêu cầu thợ phải cắt tỉa thât kỹ lưỡng viền da quanh móng, cứ lên một tí lại cắt. Khóe móng có khi phải đào bới, móc, có khi thật mạnh, vừa xuýt xoa kêu đau nhưng "đau mới đã", vẫn phải móc, chảy máu vẫn móc. Nhưng càng móc thì khóe móng càng rộng, đất càng nhét vào, càng phải móc đi, móc lại. Móng chân, móng tay những người này rất giống nhau và nhìn là biết ngay: chiếc móng hõm sâu xuống dưới thịt do lớp da bảo vệ móng đã bị tỉa sạch, trông như khuyết tật.
Chị Hòa, một khách hàng ở tiệm D., là tiểu thương bán hàng ở chợ. Móng chân cái của chị biến dạng, gồ ghề và 1/3 đã chuyển sang màu đen do lớp thịt bên trong đã hỏng. Nhiều chị bán hàng khác cũng bị bệnh giống Hòa vì vừa làm móng xong lại dính nước bẩn ở chợ. Chị Liên bán bún chả ở đường Phạm Văn Chiêu, phường 12, quận Gò Vấp thì bị sưng tấy móng, mưng mủ do chịu đau làm đẹp, phải tiêm kháng sinh đến bây giờ.
Có thể lây nhiễm HIV vì làm móng
Bà Phẩm Thị Thu, khoa Xét nghiệm Viện Pasteur TP HCM cho biết, các dụng cụ làm móng tay, chân có cắt sâu vào da gây chảy máu, nếu tiếp tục làm cho người khác tìi có thể làm lây nhiễm HIV và viêm gan B.
Riêng chiếc khăn lau và kièm cắt da của tiệm D. (đã nói ở trên) đã được Viện Pasteur xét nghiệm. Kết quả là chiếc kìm có 2 loại nấm Staphylo aureus và Candidas. Chúng gây bệnh ngoài da, sưng đỏ từ gốc móng, gây hư gốc móng, viêm da, gây mụn nhọt, lở loét, rất khó chữa, viêm quanh móng, hư gốc móng, gây bệnh qua đường tiêu hóa, hô hấp, có thể gây bệnh phụ khoa. Trong chiếc khăn lau có hai loại nấm Candida niger và Asperigillus niger. Ngoài các hậu quả gây bệnh như trên, nấm Asperigillus niger có thể gây hoại tử phần da nhiễm, mụn bóng nước, có máu, loét da...
Ở Mỹ, thợ làm móng phải học tại các trường (của tư nhân và nhà nước). Khóa học khoảng 1.600 giờ, gồm ba lớp: - Sơ đẳng: học 200 giờ (không được quyền làm cho khách). - Trung đẳng: học 400 giờ (chỉ được làm cho những khách không trả tiền công mà chỉ trả tiền thuốc). - Cao đẳng: 1.000 giờ (vừa học vừa làm cho khách có trả tiền). Muốn trở thành thày dạy nghề, phải học thêm 600 giờ nữa. |
(Theo Pháp Luật TP HCM)