Thu Hà (Kiến An, Hải Phòng), là người song tính, và chồng của cô, Ngọc Bích, là người chuyển giới từ nữ sang nam, đã mong muốn có con chung từ khi mới yêu nhau. Thu Hà làm giáo viên dạy trẻ khuyết tật nên cô rất yêu trẻ nhỏ. Trong suy nghĩ của mình, cô hy vọng đứa con sẽ là cầu nối để hai vợ chồng yêu thương nhau, sống có trách nhiệm với gia đình hơn.
Khi chuyển về sống cùng nhau, mặc dù đồng lương công nhân của Bích và thu nhập của Hà khá eo hẹp nhưng đôi vợ chồng trẻ vẫn cố gắng chi tiêu tiết kiệm để ổn định cuộc sống, thực hiện ước mơ làm cha mẹ. Thu Hà đã một lần làm thụ tinh ống nghiệm một lần, tuy may mắn chưa mỉm cười với vợ chồng cô nhưng Thu Hà muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình để những người cùng hoàn cảnh tham khảo.
Dưới đây là bài viết của Thu Hà:
Hình thức sinh: Thụ tinh ống nghiệm lấy trứng của người kia để mang thai
1. Giai đoạn chuẩn bị
1.1. Khám điều kiện
Bao gồm các xét nghiệm tổng quát, xét nghiệm và khám phụ khoa, xét nghiệm di truyền (xác định xem gen có lỗi không vì con sau này lấy gen của người cho trứng). Tổng chi phí lần đầu phải đóng là hơn 10 triệu đồng.
Bệnh nhân có thể nhận được kết quả xét nghiệm ngay, trừ xét nghiệm di truyền sẽ phải mất thời gian chờ đợi khoảng một tuần.
1.2. Sử dụng thuốc điều kinh nguyệt (Người cho trứng + Người nhận trứng)
Hai vợ chồng cùng uống thuốc progestogen mỗi ngày một viên vào cùng thời điểm. Việc này nhằm mục đích để người cho trứng và người nhận trứng rụng trứng cùng nhau. Khi xuất hiện kinh nguyệt, hai vợ chồng đến bệnh viện để khám và tiếp tục được tư vấn.
1.3. Tăng niêm mạc tử cung (Người nhận trứng)
Tăng niêm mạc tử cung để chuẩn bị sẵn sàng cho trứng sau khi thụ tinh làm tổ thực hiện cho người nhận trứng. Biện pháp là uống thuốc và chế độ ăn uống.
- Thuốc: Bác sĩ chỉ định uống thuốc tăng độ dày niêm mạc tử cung
- Ăn uống: Vợ ăn nhiều trứng gà, sầu riêng, đậu... Những thức ăn này có tác dụng làm niêm mạc tử cung dày lên.
Quá trình "bồi bổ" được theo dõi hàng ngày. Hầu như cứ cách một ngày, bác sĩ lại yêu cầu siêu âm đầu dò, xét nghiệm một lần để xem quá trình phát triển của niêm mạc tử cung.
1.4. Kích trứng
Chồng (người cho trứng) được bác sĩ phát cho một loại thuốc dùng qua đường tiêm và sử dụng trong khoảng một tuần. Thuốc ở dạng ống tiêm một liều và được tiêm vào vùng bụng, mỗi ngày tiêm vào một giờ cố định. Loại thuốc này có giá hơn một triệu đồng/liều. Từ lúc tiêm kích trứng, bụng của chồng trương và tưng tức.
Song song với quá trình tiêm hormone kích trứng, người cho trứng phải thường xuyên lên bệnh viên kiểm tra siêu âm đầu dò theo dõi kích thước, số lượng trứng được sản xuất. Ngoài ra còn phải xét nghiệm xem chỉ số có ổn không.
1.5. Giấy tờ thủ tục (Người cho trứng + Người nhận trứng)
Sắp tới ngày lấy trứng, bệnh viện yêu cầu 2 vợ chồng đến làm thủ tục. Thu Hà và Ngọc Bích được yêu cầu cung cấp hai giấy chứng nhận độc thân. Sau đó, hai vợ chồng phải ký giấy cam kết (chịu toàn bộ chi phí, rủi ro phát sinh dù thành công hay không...).
Chi phí đóng trước khi chọc trứng phải đóng thêm khoảng 30 triệu đồng.
2. Tiến hành
2.1. Chọc trứng (Người cho trứng)
Trước khi hút trứng, người cho trứng không được ăn uống gì để vào phòng phẫu thuật. Sau khi thực hiện xong và tỉnh dậy mới được ăn cháo trắng, chưa được ăn cơm. Khi sức khoẻ ổn định, người cho trứng phải uống thật nhiều nước để chống quá kích trứng. Nhiệm vụ của người cho trứng đến đây kết thúc.
2.2. Chờ kết quả đậu phôi
Trứng sau khi hút sẽ được thụ tinh với tinh trùng ngay trong ống nghiệm. Trứng thụ tinh thành công với tinh trùng trong ống nghiệm sẽ tạo ra phôi (tinh trùng lấy ở ngân hàng bệnh viện hoặc người hiến tặng (Nếu có người hiến tặng, bạn phải lo thêm chi phí xét nghiệm, lấy tinh trùng, rửa tinh trùng).
Phôi được phân làm 3 loại: phôi tốt, phôi thường, phôi xấu. Bác sĩ sẽ chọn kết hợp các loại phôi với nhau để có kết quả tốt nhất. Nếu nhiều phôi đẹp thì phương án sẽ là 2 phôi đẹp - một phôi trung bình, kế đến là 2 phôi đẹp - một phôi xấu, một phôi đẹp - 2 phôi trung bình...
Phôi sau khi thụ tinh xong được cấy vào tử cung ngay gọi là phôi tươi, phôi để đông chờ cấy vào tử cung sau gọi là phôi đông.
Kết quả phôi được biết sau hai ngày. Nếu tạo được nhiều phôi, bạn có thể chọn phôi đẹp hay phôi trung bình.
2.3. Giai đoạn chuyển phôi
Giai đoạn này gánh nặng đặt lên vai người vợ. Vợ không ăn uống trong 2 tiếng trước khi chuyển phôi và nằm yên 2 tiếng sau đó.
Trước khi chuyển phôi, người vợ sẽ được tiêm vào tay, đau đến mức mấy ngày sau vẫn đau cứng và phải chườm đá lạnh.
Vợ được nằm cáng để di chuyển đến phòng chuyển phôi, gây tê phần dưới. Sau khoảng 15 phút, vợ có thể được ra khỏi phòng phẫu thuật, nằm kê cao phần mông và không được cử động hay thay đổi tư thế suốt 2 tiếng hoặc lâu hơn.
Về chi phí, hai vợ chồng đóng trước khi chuyển phôi 50 triệu đồng.
2.4. Chờ đợi kết quả đậu thai
2 tuần sau khi chuyển phôi, vợ chỉ nằm trên giường, kê cao mông, không tắm mà chỉ lau người cho đỡ cử động nhiều. Ngoài ra, vợ còn phải uống thuốc dưỡng pha hoàng thể (thuốc hỗ trợ cho giai đoạn làm tổ của phôi, giữ cho phôi sống và không bị tuột).
2 tuần đầu, mỗi ngày 2 lần, vợ phải nhét thuốc âm đạo. Loại thuốc này có giá 150.000 đồng/viên. Quá trình này khiến người vợ bị đau và mệt mỏi.
2 tuần sau, vợ chồng đi thử máu phát hiện có thai. Nếu phát hiện đa thai thì phải xem mấy thai để xử lý kịp thời vì để 3-4 thai sẽ nguy hiểm cho vợ.
2.5. Theo dõi thai
Cứ vài ngày, vợ đến bệnh viện siêu âm một lần, cho đến khi kết quả siêu âm thấy hình ảnh trứng làm tổ thì mới chắc chắn đậu thai.
3. Tổng kết
- Thời gian từ lúc bắt đầu đến lúc hoàn thành chuyển phôi nhanh nhất 1,5 tháng
- Số lần đi lại bệnh viện để khám 15-20 lần
- Tổng chi phí tất cả cho một lần IVF là tầm 100 triệu đồng
- Hai vợ chồng phải quyết tâm cao độ và tuân thủ mọi chỉ dẫn của bác sĩ