Bác sĩ Rùa
Đấy là tiêu chuẩn của xã hội trong những năm em còn là học sinh phổ thông. Em cũng luôn tin tưởng và làm theo những tiêu chuẩn này, ít ra đó là định kiến của cả xã hội chứ có phải của mỗi gia đình em đâu. Nhưng đến ngày em bước những bước chập chững vào giai đoạn phát triển (mà người ta gọi là dậy thì), em không nghĩ có một ngày em không còn là em...
Đó là quãng thời gian em bắt đầu học cấp 3. Em đỗ vào trường em thích, em vui, tất nhiên, vì em học giỏi 9 năm liền mà. Em còn vui hơn khi biết cậu con trai ấy cũng đỗ cùng trường với em. Nếu gọi đó là hạnh phúc thì chắc lúc đó em là người hạnh phúc nhất thế gian. Em mơ đến những tháng ngày cấp 3 của em cùng người ấy học tập, chơi đùa... cùng người ấy phấn đấu vào đại học để 2 đứa có thể thực hiện lời hẹn ước năm 20 tuổi. Ừ, mọi chuyện sẽ luôn tốt đẹp nếu như người ta không phải nói từ “nhưng” em nhỉ? Chỉ sau mấy ngày nhập học, em nhận được thư chia tay của cậu ấy. Em khóc, khóc thật nhiều... Lần đầu tiên em khóc vì một người con trai... Càng cố nén, tiếng khóc càng bật ra thổn thức hơn, rõ ràng hơn... Trái tim em rạn nứt...
Em không phải đứa con gái yếu đuối để ủ dột mãi sau vết thương ấy. Em ôm trái tim đau quay lại việc học - việc duy nhất khiến em có thể hay may ra có thể quên đi người ấy. “Nhưng”, lại nhưng, việc học không phải cứ cố gắng là thành công. Đầu óc em không còn đủ sức để tập trung, để toàn tâm. Những kiến thức mới làm em choáng váng...
Em không theo được nhịp độ của lớp... Em thấy mình lạc lõng... Em bị người ta chơi xấu... Cả lớp tẩy chay... Còn 6 người tin em. Em biết, nhưng họ không dám phản kháng lại tập thể năm mươi mấy con người và cả cô chủ nhiệm khó tính... Em bị gạt ra ngoài... Trái tim em giờ chỉ còn một phần lành lặn...
Em bùng học, em trốn đi chơi không xin phép, em lấy trộm tiền ở nhà, em cãi lời bố mẹ, em lang thang suốt ngày ngoài đường, một mình...
Mẹ bảo: em là đứa con gái hư hỏng.
Bố mắng em, chửi em, đánh em, van nài em, năn nỉ em, động viên em...
Gia đình lấn bấn chuyện cơm áo gạo tiền, chuyện của em...
Nụ cười vắng mặt...
Tiếng dằn vặt chửi thề thành cơm bữa...
Em vẫn không thay đổi...
Em muốn gào thét, em muốn đập phá, em muốn nổi loạn, em muốn làm những gì em thích, em muốn phá bỏ các quy tắc...
Bố lắc đầu và bảo: “Kệ con, nếu con vẫn muốn sống như thế”... Em quay đi, cố giấu giọt nước mắt, cố tránh ánh mắt buồn và thất vọng của bố... Em chịu được tất cả chê bai,dè bỉu, chửi mắng... nhưng em không chịu được ánh mắt thất vọng của bố khi ấy...
Em tiếp tục cuộc sống chán ngán, vô nghĩa, thất vọng, đau đớn, cô đơn... Em tiếp tục làm cái bóng ở trường, ở nhà, ở ngoài đường. Lặng lẽ, không ủ dột nhưng cũng chẳng có niềm vui. Em tự an ủi mình với những bữa ăn điên cuồng, với những bản nhạc chát chúa, với những giờ lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm Hà Nội cho đến khi mỏi nhừ. Ít ra em thấy mình có được chút tự chủ, có cảm giác được quan tâm, dù không phải người thân hay bạn bè. Thỉnh thoảng bắt gặp người ta sánh đôi bước hay cảnh gia đình ai vui vẻ bên nhau, em quay đi cười chua chát, mắt ráo hoảnh nhưng sao lòng em đau thế? Trái tim em vỡ vụn...
Trước kia, em ngộp thở trong sự quan tâm của mọi nguời. Em cứ nghĩ thoát ra em sẽ vui. Nhưng em nhận ra không được quan tâm còn đáng sợ hơn nhiều.
Hơn một tháng sau, em không chịu được nữa. Em không muốn thất bại thảm hại như thế. Em không cam chịu làm số 0. Bắt đầu hành trình đi tìm những mảnh tim vỡ.
Em gặp lại cậu ấy.
Một buổi nói chuyện nghiêm túc và thẳng thắn. Em lại khóc khi nghe cậu ấy nói lí do chia tay vì muốn em hạnh phúc hay hi vọng em sẽ hạnh phúc với một người bạn khác vì đó là người anh em của cậu ấy. Cậu ấy muốn hi sinh. Cậu ấy cũng đã khóc rất nhiều. Em không còn trách cậu ấy nữa. Em chỉ cười cay đắng cho cái lí do chia tay ấy. Em về nhà suy nghĩ hai hôm rồi viết thư đoạn tuyệt. Sau này, em gửi bức thư đó cho cậu ấy đúng vào ngày sinh nhật em tròn 20 tuổi, ngày 2 đứa hẹn ước. Nếu còn duyên thì làm lại từ đầu, nếu không cứ coi như người lạ. Em thấy thanh thản hơn nhiều dù em không chấp nhận lời đề nghị làm bạn cũ của cậu ấy.
Em dành thời gian cho học tập, chăm chỉ phát biểu trên lớp. Điểm số của em được cải thiện, hình như các thầy cô quý em hơn. Chủ động hỏi han, quan tâm đến các bạn ở lớp. Tự tay em làm những món quà nhỏ tặng mọi người. Thay vì chui vào xó lớp, em tham gia các hoạt động lớp, trường. Những ánh mắt dè bỉu, khinh miệt, tò mò... dần dần thay thế bằng những nụ cười bao dung và đón nhận. Dù em không sai trong chuyện ấy, nhưng em chấp nhận im lặng. Em thuyết phục họ bằng chính tính cách và lòng nhiệt tình của em. Vẫn có những nghi ngờ, những xa cách nhưng ít nhiều em đã lấy lại lòng tin và sự yêu mến của những người bạn cũ, những người em CẦN.
Em dành toàn bộ thời gian ngoài trường học cho gia đình. Chăm chỉ, nghe lời, không một câu phản bác, luôn nhận lỗi về mình, mỉm cười ,hỏi thăm nhiều hơn, lên cửa hàng giúp mẹ một cách tự nguyện và hăng hái. Tình hình sáng sủa dần. Vấn đề tiền bạc không còn gay gắt như trước. Mọi người đều cố gắng. Em cố gắng.
Một quãng thời gian dài với nhiều thách thức. Đã bao lần em muốn chạy trốn. Em trượt ngã và em tự đứng dậy. Em tự mình đi tìm lại những mảnh tim vỡ, dùng tình yêu thương và niềm tin của em và mọi người gắn kết lại. Em xấu hổ vì những lỗi lầm không đáng được tha thứ. Nhưng em không hối tiếc. Em mắc sai lầm, dù có những sai lầm không thể sửa chữa. Nhưng em tự hào vì những gì em đã làm trong hành trình của mình.
Em biết ơn người bạn trai đầu đời dạy cho em cách yêu.
Em biết ơn những người tin tưởng em, giúp em hiểu lòng tin có sức mạnh thế nào.
Em chịu ơn những người đã bao dung, ôm lại em vào lòng.
Em biết ơn những ánh mắt khinh khi và nghi ngờ giúp em thêm mạnh mẽ.
Em biết ơn những tháng ngày đau khổ giúp em hiểu được ý nghĩa của tình yêu thương,sự quan tâm, cho dù những điều đó không được thốt lên thành lời.
Nhưng nó vẫn hiện hữu hằng ngày...
Bên gia đình.
Bên bạn bè.
Bên em.
Vài nét về blogger:
“Tôi muốn gửi đến cho bạn một chút nắng cuối mùa, đủ ấm để làm bạn bớt lạnh trong tim, đủ nhẹ để làm khô nỗi buồn vương khóe mắt, đủ nhiều để bạn cười vàng ươm như nắng, bạn tôi ơi...” - Bác sĩ Rùa.