![]() |
Những cây đá được bày bán ngay trên vỉa hè đường Trường Chinh. Ảnh: Lưu Thành. |
Ngay đầu Ngã tư Vọng, những cây đá lớn, dài chừng hơn 1m được bày bán công khai dưới lớp bụi đường, khói xe của dòng người đi lại trên con đường thường xuyên ùn tắc. Hai phụ nữ đặt những tảng đá lớn lên trên một tấm bạt màu trắng rồi dùng chiếc dao răng cưa chặt thành nhiều phần nhỏ, bỏ vào túi bán lẻ. Quán nào có nhu cầu đá lớn và đặt trước, chủ hàng sẽ chia cây đá thành nhiều miếng đựng trong hộp xốp cáu bẩn phía sau rồi giao tới tận nơi.
Ngay sau "quầy hàng" sát mép đường này là hàng chục cây đá xếp thành đống được chủ hàng phủ một lớp bạt cho... "đỡ bụi bẩn". Với khách mua lẻ, đá được để trong các túi nilon đã buộc sẵn. Bà chủ vừa thoăn thoắt tay không chặt đá cho khách, vừa ngồi nhặt rau bí, thái thịt lợn để chuẩn bị cho bữa cơm trưa. Thỉng thoảng, một vài người mang hộp đựng đá tới, người phụ nữ này lại bốc đá đầy vào hộp cho khách rồi lại thản nhiên ngồi... nhặt rau. Nếu cần nhỏ hơn, khách có thể đứng tại đó dùng chày đập.
Những người lái xe ôm gần đó nói rằng "chợ" đá này tồn tại đã lâu nhưng không thấy ai tới kiểm tra hay cấm bán. Người mua không cần để ý tới việc đá được bày bán dưới hè phố cũng không cần biết nguồn nước đá có đảm bảo vệ sinh hay không, họ cứ tới mua sẵn 2.500 đồng một túi đá tảng.
Bán trà đá trước cổng Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã 2 năm nay, chị Hằng cho biết đá cây bán rất có lãi. Trước đây, một cây đá dài hơn 1m có giá 70.000 đồng nhưng nay đã tăng lên 100.000 đồng do khan hiếm đá. Trung bình với 2.500 đồng, chị Hằng mua được 5 cân đá cây đã đập nhỏ. "Nếu mua đá khay từ 2.000 đến 4.000 đồng thì bán không lãi bằng bán đá cây, thế nên người ta mới dùng đá cây nhiều", chị Hằng tiết lộ.
![]() |
Đá để ngay dưới vỉa hè. |
Về lệnh cấm dùng đá cây cho giải khát, chị Hằng thanh minh: "Quán chị không dùng đá cây đâu. Đá nhà làm lấy, chỉ thỉnh thoảng cần lắm mới dùng thôi". Vừa dứt lời, chị nhấc máy gọi chủ cơ sở sản xuất đá ở phố Vọng mang hàng tới.
Dọc đường Bạch Mai, những tấm biển đề "bán đá cây", "đá viên tinh khiết" được xếp thành thành từng dãy. Dưới lớp tải màu nhờ nhợ là những cây đá được xếp cao thành từng chồng. Cậu thanh niên khệ nệ vác cây đá dài khoảng 1m2 đặt lên kệ để hàng đã rỉ phía sau xe máy, chẳng cần che đậy gì, cậu cứ thế chở đi.
Ngõ 30, đường Tạ Quang Bửu tập trung khá nhiều quán trà đá sinh viên. Quán nước nhà bà Mây đã thay đá cây bằng đá viên. Bà Mây cho biết: "Đá cây bẩn lắm. Nước làm đá bơm từ giếng không qua lọc mà được cho luôn vào khay làm lạnh. Nhà tôi chỉ dùng đá viên, chỉ cần một cú điện thoại là người ta mang tới tận nơi".
Do một lần tới lấy đá được chứng kiến quy trình sản xuất, bà Mây chuyển sang dùng đá viên. Theo bà Mây, đá viên rất sạch vì được lọc cẩn thận nhưng khi được hỏi bà có tận mắt chứng kiến các cơ sở làm không thì bà trả lời "chỉ nghe người đưa hàng nói vậy". Khách uống nước đông, bà dùng tay bốc đá vào cốc nước cho... nhanh.
Chỉ với 1.000 đồng, dù là công chức, sinh viên hay người lao động cũng có thể "lê la" trà đá. Tuần (Sinh viên Bách Khoa), khách hàng ruột quán bà Mây, một ngày chỉ riêng tiền thuốc, nước đã ngốn hết hơn 20.000 đồng: "Ngày nào em cũng ra ngồi uống trà đá ở đây. Em không để ý lắm tới đá cho vào cốc nước, chỉ thấy mát và rẻ là khoái rồi", Tuần cho biết.
![]() |
Vừa bán đá, vừa tranh thủ nhặt rau. |
Ngày 25/4, Hà Nội đã có văn bản chỉ dùng đá viên của các cơ sở có chứng chỉ vệ sinh cho nước giải khát. Theo văn bản này, việc sử dụng đá cây cho nước giải khát bị nghiêm cấm do nguồn nước sản xuất đá không đảm bảo vệ sinh, có thể chứa các vi khuẩn gây tiêu chảy cấp. Tuy nhiên, bất chấp lệnh cấm, các "chợ" đá vỉa hè vẫn hoạt động, các quán trà đá, giải khát vẫn sử dụng đá cây cho khách.
Những hôm đông khách, mẹt hàng của chị Hằng chỉ với 2-3 hộp kẹo lạc, kẹo cao su, vài chai nước ngọt và ấm trà có thể giúp chị kiếm được 200.000 đồng. Lợi nhuận thu được rất cao khiến các quán cóc vẫn lấy đá cây về bán dù biết đá cây rất bẩn và có nguy cơ gây tiêu chảy cấp.
Minh Phương