Sáng 8/9, khoảng 250 phụ huynh có con em đang học tiểu học tại xã Tế Nông và xã Trung Chính tiếp tục không cho các bé đến trường nhằm gây áp lực với chính quyền vì thay đổi địa điểm học tập mới.
Theo ông Đỗ Gia Xuân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nông Cống, thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã tại tỉnh Thanh Hoá theo phê chuẩn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ngày 16/10/2019), tại huyện Nông Cống, xã Trung Ý được sáp nhập vào xã Trung Chính, lấy tên là xã Trung Chính; xã Tế Tân sáp nhập vào xã Tế Nông lấy tên là xã Tế Nông...
Sau khi sáp nhập đơn vị hành chính, ngày 1/9 UBND huyện Nông Cống cũng công bố các quyết định đổi tên, sáp nhập trường học các bậc mầm non, tiểu học và trung học cơ sở.
Với bậc mầm non, các bé vẫn được bố trí đi học tại trường cũ (dù sáp nhập nhưng phân thành cơ sở 1, cơ sở 2) nên phụ huynh không thắc mắc. Tương tự, bậc THCS phụ huynh cũng cơ bản đồng thuận. Tuy nhiên ở cấp tiểu học, phụ huynh (xã Tế Tân và xã Trung Ý cũ) phản ứng dữ dội.
Trong ngày khai giảng và hai ngày học chính khoá (7-8/9), phụ huynh chỉ chở con đến điểm trường cũ sau đó lại đưa về nhà mà không cho sang trường mới. Phụ huynh phản đối vì tới trường mới, con em họ phải di chuyển quãng đường xa hơn trước 3-4 km.
"Nếu chuyển trường, phụ huynh không sắp xếp được thời gian đưa đón con vì đa số bố mẹ bận đi làm xa, các con ở nhà với ông bà cao tuổi, phương tiện đi lại chủ yếu bằng xe đạp nên không thể đưa các cháu ngày bốn lần đến trường", một phụ huynh có con học lớp 3 ở trường Tiểu học Trung Ý cũ nói. Chị cho hay cơ sở vật chất ở trường cũ vẫn đảm bảo phục vụ tốt công tác dạy học.
Ngoài ra, một số phụ huynh cũng không muốn mất phiên hiệu trường cũ vì đã có từ xa xưa, người dân từng đóng góp rất nhiều của cải, công sức để xây dựng cơ ngơi như ngày nay.
Các bậc phụ huynh bày tỏ nguyện vọng chính quyền cân nhắc để lại cơ sở 1 và cơ sở 2 để tạo điều kiện cho bà con trong việc đưa đón con em đến trường và người dân có thời gian phát triển kinh tế.
Việc phụ huynh chưa cho con đến trường đã ảnh hưởng đến kế hoạch giảng dạy tại các nhà trường. Ông Đỗ Gia Xuân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nông Cống, cho hay hiện chính quyền địa phương đang phối hợp các tổ chức đoàn thể và cử thầy cô giáo đến từng gia đình học sinh vận động, giải thích để phụ huynh sớm thay đổi ý định.
"Theo quy định, những trường có quy mô dưới 8 lớp tới đây tiếp tục được sáp nhập. Đây là chủ trương chung nên không thể thay đổi", ông Xuân cho hay.
Cũng theo lãnh đạo phòng Giáo dục Nông Cống, những ngày qua có một số người lên mạng lôi kéo, kích động phụ huynh tập trung phản đối chủ trương sáp nhập trường, trong đó có một số người bán hàng quanh các cổng trường cũ, do ảnh hưởng đến quyền lợi kinh tế...