Tháng 6/1989, tỷ phú bất động sản Donald Trump tuyên bố tham vọng tạo ra "hệ thống giao thông tốt nhất trên toàn thế giới" trong buổi giới thiệu về Trump Shuttle, hãng hàng không được ông thâu tóm với giá 365 triệu USD. Tiền thân của Trump Shuttle là Eastern Air Lines, hãng bay cung cấp các đường bay giữa New York, Boston, và Washington D.C.
Quyết định mua lại hãng hàng không này của ông Trump được xem là táo bạo. Bởi trước đó Eastern Air rơi vào khủng hoảng do cuộc đình công của toàn bộ nhân viên. Tháng 10/1988, Frank Lorenzo, lúc đó là chủ tịch của Texas Air, công ty mẹ của Eastern Air Lines đã phải bắt tay với Donald Trump để bán lại thương hiệu này.

Donald Trump mua lại Eastern Air vào năm 1989. Ảnh: Airlines.
Sau khi thâu tóm Eastern Air, ông Trump đổi tên hãng bay này thành Trump Shuttle, vận hành 21 tàu bay Boeing 727. Ngoài ra, ông Trump cũng đảm bảo việc làm cho các nhân viên cũ của Eastern, bao gồm cả việc công nhận các thỏa thuận lao động hiện có và các công đoàn của hãng hàng không.
Trump bắt đầu lôi kéo nhân tài trong ngành hàng không về dưới trướng của mình. Một trong số đó là Bruce Nobles, cựu chủ tịch Pan Am, đối thủ trực tiếp cùng khai thác chung tuyến đường bay với Trump Shuttle, được mời về điều hành hãng.
Ngày 8/6/1989, Trump Shuttle sẵn sàng cất cánh từ sân bay LaGuardia Airport ở New York (LGA). Những dịch vụ được giới thiệu vào ngày khai trương thể hiện đúng phong cách của Trump và được khách hàng thời đó mong mỏi như: nhạc giao hưởng, champagne... Nhưng thời tiết xấu khiến chuyến bay đến Boston khởi hành trễ tới 45 phút khiến lời hứa tạo ra "hệ thống giao thông tốt nhất trên toàn thế giới" của Trump bị chế giễu.
Ngay tuần đầu hoạt động của Trump Shuttle đã rối ren. Hãng hàng không này điều hành 64 chuyến một ngày giữa ba sân bay Logan tại Boston, LaGuardia tại New York, và Reagan tại Washington D.C nhưng liên tục trễ chuyến, gặp sự cố. Trump Shuttle chỉ sở hữu 26% thị trường so với đối thủ Pan Am.
Hai tháng sau (8/1989), một chuyến bay của Trump Shuttle khẩn cấp đáp xuống Sân bay Quốc tế Boston Logan (BOS) vì bộ phận hạ cánh phía trước của máy bay bị trục trặc. Tuy không có thương vong nào xảy ra nhưng sự cố trên khiến khách hàng bắt đầu hoang mang. Để trấn an khách hàng, đích thân Trump đã tự mình lên chuyến bay từ New York đến Boston vào ngày hôm sau.

Donald Trump (giữa) trong buổi khai trương chuyến bay đầu tiên tại sân bay LaGuardia, New York vào ngày 8/6/1989. Ảnh: BI.
Tuy nhiên sự "liều lĩnh" của Trump cũng không thể giúp Trump Shuttle thoát khỏi vũng lầy. Suy thoái kinh tế và giá dầu tăng vọt khiến Trump Shuttle ngày càng lao dốc và lỗ nặng. Những chiếc máy bay cũ ngốn nhiên liệu, dịch vụ đồ ăn miễn phí, đồ uống nóng và các chương trình marketing rầm rộ khiến chi phí của hãng tăng vọt. Thêm vào đó, số lượng hành khách cũng giảm dần, do cuộc suy thoái kinh tế gây áp lực lên mọi ngành nghề, bao gồm cả các hãng hàng không.
Trump Shuttle cố gắng cạnh tranh ở một thị trường ngách, đó là tân trang một số máy bay để cho thuê cá nhân. Ông Trump đã chi 1 triệu USD cho mỗi chiếc máy bay để tân trang toàn bộ nội thất của máy bay. Tuy nhiên, những nỗ lực này của Trump không thể giúp hãng bay mang tên mình thoát khỏi tình trạng chết yếu. Chỉ 18 tháng sau khi đi vào vận hàng, Trump Shuttle đã mất 128 triệu USD. Ông Trump còn buộc phải sa thải 100 nhân viên, đi ngược lại lời hứa đảm bảo việc làm cho các nhân viên hãng.
Để giữ hãng bay hoạt động, ông Trump buộc phải bơm tới 7 triệu USD tiền mặt mỗi tháng. Bruce Nobles, cựu chủ tịch Trump Shuttle tiết lộ rằng ông Trump đã lên kế hoạch bán hãng hàng không của mình trong vài tháng nhưng không có người mua nào sẵn sàng trả các khoản nợ lãi suất cao của hãng.

Chiếc máy bay Boeing 727 mang thương hiệu Trump Shuttle tại sân bay sân bay LaGuardia, New York năm 1991. Ảnh: BI.
Trump Shuttle gánh khoản nợ lên tới 245 triệu USD, chưa tính khoản 135 triệu USD được ông Trump bảo lãnh cá nhân. Tháng 9/1991, các cuộc đàm phán mua lại Trump Shuttle giữa Northwest Airlines và các chủ nợ ngân hàng của Trump Shuttle thất bại. Đầu năm 1992, Citigroup, chủ nợ lớn nhất của Trump Shuttle bắt đầu đàm phán bán với US Air để bán lại hãng hàng không này. USAir đã quyết định mua lại Trump Shuttle và đổi tên thành USAir Shuttle, hiện chính là American Airlines Shuttle.
"Trump cho biết ông ấy đã muốn sở hữu đội bay trong nhiều năm. Nhưng theo tôi đó không phải là một quyết định tài chính", Bruce Nobles, cựu chủ tịch Trump Shuttle từ tháng 10/1988 đến 6/1990, nói. Ông Nobles đã bị Trump sa thải vào tháng 6/1990. Về phần mình, ông Trump tuyên bố đã kịp rút khỏi vùng lầy "vào đúng thời điểm" và không chịu mất mát nào.
Sơn Nam (Theo BI, NYT, Bloomberg)