Góp mặt trong tập 12 Beauty Talk với chủ đề "Giải pháp kiểm soát bệnh lupus ban đỏ hệ thống" phát sóng ngày 21/11, trên chuyên trang Ngôi Sao, Ths.BS Trần Văn Thảo - Trưởng khoa Da liễu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, chia sẻ những thông tin hữu ích về bệnh lupus ban đỏ hệ thống cũng như cách điều trị và giảm biến chứng của bệnh.
Căn nguyên gây bệnh
Bác sĩ Trần Văn Thảo cho biết căn nguyên của bệnh lupus ban đỏ hệ thống chưa được rõ ràng và bệnh diễn biến mạn tính tăng dần. Đây là bệnh đặc chủng bởi cơ thể sản xuất ra một dòng tế bào gọi là Lympho T, dòng tế bào này coi những tế bào ở cơ quan khác là vật lạ và tấn công, gây tổn thương chính những cơ quan đó.
Qua nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học, vấn đề gene trong cơ chế bệnh sinh của bệnh cũng được đề cập. Đối tượng dễ mắc bệnh là những người mang gen HLA- B3 hoặc HLA-DB3... và một số gene khác. Tuy nhiên, việc tầm soát gene gây bệnh trên diện rộng là điều không khả thi. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân, yếu tố khách quan thúc đẩy khởi phát khiến bệnh nặng lên như: người bệnh sử dụng một số loại thuốc gây bệnh, đặc biệt là thuốc tránh thai cũng có vai trò khởi động và thúc đẩy bệnh, tác động của ánh nắng mặt trời; nhiễm trùng kinh điển (nhiễm trùng da, niêm mạc, viêm phổi...) đã xảy ra ở bệnh nhân.
Theo thống kê của Bộ Y tế năm 2023, cứ 100 người dân thì có đến 50 người mắc, tỷ lệ mắc bệnh ở nữ giới cao gấp 9 lần nam giới nhưng tỷ lệ này không đúng với lứa tuổi nhỏ bởi với trẻ nhỏ, khả năng mắc bệnh là ngang nhau. Trong đó, phụ nữ ở tuổi sinh nở, từ 15 đến 50, là đối tượng có khả năng cao mắc lupus ban đỏ hệ thống nhất.
Triệu chứng lâm sàng của bệnh
Theo bác sĩ Thảo, một số triệu chứng của bệnh lupus ban đỏ gần giống với những bệnh lý khác. Vì vậy, không ít người mắc một số triệu chứng và nhầm tưởng sang bệnh khác nên đi khám ở các khoa như: cơ - xương khớp, răng, thận, truyền nhiễm... trước khi được chẩn đoán mắc lupus ban đỏ. Tuy nhiên, do bệnh chưa được chẩn đoán và xác định nên quá trình điều trị chưa đúng - đủ khiến bệnh tái phát nhiều lần.
Dấu hiệu chỉ điểm bệnh lupus gồm: ban đỏ hình cánh bướm vùng mặt, nhưng triệu chứng này hiện không còn nhiều vì người dân có ý thức dùng kem chống nắng, mũ rộng vành... để che chắn nên triệu chứng nhạy cảm với ánh nắng giảm. Tiếp đến là các ban xuất huyết ở đầu ngón tay, chân; viêm và đau các khớp (gối, khuỷu tay, bàn ngón tay); loét đầu chi, loét niêm mạc miệng tái diễn; rụng tóc, xơ tóc, tóc dễ gãy; mệt mỏi nhiều, gầy sút, sốt kéo dài...
"Khi thấy những triệu chứng kể trên, người bệnh cần tới khoa da liễu hoặc miễn dịch dị ứng lâm sàng để được khám và chẩn đoán xác định bệnh, tránh bỏ sót giai đoạn đầu chữa trị", bác sĩ khuyên.
Những biến chứng
Lupus ban đỏ gây tổn thương tại nhiều cơ quan trên cơ thể. Do đó, nếu người bệnh không được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và quản lý tốt, dễ để lại di chứng, biến chứng. Điển hình, viêm màng tim, màng phổi kéo dài, dẫn tới viêm dày dính màng tim, màng phổi; các đầu ngón tay loét do viêm mạch; các khớp có thể viêm đau dẫn tới vận động hạn chế, một số khớp nhỏ còn mất chức năng hoạt động. Đặc biệt là biến chứng suy thận do hội chứng thận hư hoặc viêm cầu thận khiến bệnh nhân có thể gặp tình trạng suy dinh dưỡng, suy kiệt, suy tim, tràn dịch đa màng, cao huyết áp, rối loạn điện giải... và nhiều yếu tố khác. Đây được coi là những nguyên nhân lớn dẫn tới tử vong của bệnh nhân.
Với phụ nữ bị luspus ban đỏ hệ thống chưa sinh con và muốn có con, họ vẫn có thể có con nhưng khó khăn hơn. Do đó, người bệnh cần phối hợp với bác sĩ để lên kế hoạch sinh con, có thời điểm mang thai phù hợp. Thời điểm tốt nhất là khi bệnh ổn định từ triệu chứng lâm sàng đến cận lâm sàng, liều thuốc điều trị thấp. Sau khi người bệnh có thai, cần kết hợp với bác sĩ khoa sản theo dõi thai kỳ chặt chẽ để có được sự chăm sóc y tế tốt nhất. Việc chăm sóc này cần đặc biệt lưu ý từ tháng 5, 6 vì đây là thời điểm dễ sảy thai, sinh non.
Phương pháp điều trị
Bác sĩ Trần Văn Thảo cho biết lupus ban đỏ là bệnh phải điều trị suốt đời, ảnh hưởng tới sức khỏe, công việc, sinh hoạt hàng ngày cũng như chuyện sinh nở. Do đó, khi biết bản thân mắc bệnh, tâm lý chung của người bệnh và người nhà là tìm phương pháp điều trị mới, cơ sở mới để chữa hết bệnh. Những điều này vô tình làm cho người bệnh không được điều trị đều, đúng, dẫn tới bệnh trở nặng, gây khó khăn trong quá trình điều trị về sau do một số cơ sở chữa bệnh không uy tín, bác sĩ không có chuyên môn, kinh nghiệm dày dặn.
"Bệnh lupus ban đỏ hệ thống không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Khi bệnh nhân dừng điều trị, tự ý giảm liều thuốc hoặc liều thuốc không đáp ứng được bệnh, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Do đó, để giữ cơ thể khỏe mạnh, những người mắc bệnh cần tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, kiểm tra y tế định kỳ và dùng thuốc đầy đủ", ông nói.
Theo vị bác sĩ, người bệnh ban đầu tới khám, sẽ được làm xét nghiệm, đánh giá lại tình trạng. Sau đó, bác sĩ sẽ tư vấn, giải thích tình trạng bệnh, những vấn đề liên quan đến dùng thuốc, chế độ ăn uống, sinh hoạt, đồng thời phân loại bệnh nhân. Người bị lupus ban đỏ hoàn toàn có thể điều trị ngoại trú tại nhà khi không có triệu chứng lâm sàng, các chỉ số xét nghiệm ổn định và liều dùng thuốc thấp. Họ sẽ được cấp thuốc điều trị tại nhà và theo dõi định kỳ mỗi tháng tại khoa da liễu. Còn những người có triệu chứng như: đau mỏi nhiều, mỏi các khớp, phù, rụng tóc, nổi ban, tăng huyết áp, suy tim... bắt buộc phải nhập viện điều trị nội trú. Trong giai đoạn đầu, các bác sĩ có thể sử dụng thuốc ức chế miễn dịch thông thường nhưng nếu bệnh nhân không đáp ứng, sẽ phải truyền các chế phẩm ức chế miễn dịch. Đặc biệt, những bệnh nhân nặng, cần áp dụng biện pháp lọc máu để loại bỏ từ kháng thể trong cơ thể. Tuy nhiên, những kỹ thuật này thường dành cho bệnh nhân đặc biệt nặng và gia đình có điều kiện kinh tế bởi chi phí rất tốn kém.
Vị bác sĩ khuyên mọi người nên tỉnh táo, giữ tâm lý bình tĩnh và lạc quan khi phát hiện ra bệnh cũng như cần tìm đến cơ sở y tế uy tín, bác sĩ có trình độ cao, kinh nghiệm dày dặn để hiểu rõ hơn về bệnh và điều trị đúng cách. Nhằm giúp người bệnh giảm thiểu áp lực tâm lý, không ít bác sĩ còn tạo cơ hội cho người mới mắc bệnh tiếp xúc với các bệnh nhân đang điều trị lâu năm nhằm giúp họ dễ dàng chấp nhận tình trạng bệnh và hiểu rằng họ vẫn có thể sống lâu dài, sinh con khỏe mạnh... để từ đó chấp nhận điều trị.
"Bệnh lupus ban đỏ dễ gây biến chứng, tổn thương các cơ quan trong cơ thể khiến tinh thần người bệnh sa sút. Vì vậy, việc giữ vững tâm lý cho bệnh nhân rất khó khăn, phụ thuộc vào tấm lòng của người thầy thuốc, người thân trong gia đình để giúp họ vượt qua rào cản ban đầu", bác sĩ tiết lộ.
Bên cạnh việc giữ tâm lý thoải mái, người bệnh cần có chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt khoa học và vận động thường xuyên. Những loại thực phẩm nên ăn gồm: cá tươi (2 lần một tuần); rau, củ có chất chống ôxy hóa (như rau diếc, cà chua, cà rốt, việt quất); dầu ô lưu; dùng vitamin nhóm A, E, AB... Người bệnh cần hạn chế ăn nội tạng; thực phẩm chứa nhiều đường, muối như dưa muối, cà muối... Những thực phẩm cần tuyệt đối tránh là tỏi, rau đinh lăng, các chất kích thích (cà phê, thuốc lá, rượu bia...).
Ngoài ra, người bệnh nên vận động nhẹ nhàng như đi bộ, bơi, tập yoga...; không làm việc quá sức và thường xuyên dùng các biện pháp nắng như bôi kem chống nắng, đội mũ rộng vành... khi đi ra ngoài, tuyệt đối không tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, đặc biệt khi trời nắng gắt.
Người bị lupus ban đỏ hệ thống khi được điều trị tốt, sử dụng thuốc đầy đủ, cơ thể cũng không thể khỏe mạnh như người bình thường bởi họ phải sử dụng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài, ảnh hưởng tới nội tiết. Song song đó, việc bị tổn thương các cơ quan cũng khiến thể trạng không tốt, sức chống chả với các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài rất kém. Do đó, bác sĩ Thảo nhấn mạnh việc thực hiện theo đúng liệu trình điều trị, giữ tinh thần thoải mái, suy nghĩ lạc quan và thói quen sinh hoạt khoa học, phù hợp là điều cực kỳ quan trọng.
Những khó khăn trong quá trình điều trị bệnh của bác sĩ
Tại tọa đàm, khi được hỏi về những khó khăn trong quá trình điều trị và quản lý người bệnh, Trưởng khoa Da liễu - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ vấn đề tâm lý của người bệnh là rào cản đầu tiên. Nhiều người khi biết bệnh sẽ theo họ suốt đời khiến mọi kế hoạch, dự định tương lai bị ảnh hưởng, thì suy sụp tinh thần, không hợp tác trong điều trị.
Khó khăn tiếp theo mà y bác sĩ gặp phải là thuốc điều trị cho bệnh nhân bị thiếu, nguồn cung cấp không ổn định. Bên cạnh đó, hệ thống xét nghiệm chưa đầy đủ bởi một số người bệnh cần những xét nghiệm đặc trưng để chẩn đoán bệnh và theo dõi tiến triển của bệnh. Cuối cùng là rào cản về kinh tế.
Lupus ban đỏ cần điều trị lâu năm khiến kinh tế của bệnh nhân kiệt quệ khi phải tái khám thường xuyên, thậm chí nằm viện liên tục, không có thời gian đi làm, từ đó ảnh hưởng tới thu nhập, dinh dưỡng cũng như thể trạng của người bệnh. Với những trường hợp nặng, cần can thiệp kỹ thuật cao hay sử dụng thuốc ngoài bảo hiểm, nhiều người bệnh không đủ điều kiện kinh tế chi trả.
Trong điều trị lupus, corticoid là thuốc đầu tay, từ tuyến tỉnh đến trung ương, chỉ một số trường hợp không đáp ứng mới thay bằng một số thuốc ức chế miễn dịch khác. Tuy nhiên, sử dụng kéo dài dễ để lại nhiều tác dụng phụ không mong muốn như: Hội chứng Cushing. Khiến khuôn mặt tròn như mặt trăng, ảnh hưởng tâm lý; triệu chứng rậm lông...; đặc biệt gây loãng xương do ngăn cản hấp thu canxi dẫn tới loãng xương, thoái hóa các khớp; loét dạ dày, đại tràng; rối loạn bệnh nội tiết (tiểu đường, mỡ máu; rối loạn điện giải). Nếu không dùng corticoid, người bệnh có thể sử dụng một số thuốc có thể giảm tác dụng phụ nhưng bác sĩ lại không thể dùng đại trà cho bệnh nhân vì thuốc mang giá trị kinh tế cao.
Dù gặp nhiều khó khăn trong việc điều trị, bác sĩ Thảo cho biết ông và các y bác sĩ tại khoa Da liễu - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc luôn động viên bệnh nhân cố gắng, không nên tự ý dừng hay giảm liều thuốc cũng như giữ tâm lý vững vàng để có thể "đẩy lùi" bệnh tật.
Ths. Bs Trần Văn Thảo tốt nghiệp trường Đại học Y Hà Nội. Hiện ông là trưởng khoa da liễu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc. Ông có nhiều năm công tác và kinh nghiệm trong chuyên ngành da liễu và quản lý điều trị bệnh nhân lupus. Hiểu và thấu cảm với hoàn cảnh, tình trạng của người bệnh, bác sĩ luôn bên cạnh, động viên quan tâm sâu sắc tới từng người, giúp họ thuận lợi hơn trong điều trị bệnh và cuộc sống hàng ngày.
Xem tọa đàm "Giải pháp kiểm soát bệnh lupus ban đỏ hệ thống" tại đây.
Hải My
"Beauty Talk" do chuyên trang Ngoisao.net và Tập đoàn Dược mỹ phẩm châu Âu (EUPC Group) phối hợp tổ chức. Chương trình gồm 15 tập, phát sóng mỗi tuần một tập. Qua từng tập, người xem sẽ có được những kiến thức chuyên môn bổ ích về chăm sóc sức khỏe làn da, làm đẹp, với sự tư vấn của các chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm đang làm việc tại các bệnh viện đầu ngành ở Việt Nam hiện nay. Tập đoàn Dược mỹ phẩm châu Âu - EUPC Group hiện là nhà cung ứng nhiều mặt hàng dược mỹ phẩm tại thị trường Việt Nam. Sản phẩm của tập đoàn nhập khẩu trực tiếp từ Liên minh châu Âu và được phân phối độc quyền tại Việt Nam trong hỗ trợ điều trị bệnh da liễu, các vấn đề về da, thẩm mỹ nội khoa và chăm sóc cho da, tóc, móng. |