*Clip: Khám phá căn hầm bí ẩn |
Sự việc được phát hiện vào tháng 8. Sau khi đào sâu hơn hai mét vào lòng đất, đội thi công phải khoan qua trần bê tông dày 278 mm, từ đây mở ra một hành lang ngập nước, một vài căn phòng và cầu thang dẫn xuống hầm.
Ngay sau đó đơn vị thi công đã phải bơm nước từ hầm ra ngoài suốt một tuần liên tục, cho đến khi mực nước chỉ còn 20 cm. Trong căn hầm rộng chừng 40 m2, họ tìm thấy một chai rượu cũ, những chiếc bóng đèn vẫn còn nguyên vẹn, ống dẫn khí, dấu viết vẽ trên tường.
“Trong cuốn lịch sử khách sạn, có câu chuyện kể về Joan Baez, một ca sĩ nhạc dân gian người Mỹ từng trú ẩn dưới căn hầm này suốt thời bom đạn mùa đông năm 1972, và cũng tại đây cô sánh vai với một nhạc công guitar người Việt cất cao tiếng hát”, Tổng giám đốc của khách sạn, ông Kai Seth cho hay dù biết về sự tồn tại của căn hầm, nhưng việc xác định vị trí chính xác ở đâu không hề dễ.
Căn hầm rộng chừng 40 m2. |
Lội xuống hầm với chiếc quần soóc, đi ủng cao su và mặc chiếc áo phông cũ, ông Speth hào hứng: “Tôi đã mặc bộ vest và đeo chiếc cà vạt hàng ngày trong suốt 30 năm làm việc trong ngành khách sạn, và có lẽ sẽ tiếp tục trong 15 đến 20 năm nữa. Nhưng lúc này là cơ hội tôi được trải nghiệm những khám phá tương tự như Indiana Jones trong loạt phim hành động lừng danh, ai mà không muốn làm thế cơ chứ!”.
Hiện khách sạn vẫn chưa quyết định cách tốt nhất để sử dụng không gian ngầm này, nhưng ông Speth chắc chắn sẽ lưu giữ nơi mang đầy giá trị lịch sử quý giá này, ví như biến thành một bảo tàng nhỏ ngay giữa lòng khách sạn để giúp nhân viên nhiều thế hệ, những người quan tâm hay khách lưu trú hiểu hơn về một dân tộc Việt Nam anh hùng.
Khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội hoạt động từ năm 1901, hiện có 365 phòng. Tòa nhà Metropole Wing của khách sạn mang đậm dấu ấn lịch sử là nơi có các phòng suite hạng sang mang tên Charlie Charplin, nhà văn danh tiếng Somerset Maugham và Graham Greene mà mỗi người trong số họ đều từng dừng chân tại Metropole trong thời thuộc địa Đông Dương. Khách sạn này từng xuất hiện trên trang bìa Tạp chí Life, tháng 4/1967, là một khách sạn nằm trong khu vực chiến tranh. Tạp chí đăng hình ảnh nhiều hầm cá nhân sâu tới 1,5 m ngay trên vỉa hè phía ngoài khách sạn, nay chính là quán cà phê La Terrasse mặt phố Lê Phụng Hiểu. Những hầm cá nhân này không thông với căn hầm trú ẩn của khách sạn nhưng đã tái hiện một phần cuộc sống của người dân thành phố trong thời gian bị máy bay Mỹ bao vây. |
Đoàn Loan