Ba tháng trước khi lìa trần, Phi Nhung đến studio của nhạc sĩ Yên Lam ở quận 1, TP HCM thu âm ca khúc Hai ơi! Đừng qua sông. Lúc ấy, Yên Lam vướng việc riêng nên không trực tiếp ngồi bàn thu. "Đệ tử" của anh làm việc với giọng ca Bông điên điển. Hai tuần trước, êkíp của Phi Nhung liên hệ với Yên Lam, nhắn còn sót một bài mà cô đã thu, nhờ anh tìm và mix rồi gửi lại. Khi ấy, anh chỉ loáng thoáng nghe bệnh tình của Phi Nhung diễn tiến xấu. Anh đoán êkíp của nữ ca sĩ muốn mix lại bài này để nghe trước ca phẫu thuật của cô và mong sẽ truyền động lực tinh thần, giúp cô vượt qua bạo bệnh.
Nhạc sĩ Yên Lam đã gửi dữ liệu cho êkíp Phi Nhung. Đến giờ, khi ngồi nghe lại bản ghi âm, anh không tin Phi Nhung đã mất. Trên trang cá nhân, anh đăng tấm hình Phi Nhung cười rạng rỡ, gửi lời từ biệt: "Hai ơi! Đừng qua sông, bài hát cuối cùng nghe bạn hát. Mà bạn nỡ... qua sông. Chia tay bạn nhé".
Ca khúc mang âm hưởng dân ca Nam Bộ, thể hiện tâm trạng níu kéo tình yêu của người con gái. Cô trách chàng trai đi cưới vợ, để lại cuộc tình dang dở. Chất giọng ngọt ngào, âm vực cao, pha chút chất thổ trầm cùng cách luyến láy đặc trưng giúp Phi Nhung chạm vào cảm xúc người nghe. Cô tâm tình qua lời hát: "Đừng vội qua sông, Hai ơi đừng vội qua sông/ Đừng vội qua sông, sớm trưa kẻ chờ người trông".
Từng phụ trách thu âm, làm nhạc cho Phi Nhung và cộng tác với cô trong nhiều gameshow như Sàn chiến giọng hát, Ca sĩ ẩn danh, Yên Lam nhận xét Phi Nhung là người dễ chịu nhưng trong công việc khá chỉn chu, nghiêm khắc. Anh nhớ mỗi lần thu âm ca khúc mới, Phi Nhung đều vừa khóc sướt mướt vừa hát trong phòng thu. Do đó, những lần thu âm gần đây, anh đều phải tắt đèn để không gian tối, tạo cảm giác thoải mái cho nữ ca sĩ. Mỗi bản thu hoàn chỉnh, cô nghe đi nghe lại nhiều lần, đưa ra nhiều ý kiến để tác phẩm hoàn thiện. Chưa hài lòng, cô sẵn sàng qua studio của anh vào lúc nửa đêm nhờ chỉnh sửa cho ưng ý. Hiện, còn một số bài hát Phi Nhung đã thu âm nhưng anh chưa kịp mix. Có những bài anh đã làm nhạc rồi nhưng vì dịch nên nữ ca sĩ chưa thể qua thu âm. Anh sẽ gửi lại tất cả những sản phẩm này cho êkíp của nữ ca sĩ.
Nhạc sĩ Ngô Minh Tài viết ca khúc Hai ơi! Đừng ai qua sông cho Phi Nhung dựa trên cảm hứng trong lần gặp cô tại tiệc sinh nhật anh hồi đầu tháng 2. Tên nhạc phẩm cũng được đặt theo cách anh gọi nữ ca sĩ "Hai ơi". Mất hai tháng hoàn chỉnh lời, cuối tháng 4, anh gửi bản demo do anh hát cho Phi Nhung nghe thử. Trước khi thu âm, Phi Nhung nhiều lần tự tập tại nhà. Quá trình thu âm diễn ra trong khoảng một tiếng thì ra được bản ưng ý. Anh thích giọng hát với quãng rộng, cách luyến láy giàu cảm xúc của Phi Nhung. Anh cảm nhận được sự xúc động, đồng cảm với ca từ bài hát của cố nghệ sĩ khi nghe bản thu.
Êkíp của Phi Nhung cho biết sẽ gửi bản thu âm Hai ơi! Đừng ai qua sông sang Mỹ làm master, sau đó sẽ phát hành MV tưởng nhớ cô.
Hôm 6/7, Phi Nhung ra MV cuối cùng trong sự nghiệp mang tên Là gì thế. Ca khúc do chính Phi Nhung sáng tác, thể hiện, là lời trải lòng của cô sau thời gian vướng nhiều lùm xùm trên mạng xã hội. Lời bài hát là những trăn trở, suy tư của Phi Nhung về danh lợi ở đời: "Là gì thế, danh lợi ơi? Ta đã khổ vì danh nhiều lắm, ta đã đau vì lời dập vùi/ Con tim ta chịu quá nhiều bão tố. Thân đã gầy, tâm đã mệt, danh lợi ơi". Trong bài hát, Phi Nhung nhận ra gia tài thật sự mà mình đang có, không gì khác, là hiểu biết trọn vẹn với tỉnh thức, sự thương yêu. Gia tài của cô còn là tri túc, tâm an.
Thời điểm xảy ra nhiều ồn ào, Phi Nhung từng chia sẻ chỉ có nước mắt tràn mi mỗi khi đêm về, "bởi có ai trải qua những điều tiếng bị vu oan kinh khủng đó mới hiểu thấu". Cô chỉ biết giải tỏa nỗi lòng bằng cách sáng tác, cho ra những ca khúc theo tâm trạng. Cô chiêm nghiệm, nhận ra định mệnh dành cho cuộc đời mình và chuyển hóa thành câu hát: "Tâm an vắng lặng, không tham sân chi phối/ Cuộc sống tuyệt vời, với tỉnh ngộ, với thảnh thơi". Cuối MV, cô viết những lời chiêm nghiệm: "Từ bi và độ lượng không phải dấu hiệu của yếu đuối, mà thực ra là biểu hiện của sức mạnh".
Đầu tháng 8, khi mới vào Bệnh viện Gia An điều trị Covid-19, Phi Nhung quay video nằm trên giường bệnh, hát ca khúc Bậu ơi, đừng khóc, gửi cho sư cô Thích Tâm Trí và những người bạn, trấn an mọi người và chính bản thân mình. Phải gắn ống thở oxy, giọng thều thào khó nhọc nhưng cô vẫn gắng sức hát trọn vẹn bản hit gắn liền với tên tuổi của mình: "Bậu ơi em đừng khóc... Bậu ơi em nhìn coi. Khán giả kia rồi người ta muốn thấy em cười...". Nhiều lúc, vì đuối sức, Phi Nhung thở hổn hển, hát đứt quãng, thậm chí than "mệt quá". Theo êkíp, Phi Nhung khi tỉnh táo vẫn tươi cười, nói "không sao đâu, em sẽ mạnh mẽ vượt qua".
Xem video Phi Nhung hát Bậu ơi, đừng khóc trên giường bệnh, nhiều đồng nghiệp, khán giả yêu thương cô không kìm được nước mắt. Họ mong nữ ca sĩ sớm siêu thoát, ra đi thanh thản, về với cõi Phật.
Phi Nhung sinh năm 1970 tại Gia Lai trước khi sang Mỹ định cư, nổi danh với các ca khúc Bông điên điển, Còn thương rau đắng mọc sau hè... Sau nhiều năm thành công ở thị trường hải ngoại, năm 2005, cô về nước ca hát. Bên cạnh sự nghiệp nghệ thuật, Phi Nhung còn kinh doanh quán chay và tích cực hoạt động thiện nguyện. Phi Nhung qua đời lúc 12h15 trưa 28/9 tại bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM.
Việt Hương nhận ủy quyền lo mọi việc của Phi Nhung ở Việt Nam từ Wendy. Cô cho biết mình đang cùng gia đình chuẩn bị các thủ tục cần thiết chăm lo vẹn toàn hậu sự cho Phi Nhung. Cô hứa có thông báo chính thức, sau khi các thủ tục hậu sự đã được sắp xếp chu đáo.
Thiên Anh