Hai người đã cùng nhau viết nên một câu chuyện sâu đậm tình người. Các chị là Vũ Thị Xuân và Vũ Thị Tâm, ở xã Đông Quang, Đông Hưng (Thái Bình).
Chị Vũ Thị Rần lấy anh Trần Minh Thuận, một thương binh hạng 4/4 bị mù hai mắt vì di chứng của chất độc da cam trên chiến trường phía nam Quảng Trị. Lấy nhau được thời gian ngắn, chị sinh đứa con đầu lòng nhưng không ra hình dạng con người và cháu đã chết ngay khi lọt lòng. Hai đứa con tiếp theo cũng bị di chứng chất độc nên điên điên dại dại. Cậu con trai là Trần Văn Tộ, sinh năm 1979, toàn thân trắng toát, đôi mắt chỉ có thể nhìn mờ mờ, miệng u ơ vài tiếng vô nghĩa.
Đứa con thứ hai là Trần Thị Điệp, sinh năm 1984, cũng phát bệnh điên dại ngay từ khi lên 8 tuổi. Chị Rần cố gắng làm lụng, nuôi nấng chăm sóc cho hai đứa con và người chồng mù.
Dẫu vất vả khó khăn thì gia đình chị cũng sẽ cứ như thế sống qua ngày nếu như chị không mắc bệnh ung thư và vĩnh viễn ra đi. Gia đình lâm vào cảnh túng quẫn cực độ. Cả xóm làng thấp thỏm lo, nhưng không ai có đủ điều kiện để cứu giúp.
Chị Xuân chăm sóc con chị gái. |
Lúc này, chị Vũ Thị Xuân, em gái chị Rần đang làm công nhân tại một xí nghiệp nhỏ ở Điện Biên đã trở về thăm. Chứng kiến cảnh anh rể mò mẫm đút cơm cho hai cháu và dắt díu nhau đi từng bước, chị quyết định ở lại quê nhà. Với chị việc quyết định thay chị gái nối dây với anh rể là điều không hề dễ dàng. Hàng xóm láng giềng dù yêu quý, cảm thông chị nhưng vẫn không khỏi có tiếng gièm pha.
Hàng ngày chị đầu tắt mặt tối lo cho cả ba con người khốn khổ. Từ việc dìu anh rể đi tắm rửa, giặt giũ quần áo đến việc bón từng miếng ăn.
Chăm anh rể đã vất vả nhưng chăm hai đứa cháu không biết gì kia còn vất vả gấp trăm lần. Các cháu suốt ngày chỉ biết vò đầu rứt tóc, la hét ầm ĩ. Có lần Điệp còn đổ cả chậu nước tiểu lên người rồi nằm lăn lóc ra sân mắt trợn ngược giữa trưa hè.
Chị Xuân lại lặng lẽ đưa Điệp đi tắm rửa và dìu vào nhà. Điệp rất hay bỏ đi lang thang. Có hôm 3 giờ sáng, Điệp lao ra ngoài rồi nhảy xuống sông . Chị Xuân phải mò mẫm tìm Điệp trong đêm. Nhiều lần chị đi cấy thuê mệt rã người về nhà muốn nằm nghỉ thì Điệp lại hò hét đập phá.
Đôi mắt đuôi đã đầy nếp nhăn của chị muốn díp lại mà đôi tay vẫn phải gồng mình giữ cháu đang nổi cơn điên dại. Những người hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau thấy xót xa. Ông Tuyển gần nhà, nói: “Tôi chưa bao giờ nghĩ có một người phụ nữ nhẫn nhịn chịu vất vả hy sinh như chị Xuân”.
Đến nỗi đau của một đời người
Một lần tình cờ biết được câu chuyện đầy nước mắt của gia đình chị Xuân, cô Vũ Thị Tâm người cùng xã, chủ động đến thăm hỏi. Thế rồi mối cảm tình cứ ngày một nhân lên. Tâm năng qua lại chăm nom, đỡ đần. Và chẳng biết tự lúc nào, những thành viên đáng thương của gia đình đó đã như ruột thịt.
Qua bao đêm trằn trọc, Tâm đã đưa ra một quyết định khiến không ít người ngỡ ngàng: làm vợ người con cả tật nguyền trong gia đình, anh Trần Văn Tộ. Tâm nghĩ, người đàn ông 27 tuổi như Tộ, nếu không vì chất độc da cam chắc hẳn cũng khao khát một mái ấm gia đình riêng lắm.
Chị Tâm đang chăm sóc chồng. |
Sống nhưng không hề biết cảm nhận đó chính là nỗi đau lớn của một đời người. Gia đình Tâm biết tin phản đối nhưng lòng Tâm đã quyết. Lời ra tiếng vào Tâm chỉ im lặng. Năm 2002, Tâm cùng người thân dẫn Tộ ra xã đăng ký kết hôn.
Ông Chủ tịch xã đã rơi nước mắt vì xúc động. Không có đám cưới linh đình, không xe hoa cỗ bàn, nhưng khắp trong thôn ngoài xã người ta đều nói về cuộc hôn nhân “vô tiền khoáng hậu” như một sự sẻ chia.
Từ đó, Tâm chính thức trở thành vợ Tộ. Đêm tân hôn nằm bên mà chồng như không biết gì , chị ứa nước mắt vì sự cô đơn và hơn cả là tình thương với anh biết chừng nào.
Đêm ấy, trắng đêm chị không chợp mắt. Đối với chị, đó là đêm dài nhất trong cuộc đời của mình. Thời gian trôi qua với bao chồng chất khó khăn, nỗi vất vả đã hằn lên trên khuôn mặt của chị để rồi nhiều lần nhìn vào gương mà chị giật mình thảng thốt: “Sao mình lại già nhanh thế này!”.
Đêm đêm trong sự tĩnh lặng của làng quê, hai người đàn bà lại cùng nhau tâm sự. Họ động viên và khích lệ nhau cố gắng để tiếng cười được vang lên trong ngôi nhà của họ.
(Theo Tiền Phong)