Sáng 26/2, không khí tang tóc bao trùm con ngõ nhỏ dài gần 200 m thôn Khương Mỹ, xã Đại Cường (huyện Đại Lộc). Hàng dài người dân đến chia buồn với hai gia đình có người thân tử nạn trong vụ lật ghe chiều qua.
Ông Nguyễn Đình Kính, người anh họ làm tang lễ cho ông Nguyễn Đình Ba (57 tuổi) kể, ông Ba cùng vợ Nguyễn Thị Bốn canh tác 10 sào đất trồng cây hoa màu bên bãi bồi sông Vu Gia (xã Đại Nghĩa). Vợ chồng ông Ba có ba người con trai, nguồn thu nhập chính nhờ vào sản xuất nông nghiệp.
Thường ngày, ông Ba cùng gia đình chèo ghe qua sông để làm việc. Chiếc ghe của ông Ba từng nhiều lần chở 10 người qua sông nhưng chưa lần nào bị lật. "Khúc sông ông Ba đi qua rộng 100 m, trước đây vào mùa cạn lội qua đi làm nhưng gần đây tàu thuyền đến hút cát khiến lòng sông có những hõm nước sâu phải bơi ghe", ông Kính cho biết.
Theo ông Kính, ngoài đường sông thì có đường bộ gần 20 km, đi vòng mất nhiều thời gian, còn đi ghe mất 10 phút. "Xã Đại Cường là vùng thấp trũng nhất huyện Đại Lộc, mỗi nhà đều có một chiếc ghe để tránh lũ và được sử dụng làm phương tiện qua sông canh tác, không ai đi đường bộ", ông Kính nói.
Sáng 25/2, ông Ba thu hoạch lạc nên cùng nhiều người thân họ hàng đi làm giúp. Ông Ba chèo ghe chở con trai mình, anh Nguyễn Đình Hoàn (25 tuổi), con dâu Lê Thị Kim Huệ (27 tuổi, mang bầu 2 tháng) và cháu trai Nguyễn Phan Bảo Long (8 tuổi).
Đi cùng còn có gia đình bà Nguyễn Thị Tiềm (56 tuổi), con trai bà anh Nguyễn Cơ Mênh (29 tuổi) và chị Lê Thị Thắm (29 tuổi, người yêu anh Mênh); chị Nguyễn Thị Ái (34 tuổi), giáo viên mầm non đi cùng hai con Nguyễn Hoàng Ánh Nguyên (6 tuổi) và Nguyễn Hoàng Ánh Viên (5 tuổi). "Ba cháu bé trong thời kỳ nghỉ học phòng Covid-19, để ở nhà không ai giữ nên đi cùng người lớn", ông Kính thông tin.
Tham gia thu hoạch lạc cùng ông Ba, còn có người con trai Nguyễn Đình Quốc và vợ sắp cưới nhưng đi riêng một ghe khác. Tất cả mọi người sang sông làm việc nhưng đến trưa, anh Quốc chèo ghe đưa vợ về trước để đi mời khách dự lễ ăn hỏi hôm sau (26/2). "Quá đau buồn với chúng tôi, đáng lẽ hôm nay là vui của hai cháu nhưng trở thành ngày đại tang", ông Kính xót xa.
Anh Nguyên Cơ Mênh, người được cứu sống trong vụ lật ghe kể, khoảng 15h30 chiều 25/2, ông Ba chèo ghe đưa 10 người sang sông và không ai mặc áo phao. Trên ghe chỉ có ông Ba, chị Thắm, bà Tiềm, anh Hoàn biết bơi.
"Ghe rời bờ được 5 phút ra giữa sông thì gặp gió lớn và hõm nước sâu do hút cát để lại. Trong tích tắc, sóng đánh vào lật úp chiếc ghe", anh kể và cho biết mình không biết bơi nên uống nhiều nước. Theo quán tính, anh dùng tay vẫy vùng được 15 phút thì bị chìm xuống. Từ đó anh không còn biết việc gì xảy ra.
Nước ngập lút người, anh Mênh đưa được một cánh tay lên mặt. Lúc này một thuyền hút cát chạy qua vớt anh Mênh lên, đưa đến bệnh viện cấp cứu. Đến 19h, anh tỉnh dậy và hỏi những người trên ghe ra sao thì người thân không trả lời. Anh Mênh trốn bệnh viện về nhà thì biết mình, chị Thắm, bà Tiềm và cháu Long được cứu sống, sáu người thân đã tử vong.
Anh nói rằng mình đã may mắn thoát chết. "Sau vụ việc này tôi khuyên mọi người khi đi ghe qua sông cảm thấy an toàn thì mới đi và phải mặc áo phao. Trước khi đi chuẩn bị đầy đủ đồ phòng hộ để trên ghe và hạn chế đi những ghe nhỏ", anh rút ra bài học sau tai nạn và nói nếu mặc áo phao mọi người chắc được cứu sống hết.
Người dân địa phương cho hay ông Ba là người bơi giỏi, khi ghe lật ông đã cố gắng cứu được cháu Long lên nơi nước cạn, sau đó bơi ra cứu người khác thì bị đuối sức, chìm xuống.
Sáng nay, tại xã Đại Cường, Ủy ban An toàn giao thông quốc làm việc với tỉnh Quảng Nam sau tai nạn lật ghe sáu người chết.
Ông Trần Văn Mai, Chủ tịch huyện Đại Lộc, nói đây sự việc hết sức đáng tiếc của địa phương. Sau 8 giờ, lực lượng cứu hộ đã nỗ lực tìm kiếm thi thể nạn nhân. Theo ông Mai, địa điểm xảy ra tai nạn là một tuyến sông người dân thôn Khương Mỹ chèo ghe đi làm. Mỗi ngày họ qua lại thường xuyên để sản xuất.
"Ghe thuyền qua sông chỉ vài phút nên lực lượng chức năng gặp khó khăn kiểm tra", ông nói và đề nghị ở những nơi thế này, ngoài công tác tuyên truyền thì chính quyền hỗ trợ thêm áo phao và dụng cụ cứu nạn. "Một khi gặp sự cố sẽ giảm được nguy cơ cho tính mạng cho người dân".
Ông Phạm Minh Tuấn, Đội phó Cảnh sát giao thông (Công an huyện Đại Lộc), cho hay tới đây đơn vị sẽ cùng với cấp xã quản lý việc đóng ghe. "Khi người dân đóng mới phải đăng ký với địa phương, qua đó chúng tôi sẽ chỉ dẫn về đảm bảo an toàn khi qua sông cho mọi người", ông Tuấn nói.
Bí thư huyện Đại Lộc, ông Nguyễn Công Thanh cho hay đã tuyên truyền nhiều lần nhưng người dân chủ quan không mặc áo phao. "Cần có một chế tài chặt chẽ hơn, để làm việc này thì bổ sung, giao quyền cho công xã thực hiện. Người dân vận chuyển, đi trên sông không có áo phao, dụng cụ cứu hộ thì nên phạt", ông Thanh nói.
Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, ông Khuất Việt Hùng nói, đây là sự việc rất đau lòng. "Tôi đánh giá cao công tác cứu hộ, cứu nạn vụ tai nạn", ông nói. Theo ông Hùng, trong Luật đường thủy nội địa 2014 có quy định những phương tiện loại này phải có chỗ ngồi, đảm bảo đủ an toàn, đủ áo phao, pháo cứu sinh. Thế nhưng thực tế chế tài xử phạt trong Nghị định 132 thì chưa rõ ràng nên rất khó cho lực lượng chức năng xử lý.
"Chúng tôi tiếp thu vụ việc này và kiến nghị rà soát tất cả những quy định có liên quan, những cái gì luật đã quy định thì bổ sung chế tài cụ thể đủ sức răn đen người dân", ông nói và cho biết sẽ đề nghị giao thêm những thẩm quyền cho công an xã để đảm an ninh, trật tự an toàn giao thông.
Ông Hùng đến thăm các gia đình nạn nhân và hỗ trợ 5 năm triệu đồng một người tử vong. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam hỗ trợ năm triệu đồng mỗi nạn nhân và nhiều cơ quan, đoàn thể khác thăm hỏi, hỗ trợ.