Tuy thích thơ vần nhưng về sau Hà Trần lại tự thấy bị hấp dẫn bởi cái ào ạt, phóng khoáng của thơ không vần, có gì tương tự như chất ngẫu hứng trong nhạc jazz. Cô gái yêu thơ Xuân Quỳnh và cũng luôn muốn được trở về đúng nghĩa với trái tim này vì vậy đã nhiều lúc tự biết rủ mình bước vào thơ bằng một sợi dây "tuồng như không" từ tốn:
Người đàn ông tới rủ em đến chỗ không anh
Nhưng có nơi nào em đi mà anh không đến
Anh buộc em bằng sợi dây từ tốn
Thế là em hiểu
Sẽ đơn độc suốt đời
Kẻ đã lấy em đi khỏi em
Giờ mất em trong tay người khác...
Ca sĩ Trần Thu Hà. |
Nhưng rồi, Hà Trần đã không đơn độc suốt đời như xúc cảm thơ ở cô từng có lúc bất an linh cảm. Hơn 2 năm nay, bên cạnh những buộc lòng thay đổi để thích nghi trong nghề nghiệp, bù lại Hà Trần đã được tận hưởng đời sống đúng nghĩa vợ chồng son. Quyết định định cư cùng chồng tại Nam Cali nhưng vẫn bay về VN như đã trót hẹn. Thơ Hà Trần vì vậy đã không chỉ là thơ tình trước tiếng rung phấp phỏng của tình yêu bởi Một giây hay không bao giờ cả? Mà đôi khi còn là những dòng hồi ức mênh mang về Hà Nội, nơi suốt 26 năm trời sống ở VN, cô chưa bao giờ dám rời nó để ăn Tết xa quê...
Mùa chật chội những giấc mộng sương xám
Bắp mới óng chiều Đông
Hà Nội hồng than ấm
Đàn vịt xiêm rụt cổ mài ức trắng trên mặt nước ao bèo xanh ngắt
Sóng sánh góc chùa phủ rêu
Ôi, tuổi thơ còn thơm mùi sơn mới
Đỗ lại bên chân khách lữ hành
Bao tròng mắt long lanh...
Có lúc lại là cái nhìn vừa điềm tĩnh, vừa hoang mang của một người lạ trước chân dung không quen mắt:
Những người da đen lướt qua em
Bóng họ
Là vệt áo trắng mờ
Phải chăng hạnh phúc cũng như thế
Bóng của một con sông
Trong lòng hoang mạc hay âm nhạc từ đồng cỏ nhiệt đới
Sưới ấm giá lạnh châu Âu
Lò sưởi tí tách, bông lửa nhóm nhém
Đêm mênh mang thanh thản
Đồng vọng Đông-Tây hóa đá hiện trạng xoay sở vất vả quả địa cầu.
Hà Trần tiết lộ, cảm hứng thơ đến với cô thật bất chợt, chẳng có lý do nào đặc biệt. Cô không mấy nhìn thấy ý, chỉ trông rõ tứ, nhưng càng về sau ý càng mạnh dần lên.
Cô ca sĩ này không bao giờ khoe thơ mình với người thân. Hà Trần tâm sự: "Chồng tôi không đọc được tiếng Việt nên chẳng hiểu thơ vợ, giải thích rất vất vả. Nhưng anh làm thơ tiếng Anh rất hay, được đăng trong tuyển tập thơ trẻ thế kỷ 20 của Mỹ. Sinh nhật tôi hồi chưa cưới anh tặng một tập thơ và ảnh tự biên. Đọc xong, từ bấy đến giờ mất điện".
Hà dùng hai chữ giản dị để gắng cắt nghĩa một cách giản dị về việc vì sao cô yêu thơ Xuân Quỳnh, Trần Dần, Tagor. Cô nói: "Tôi nghĩ thơ văn có đanh đá, nghiệt khẩu đến mấy cốt lõi vẫn phải nhân bản và rộng lượng. Nhân bản là giọng thơ đẹp hơn, trong sáng hơn. Đánh đu, nhào, nặn chữ nghĩa cứ như nhát ma, đọc khiếp lắm...".