Võ Tòng Đánh Mèo
Bạn lên Google, gõ "Hà Nội", rồi chọn vào mục "hình ảnh", bạn sẽ thấy Hà Nội hiện lên với toàn là cây: cây rực rỡ mùa hạ, xanh mướt mùa xuân, vàng rực mùa thu và trầm tư mùa lạnh. Nhưng đó là trước đây, bởi e rằng, chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, kết quả tìm kiếm mà Google mang lại cho bạn sẽ rất khác. Đó là một Hà Nội với những con phố trơ trụi, với những hố sâu hoắm la liệt trên vỉa hè, ngổn ngang đất đá, rễ cây, cành, lá…
Nếu một người nước ngoài tìm thấy trên Google những bức ảnh mùa thu Hà Nội đẹp mê hồn với hàng sấu già rải lá vàng trên những con đường mát lành long lanh đốm nắng, với những gốc xà cừ cổ thụ hiên ngang xòa bóng thênh thang. Người đó quyết định đến thăm Hà Nội thì khi đặt chân tới đây, vào thời điểm này, du khách ấy khó tránh khỏi cảm giác mình đã bị dối lừa…
Sự dối lừa không chỉ từ những gì đang diễn ra, đang đập vào mắt mà còn từ nhiều thứ khác. Ngắm những bức tranh phố cổ của Bùi Xuân Phái, hẳn du khách nước ngoài ấy sẽ thán phục trí tưởng tượng siêu việt của người họa sĩ bởi phố không cây mà ông ấy lại vẽ được nên cây. Nghe những câu hát như "Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ" rồi cả "Nhớ phố Quang Trung, đường Nguyễn Du, những đêm hoa sữa thơm nồng" hẳn du khách ấy phải hoang mang tự hỏi liệu mình có đang đi nhầm đến một thành phố nào khác mà không phải là Hà Nội hay không?
Sự hoang mang của du khách ấy cũng là dễ hiểu, bởi ngay bản thân tôi, sáng nay đi làm trên con phố quen mà vẫn cứ ngỡ như mình đã lạc đường, bởi mọi thứ thật trống rỗng, hoang tàn và khác lạ với những thân cây bị đốn hạ ngổn ngang, bật gốc chỏng chơ, xác xơ cành lá. Một cảm giác xót xa lắm! Xót xa như luống hoa mình nâng niu, chăm sóc vừa bị một trận bão lũ khủng khiếp quét qua, xót xa như người mình thương yêu nhất vừa bị tai nạn giao thông, mặt mũi tím thâm, bầm dập, chằng chịt vết khâu, vết rách. Không còn hàng cây, con phố hiện ra như khuôn mặt mộc sần sùi của người đàn bà từ lâu đã quen trang điểm. Không còn hàng cây, con phố chơ vơ, tội nghiệp như một kẻ vừa bị người yêu ruồng bỏ, phụ tình. Và tôi tin, rất nhiều người yêu Hà Nội cũng có cảm giác giống tôi, cũng sẽ xót xa như thế!
Sáng nay, đường Hà Nội vẫn tắc, thậm chí còn tắc hơn bởi có thêm nhiều những xe tải chất đầy những thân cây vừa bị chặt hạ chở đi đâu đó. Trong khoảnh khắc bị ứ lại giữa biển người xe nhung nhúc, ngột ngạt khói bụi ấy, tôi thấy văng vẳng bên tai câu hát phát ra từ cái loa cũ kỹ, nhỏ xíu của một người bán đĩa dạo bên đường…
"Những chiếc thùng xe, chở đầy cây bự. Ai chở Hà Nội của tôi đi đâu?...".
Tiếng hát rất khó nghe, léo nhéo và rất rè. Có lẽ, chỉ những người đi xe máy, đi xe đạp, đi bộ, hoặc mấy bác xe ôm, mấy chị lao công, mấy bà bán trà đá bên đường là nghe được, còn mấy ông ngồi trong xe hơi, cửa kính bịt kín mít, rồi bật nhạc xập xình, thì khó mà nghe nổi…