Chiếc máy bay AN2 hạ cánh an toàn tại con đường trước Trường Tiểu học Phước Tiến. |
Trong buổi làm việc sáng 22/5, ông Trần Quang Ngự, phụ trách Phòng Khai thác Công ty Bay dịch vụ hàng không Việt Nam (VASCO) cho biết đây là chiếc máy bay khảo sát địa chất đề án bay đo từ phổ Gama hàng không vùng Phan Rang - Nha Trang trên phạm vi 9.126 km2, thuộc địa bàn 6 tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Đắk Lắk. Trên máy bay chở 3 cán bộ địa chất thuộc Đoàn khảo sát địa chất của Liên đoàn Vật lý địa chất, Bộ Tài nguyên - Môi trường và tổ lái (3 phi công người Ukraine).
Vào lúc 6h45 phút ngày 20/5, máy bay VNC-808 cất cánh tại sân bay Nha Trang. Sau 45 phút bay làm nhiệm vụ khảo sát địa chất tại Ninh Thuận, tổ lái phát hiện nhiệt độ động cơ tăng quá mức cho phép, nếu tiếp tục bay động cơ sẽ cháy. Ngay lập tức tổ lái quyết định hạ cánh bắt buộc.
Phi công chính Bezbabnyk Petro. |
Ông Trương Công Ánh, Đội trưởng đội bay kể lại với PV Thanh Niên: "Thấy động cơ có sự cố khác thường, chúng tôi liền điện khẩn về trung tâm và xin cho phép hạ cánh bắt buộc tại vùng đang làm nhiệm vụ. Vấn đề cấp bách lúc đó là phải tìm địa điểm hạ cánh an toàn nhất, tránh thiệt hại về người và tài sản. Khi máy bay đến địa bàn xã Phước Tiến, có 2 địa điểm hạ cánh được nhưng chúng tôi phát hiện 2 địa điểm này có người đang lưu thông; ngay lập tức tổ lái chọn địa điểm kế bên, cách đó chừng 50m, đó là con đường trước mặt Trường Tiểu học Phước Tiến. Tuy đường chạy có xấu hơn nhưng tránh được những thiệt hại về người ở dưới đường bay. Chỉ trong chốc lát, chiếc máy bay được hạ cánh an toàn tuyệt đối về người và tài sản.
Phi công chính Bezbabnyk Petro, 49 tuổi, quốc tịch Ukraine đã có trên 15.500 giờ bay, cho biết: "Thông thường khi làm nhiệm vụ, mỗi chuyến bay khảo sát từ 5 đến 6 tiếng. Khi phát hiện có sự cố kỹ thuật, nhiệt độ trong buồng máy tăng quá mức cho phép, tôi nghĩ ngay đến sự cố hỏng công tắc tăng giảm nhiệt, nên quyết định hạ cánh khẩn cấp. Nếu kéo dài thời gian bay, nhiệt độ sẽ tăng cao và máy bay sẽ bốc cháy. Đây là loại máy bay đặc dụng dùng để khảo sát địa chất, chỉ được phép bay cách mặt đất từ 50 đến 70m, do vậy chúng tôi phải bay lên bay xuống tùy theo địa hình vùng núi hay đồng bằng. Với thâm niên trên 10 năm làm việc cho Liên đoàn Vật lý địa chất Hà Nội, đây là tình huống xấu đầu tiên tôi đã gặp và xử lý khá tốt. Với nghề này phải bình tĩnh đến giờ phút cuối cùng".
Ông Phan Xuân Tình, Chủ tịch UBND xã Phước Tiến cho biết: "Sau khi nhận được tin có chiếc máy bay bị sự cố kỹ thuật sẽ hạ cánh ở địa bàn xã, ngay lập tức chúng tôi bố trí lực lượng giám sát bảo vệ, lên loa kêu gọi đồng bào tránh các địa điểm đã được xác định cho máy bay hạ cánh...
Nhờ vậy, máy bay hạ cánh an toàn, tránh được thiệt hại về người và tài sản". Đến 12h ngày 22/5, cơ bản đã khắc phục sự cố hư hỏng trên máy bay và đang tiến hành khảo sát đường bay để máy bay cất cánh. Ông Trần Quang Ngự cho biết: "Sau khi kiểm tra động cơ, các thông số kỹ thuật, chúng tôi đã tiến hành làm đường để máy bay đủ điều kiện cất cánh. Với tiêu chuẩn đường bay 150-180 m thì chiếc máy bay VNC-808 có thể cất cánh được. Để dự phòng bảo hiểm, chúng tôi đã làm đường bay dài 250 m, rộng 27 m".
Sau khi hoàn thành các thủ tục, nếu không có gì trở ngại, vào trưa hôm nay 23/5, chiếc AN2 sẽ cất cánh về lại sân bay Nha Trang.