Anh Nguyễn Minh Trực, sinh năm 1968, Gò Vấp, TP HCM, bức xúc: “Tôi đóng cho công ty 6.000 USD để đi lao động tại Nhật Bản. Nhưng sau khi nhận tiền, công ty này đã đưa qua Campuchia ngồi chơi xơi nước đến hai lần rồi về lại Việt Nam đến nay.
Lần đầu là ngày 24/11/2006, công ty cho người đưa tôi trốn qua biên giới Tây Ninh vào Campuchia. Họ đưa chúng tôi vào nhà một người theo giới thiệu là môi giới ở đúng một ngày rồi lại đưa về Việt Nam. Lần hai vào ngày 25/12/2006, công ty làm hộ chiếu phổ thông rồi lại đưa chúng tôi qua Campuchia. Khác với lần trước, chúng tôi vào quán uống xong ly cà phê rồi lại bị đưa về. Chúng tôi thắc mắc thì họ trả lời làm thủ tục chưa xong...”.
Nhiều người khác cho biết đã đóng cho công ty từ 4.300 đến 9.000 USD. “Chúng tôi được chia thành nhóm nhỏ để xuất qua... Campuchia”, Nguyễn Phương Lan, nhà ở phường 15, đường Trường Sa, quận Bình Thạnh cho biết thêm nhóm Lan (gồm 5 người) cũng được qua Campuchia hai lần. Lan kể công ty bảo cả nhóm qua Campuchia làm thủ tục.
Nhưng qua được một đêm ở khách sạn rồi về vì... không gặp được cán bộ ngoại giao. Lần hai, công ty bảo cả nhóm qua Campuchia để xem giấy tờ đã làm xong nhưng cũng như lần trước lại ra về. “Cứ mỗi lần đi như vậy công ty lại bắt chúng tôi gom tiền để đóng cho họ. Không đóng thì không được đi nên ai cũng cố gom tiền nộp”.
Riêng nhóm người gồm Cường, Hiền, Nam, Phương, Hiếu (đa số ở Hóc Môn và Củ Chi)... sau khi đóng cho công ty mỗi người từ 2.000 đến hơn 4.000 USD lại được gợi ý về làm công nhân ở Khu công nghiệp Amata, Đồng Nai. Anh Cường cho biết công ty nói để sớm được qua Nhật làm việc, công ty sẽ đưa họ về làm tại một công ty của Nhật trong khu công nghiệp một thời gian. Sau đó chính công ty này sẽ làm thủ tục cho nhóm của Cường đi Nhật theo dạng tu nghiệp sinh học nghề.
Nhưng cũng như nhiều các nhóm khác, tiền đã mất nhưng việc đi Nhật Bản vẫn "bặt vô âm tín". Nhận thấy có những dấu hiệu mờ ám, hầu hết nạn nhân trên đều làm văn bản thanh lý hợp đồng với công ty nhưng đến nay chưa đòi lại được tiền.
Bà Nguyễn Thị Sương Tân, Giám đốc Công ty Đại Thành Danh (ĐTD). Bà Tân thừa nhận đúng là công ty đang giữ số tiền của những người nói trên. “Chúng tôi sẽ hoàn tiền cho họ với điều kiện họ phải chịu một khoản phí làm thủ tục là 1.000 USD”.
Về hợp đồng đưa người đi lao động tại Nhật, bà Tân phủ nhận và cho rằng công ty chỉ làm thỏa thuận với họ là đi theo diện du học. “Công ty đưa lao động qua Campuchia là theo nguyện vọng của họ, đóng tiền đi chơi!”, bà Tân nói. Một số người khác thì được công ty cho đi du lịch để tham quan.
Tuy nhiên, giấy phép của Công ty Đại Thành Danh không có chức năng đưa người du học. Vì vậy hợp đồng ký kết du học với người lao động là trái pháp luật. Đồng thời trong các thỏa thuận bằng văn bản không hề nói đến du học mà chỉ “đảm bảo xin được visa và đi học tiếng tại Nhật” cho người lao động.
Bà Tân cho biết công ty đang làm thủ tục để tuyên bố... phá sản. Người lao động đang nóng lòng chờ các cơ quan chức năng vào cuộc, sớm đưa ra ánh sáng vụ việc này.
(Theo Tuổi Trẻ)