Với 160 triệu đồng, nếu gửi ngân hàng (NH) với lãi suất tiết kiệm khoảng 8,4%/năm, tiền lãi thu được là 13,4 triệu đồng. Trường hợp giữ USD, với số tiền này sẽ mua được 10.000 USD, gửi tiết kiệm ngoại tệ với lãi suất 4,85%/năm, thu được 485 USD tiền lãi, tương đương 7,8 triệu đồng, chỉ bằng 60% so với gửi bằng VND. Nếu cộng cả mức bảo toàn vốn do VND giảm giá so với USD trong cả năm 2006 là 1%, tương đương 1,6 triệu đồng thì giữ USD vẫn không có lợi bằng VND.
Theo các NH, thống kê qua các năm cho thấy dù lãi suất USD tăng nhưng mức thu nhập từ gửi USD cũng chỉ bằng 60% so với gửi VND. NH Nhà nước đã chủ trương điều hành lãi suất theo hướng không có lợi cho người gửi USD để hấp dẫn người dân giữ VND. Mỗi khi lãi USD tăng thì các NH thương mại cũng tăng lãi suất VND sao cho lãi suất VND luôn cao hơn lãi suất USD để người dân không cảm thấy bị thiệt khi giữ VND.
Các chuyên gia NH cũng phân tích nguyên nhân khiến việc giữ USD không có lợi bằng VND chính là do tỉ giá VND/USD quá ổn định. Những năm gần đây, tốc độ mất giá của VND so với USD chỉ ở mức dưới 1%/năm.
Các chuyên gia NH cũng có lời khuyên chỉ nên giữ ngoại tệ trong trường hợp tốc độ mất giá của VND so với ngoại tệ ở mức cao. Trong năm 2006, người giữ EUR và yen Nhật đã trúng nhờ giá của hai đồng tiền này tăng mạnh. Mặc dù số người giữ EUR và yên Nhật tăng lên nhưng chỉ những người “sành” mới có thể giữ các đồng tiền này do giá của chúng biến động rất lớn, nếu không biết tính toán có thể... lỗ nặng.
Tỷ giá VND/USD giảm thêm
Trong ngày 25/12, giá bán USD của NH Ngoại thương TP.HCM tiếp tục giảm thêm 2 đồng, còn 16.065 đồng/USD.
So với giữa tháng 12, giá bán USD của NH Ngoại thương TP HCM đã giảm 30 đồng/USD.
Năm 2007 tiếp tục là một năm không có lợi cho người nắm giữ USD, thậm chí bất lợi hơn, đó là nhận xét chung của nhiều chuyên gia NH. Theo phân tích của ông Nguyễn Phước Thanh, Giám đốc NH Ngoại thương TP HCM, bất lợi đó thể hiện cả ở tỷ giá lẫn lãi suất.
Dự báo trong năm 2007, tốc độ mất giá của VND so với USD vẫn chỉ xoay quanh con số 1%. Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh, nguồn thu ngoại tệ của quốc gia cũng dồi dào hơn nhờ nguồn vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài.
Đặc biệt là việc hội nhập cao hơn vào nền kinh tế thế giới sẽ tạo sự thông thoáng cho sự dịch chuyển các dòng vốn và ngoại tệ, vì thế tâm lý găm giữ ngoại tệ có thể giảm đi cũng góp phần làm giảm đà mất giá của VND so với USD.
Về lãi suất, theo dự báo của các chuyên gia, nhìn chung lãi suất USD sẽ ổn định trong cả năm 2007 nhưng không loại trừ khả năng Mỹ sẽ cắt giảm nhẹ lãi suất USD. Đây là một bất lợi cho người giữ USD.
Không như các năm trước, trong thời gian gần đây có nhiều dấu hiệu cho thấy Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã kết thúc chuỗi tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát ở Mỹ. Để kích thích nền kinh tế, đặc biệt là thị trường địa ốc, có thể Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất USD, kéo lãi suất USD ở trong nước giảm theo. Hiện nay, lãi suất tiền gửi USD tại VN xoay quanh mức 4,85%/năm. Như vậy, có thể đây sẽ là mức lãi suất “đỉnh” của năm 2007.
Các chuyên gia cũng cho rằng trong năm 2007, sức ép tăng chỉ số giá tiêu dùng vẫn rất lớn nhưng không ảnh hưởng đến việc giữ VND. Tình hình này đã diễn ra trong năm 2006 và các năm trước.
Năm 2006, mặc dù chỉ số giá tiêu dùng ở mức 6,6% nhưng tốc độ mất giá của VND so với USD chỉ ở mức 1%/năm. Đầu năm 2006, với 16.000 đồng, người tiêu dùng có thể mua được 4kg gạo (giá 4.000 đồng/kg). Cùng loại gạo và số tiền này, vào thời điểm cuối năm, người tiêu dùng chỉ mua được 3,5kg do trong năm 2006 giá lương thực thực phẩm tăng 15%. Cũng với 16.000 đồng, đầu năm 2006 mua được 1 USD, cuối năm vẫn mua được gần 1 USD.
Nhìn chung, sức mua của VND so với các loại hàng hóa - dịch vụ khác có giảm đi nhưng với USD thì không có biến động lớn.
(Theo Tuổi Trẻ)