NGO = Ngố?
Chị Thào Thị Mao thực hành những kiến thức được học ở lớp tập huấn khuyến nông do Oxfam tổ chức. |
Nhiều người thường nói đùa bằng cách chơi chữ, làm việc trong các NGO là những người "ngố". Lý giải chủ quan của họ là: Làm việc cho NGO - các tổ chức hoạt động không vì lợi nhuận mà vì các mục tiêu, lợi ích của xã hội, vì sự phát triển của cộng động - nên các nhân viên cũng có vẻ hơi "hiền lành", "ngô ngố", thường là người không đề cao tính thực dụng.
Nhưng sự thực, họ là những người yêu thích các hoạt động xã hội và thích được đi, được làm việc trong một môi trường thoải mái, ít cạnh tranh. Hầu hết những cán bộ, nhân viên làm trong các NGO đều thấy rõ điểm thú vị nhất: Đó là không phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt giữa đồng nghiệp với nhau, sức ép về doanh thu như ở các Công ty kinh doanh. Làm việc ở NGO đòi hỏi tinh thần tập thể bởi các NGO hoạt động bằng những kết cấu liên quan chặt chẽ với nhau, luôn hỗ trợ bổ sung cho nhau, không cần sự "toả sáng" của một "ngôi sao" đơn lẻ nào đó.
Phạm Thị Thanh Tâm, điều phối viên chương trình "Đào tạo nghề và việc làm miễn phí cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn theo định hướng thị trường" của tổ chức Plan tại VN thừa nhận: Trước khi vào làm tại Plan 4 năm trước, tôi cũng đã làm cho một Cty kinh doanh. Ơ đó, sự cạnh tranh và sức ép rất lớn mà thú thực, tôi là người không thích cạnh tranh. Làm ở NGO, khả năng ngoại ngữ của bạn được cải thiện không ngừng.
Bên cạnh đó, thu nhập tại các NGO cũng tương đối ổn. Còn với Lương Chính, cán bộ chương trình giáo dục của Oxfam Anh tại VN rất hào hứng vì làm ở đây, anh có cơ hội được đi nhiều, biết nhiều, thậm chí có thể hiểu rất sâu về văn hoá, phong tục của người dân ở nhiều vùng khác nhau.
Thách thức
Nhưng làm tại NGO không phải không có những thách thức. Điều đầu tiên là phải "base" (nằm vùng) ở những địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa trong một thời gian dài, xa gia đình, bạn bè... Điều này đôi khi là vấn đề lớn, nhất là với nữ giới.
Lê Thị Sâm, cán bộ địa phương của chương trình sinh kế tại Lào Cai của Tổ chức Oxfam Anh tại VN cho biết: "Để thực hiện công việc, mình phải có mặt thường xuyên ở Lào Cai hàng tuần và cứ đều đặn như vậy trong 4, 5 năm, cho tới khi dự án thành công". Một cán bộ đang công tác tại Tổ chức World Vision cùng chia sẻ: "Từ thứ 2 tới thứ 6, mình khoác ba lô lên đường rời Hà Nội. Đôi khi công việc bận rộn, ở lại làm nốt cả thứ bảy chủ nhật. Nhiều người "base" tại những địa phương hẻo lánh, xa xôi, buổi tối buồn quá chẳng biết làm gì lại lôi... việc ra làm".
Một đòi hỏi khác khi làm việc cho NGO chính là tính kiên nhẫn. Chị Lê Thị Sâm giải thích: Những dự án Oxfam triển khai tại các địa phương không phải có thể nhìn thấy ngay kết quả bởi phần lớn các dự án này đều đề ra những mục tiêu khó khăn như làm sao thay đổi nhận thức của người dân khu vực đó về một lĩnh vực không còn phù hợp nữa.
Do vậy, đòi hỏi các cán bộ, nhân viên phải rèn cho mình tính kiên nhẫn và biết lập ra những kế hoạch dài hạn. Ngoài ra, theo anh Lương Chính, vì công việc cũng không thể đưa lại cho người dân địa phương những lợi ích trước mắt như các hoạt động kiểu "cấp phát" nên mình phải biết cách giải thích, thuyết phục người dân và chính quyền địa phương để họ hiểu, ủng hộ và góp tay vào làm thì mới thành công.
(Theo Lao Động)