Biểu diễn một bài quyền môn phái karate tại CLB tổng hợp, võ đường Ngọc Hòa. |
Cứ bốn buổi một tuần, từ 13 năm nay Nguyễn Tuấn Anh (hiện là sinh viên K26 nội thất ĐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội) không tối nào không khoác lên mình bộ võ phục để đến võ đường. Chìa tấm ảnh hồi học lớp võ đầu tiên, Tuấn Anh bảo võ thuật đã đem lại cho cậu không chỉ... chiều cao và cân nặng (từ thể trạng “suy dinh dưỡng”, bây giờ đã là 1,72m và 75kg).
Hồi còn học phổ thông, bị bạn đánh, Tuấn Anh tìm đến karate để nuôi chí “trả hận”. Nhưng đi học được hai tháng, nghe lời thày giảng về đạo võ, ý định trả thù bay đâu mất. Thay vào đó là một ý chí kiên cường và bản lĩnh, chất võ đã ngấm vào từng cơ bắp. Chính nhờ khổ luyện những đòn thế karate mà Tuấn Anh đã thoát nạn trong một vụ cướp cách đây không lâu.
Hôm ấy, anh đang về nhà trên đường Láng thì bị bốn thanh niên ép vào vỉa hè xin đểu. Anh bảo không có tiền, chúng định trấn lột chiếc xe. Không còn cách nào khác, hai đòn zôkôgheri được tung ra trúng đích, hai tên “nằm đường”, hai tên còn lại lên xe lủi mất.
Cũng khoác trên mình màu áo trắng của môn phái karate, Võ Thu Hằng - sinh viên K23 luật kinh tế, ĐH Luật Hà Nội - đến với võ đã được 10 năm. Nhìn Hằng đi bài quyền batsa-dai, người xem sẽ bị cuốn vào những bước di chuyển linh hoạt của tấn pháp, những đòn đá, cú đấm mạnh mẽ, dứt khoát như có ma lực và một ánh mắt có “thần”.
Thời thơ ấu của Hằng trải qua trong bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Rồi như duyên số, sau một lần xem tập võ, cô bé quặt quẹo đã mạnh dạn xin bố đi tập. Bố nhìn Hằng và bảo: “Trông như cái kẹo thế kia, tập với tành nỗi gì”. Xin không được, Hằng đã nói dối bố là đi học thêm để... tập võ.
Chiến thắng bệnh tật và học khá lên nhưng Hằng trượt đại học. Cô quả quyết: “Sự cứng rắn mà võ thuật đem lại giúp mình quyết tâm thi tiếp năm nữa để vào đại học. Nhìn lại mới thấy võ đã cứu mình lần thứ hai trong đời”.
Theo Tuổi Trẻ, hiện ở Hà Nội chưa có số liệu thống kê về tổng số người học võ. Nhưng nhìn qua lượng võ sinh tại các môn phái cũng có thể hình dung phong trào tập võ phát triển mạnh. Môn phái có lượng võ sinh đông nhất ở Hà Nội hiện nay phải kể đến taekwondo với trên 10.000 người.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, tổng thư ký Liên đoàn Taekwondo Hà Nội, con số này hai năm trước mới là 6.000. Với môn karatedo, năm năm trước mới có 3.000 môn sinh thì nay đã gần 5.000. Môn Pencak silat hai năm trước mới chỉ có 1.300 võ sinh, hiện nay đã lên tới trên 2.000 người; môn phái cổ truyền Bình Định Gia thu hút gần 1.000 người luyện tập; wushu hiện cũng có trên 2.000 võ sinh. Đó là chưa kể hàng chục môn phái khác như judo, Vĩnh Xuân quyền, Thiếu Lâm... cũng có lượng môn sinh không nhỏ.
Người học võ ở Hà Nội hiện nay chủ yếu là tầng lớp thanh niên, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Điều đó thể hiện qua việc hầu hết các địa điểm luyện tập võ thuật được lập tại các trường phổ thông, các ký túc xá. Trường tiểu học Việt Nam - Algeria (phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân) nhiều năm nay là nơi “đóng quân” của môn phái Bình Định Gia. Tại trường ĐH Mỏ - địa chất tập trung môn taekwondo, trường ĐH Ngoại ngữ có môn karatedo, trường Hoàng Diệu có môn pencak silat. Ngoài ra, một số nhà văn hóa (NVH) như NVH quận Hoàn Kiếm, NVH quận Hai Bà Trưng cũng thu hút một lượng võ sinh khá lớn...
Trong khi các chương trình giáo dục thể chất như một cực hình với sinh viên nữ, thì chính họ lại tìm đến võ thuật. Thu - K45 báo chí, ĐH KHXH&NV - nói: “Võ thuật đem lại cho tôi sự tự tin cần thiết. Tôi học báo, phải đi nhiều, có chút phòng thân cũng tốt. Mà hơn hết là thấy khỏe ra, học thấy “vào” hơn.
Còn với Xuân, khoa thống kê ĐH Kinh tế quốc dân: “Tập võ thấy “phê” lắm, tập vào là quên hết buồn rầu, lo âu. Ra sân tập, mọi căng thẳng đều bay đâu hết. Tôi nghĩ nếu ai thất tình, tập võ chắc cũng quên hết cả buồn luôn...”. Cô nhoẻn miệng cười tinh nghịch, lí lắc chạy lên cúi đầu xin vào lớp, lại đá, đấm và... hét.
Tập võ không những đem lại sức khỏe mà hơn hết đó là ý chí. Nhiều người lo ngại chuyện lớp trẻ tập võ sẽ làm gia tăng những vụ ẩu đả, xô xát. Nhưng thực tế không phải vậy, chính những người tập võ lâu năm lại là những người “sợ” đánh nhau nhất. Họ nằm lòng câu “cao nhân tất đắc cao nhân trị”.
Ông Đào Văn Hải - trưởng ban quản lý KTX Mễ Trì, ĐHQG Hà Nội - cũng cho biết: “Đã sáu năm kể từ khi Câu lạc bộ võ thuật tổng hợp đóng tại KTX, chưa hề có vụ va chạm nào trong KTX liên quan đến những sinh viên học võ”.