Lấy nhau đã hai năm mà đêm nào Tuấn cũng về nhà lúc nửa đêm trong bộ dạng nửa say nửa tỉnh. Hết cằn nhằn, khóc lóc đến im lặng nhưng chồng vẫn không thay đổi, Mai quyết định bỏ về nhà mẹ ruột.
Đúng như Mai dự đoán, chỉ 2 ngày sau, Tuấn tìm đến xin lỗi và tiếp tục điệp khúc “xin hứa”. Được dịp, Mai quyết định vạch ra “giờ giới nghiêm” và bắt chồng cam kết phải thực hiện đúng thì cô mới trở về.
Bản ghi nhớ Mai nêu ra chỉ cho phép Tuấn được đi nhậu tối đa 2 lần mỗi tuần và phải về nhà trước 22h30. Nếu không thực hiện đúng thỏa thuận, Tuấn phải dọn đồ ra ngoài sống cho thoải mái. Trước thái độ dứt khoát của vợ, Tuấn đành phải ký vào bản ghi nhớ ấy cho êm chuyện.
Hương cũng áp dụng luật bất thành văn trong việc quản lý giờ giấc của chồng. Hôm nào, Hùng cũng phải qua cơ quan đón vợ đi ăn trưa, uống cà phê đâu đó cho hết giờ nghỉ trưa, buổi chiều đúng 17h lại đến đón vợ về nhà. Nếu hôm nào có việc đột xuất không thực hiện đúng lịch trình, thế nào Hùng cũng nhận được hàng chục cuộc gọi của vợ kiểm tra xem anh đang ở đâu, làm gì. Khổ nhất là mỗi lần muốn bù khú với bạn bè, Hùng lại phải nói dối vợ là đi kiểm kê, đi gặp khách hàng để vợ bớt kiểm tra. Nhưng cũng chỉ đi được vài giờ là tin nhắn nhắc nhở “đã đến giờ về nhà rồi” tới tấp gửi đến khiến cho Hùng đứng ngồi không yên.
Còn chị Hồng, ở quận 8, TP HCM tiết lộ bí quyết quản chồng của chị: “Tôi để chồng ngày nào cũng có thể uống một chút bia với điều kiện không về quá 19h30 để còn ăn cơm với gia đình. Nếu anh ấy đi quá giờ đó, tôi sẽ không gọi điện nữa nhưng khi về nhà thì tuyệt nhiên tôi không nói chuyện (ít nhất là đến chiều hôm sau). Sau mỗi lần như thế chồng tôi ít đi quá giờ hơn. Thi thoảng đi nhậu cùng bạn bè, chồng tôi báo trước và có thể về muộn hơn nhưng tôi thường nhắn tin “anh về sớm em chờ đấy”, nên dù có nhậu với ai, chồng tôi cũng thường có mặt ở nhà trước 21h”.
Tuy nhiên, không phải ông chồng nào cũng dễ dàng chấp nhận thực hiện điều luật riêng của gia đình nhỏ. Dù đã nhiều lần “anh sẽ sửa”, nhưng Dũng vẫn duy trì tình trạng về nhà muộn với đủ lý do. Khi mới lấy nhau, Dũng nói với vợ: “Anh sẽ sửa khi nào em có bầu”, thế nhưng đến khi Vy có bầu thật, Dũng lại quên mất lời hứa. Đêm nào về cũng thấy vợ khóc lóc, Dũng đành phải viết vào tờ giấy: “Sẽ về trước 22h, nếu không vợ buồn, vợ buồn thì con sẽ buồn” để cho Vy dán phía trên giường ngủ. Nhưng cũng chỉ được dăm bữa nửa tháng, Dũng lại đi mất hút cho đến nửa đêm. Lúc này chàng lại: “Anh hứa với em, khi nào con ra đời anh sẽ không đi thế nữa”.
Còn Tuấn, sau khi ký vào cam kết đã có tiến bộ hơn, nhưng Tuấn tiết lộ, đó là vì anh cảm thấy thương vợ nên không muốn về muộn để vợ phải chờ đợi. Tuy nhiên, Tuấn cho biết, anh không thể thực hiện răm rắp một cách máy móc theo các điều kiện vợ nêu ra, thỉnh thoảng có việc vẫn phải về quá giờ quy định. Nhưng mỗi lần như thế, vợ anh lại chuẩn bị sẵn ba lô quần áo để cho chồng “ra ngoài sống”, thậm chí Mai không mở cửa khiến Tuấn phải ngồi bên ngoài cho đến sáng. Khi Tuấn giải thích, Mai lại mang bản ghi nhớ ra đặt trước mặt Tuấn mà không nói một lời.
Thạc sĩ tâm lý Võ Thị Tường Vy, Khoa Tâm lý giáo dục, ĐH Sư phạm TP HCM, cho biết, việc vợ chồng thỏa thuận thời gian hợp lý để tạo thói quen về nhà đúng giờ là một việc làm cần thiết bởi trong gia đình các thành viên phải có thời gian gặp gỡ, chăm sóc lẫn nhau. Tuy nhiên, hai vợ chồng nên trao đổi về vấn đề này dựa trên sự thông cảm, hiểu nhau và có trách nhiệm.
Việc quản lý thời gian quá khắt khe sẽ tạo nên sự căng thẳng, bức bách, dẫn tới những xung đột không cần thiết trong đời sống vợ chồng. Cũng theo bà Tường Vy, để “giữ chân” người bạn đời, điều quan trọng là các thành viên trong gia đình phải luôn tạo được bầu không khí vui vẻ, đầm ấm, thu hút hơn ở bên ngoài. Chính niềm tin, tình yêu và ý thức trách nhiệm mới là những yếu tố cần thiết để hâm nóng không khí gia đình và duy trì ngọn lửa ấm áp trong đời sống lứa đôi.
(Theo Người Lao Động)