Người tiêu dùng phân vân lựa chọn loại nước tương an toàn. |
Ngành y tế phát hiện chất 3-MCPD có trong nước tương từ khi nào và vì sao đến tận bây giờ mới công bố?
Đã phát hiện 3-MCPD từ 2001
Lật lại hồ sơ chưa đầy đủ mới thấy rằng việc nước tương có chứa chất 3-MCPD đã được ngành y tế TP HCM phát hiện và biết rất rõ từ cuối năm 2001. Cụ thể, tháng 11/2001, qua xét nghiệm 15 mẫu nước tương, dầu hào tại địa bàn TP thì tất cả các mẫu đều có hàm lượng 3-MCPD gấp 23-5.644 lần mức cho phép. Tháng 12/2001, xét nghiệm tiếp 10 mẫu thì có 9 mẫu vượt mức cho phép, trong đó có mẫu gấp 6.090 lần.
Năm 2004, Viện Vệ sinh y tế công cộng TP thực hiện giám sát hàm lượng 3-MCPD 41 mẫu nước tương thì phát hiện 33 mẫu có 3-MCPD vượt tiêu chuẩn cho phép, chiếm tỷ lệ 80,5%. Trong 33 mẫu này có sáu mẫu có hàm lượng 3-MCPD cao khủng khiếp, từ 11.100-18.244 mg/kg, tức cao gấp 11.000-18.000 lần mức cho phép; sáu mẫu có hàm lượng 3-MCPD rất cao, từ 6.260 đến 8.659 mg/kg; và 21 mẫu có hàm lượng 3-MCPD cao vượt giới hạn từ 2,1 đến 4.936 mg/kg.
Năm 2005, viện này khảo sát tiếp 137 mẫu từ nhiều nơi gửi tới xét nghiệm. Qua đó phát hiện hơn 100 mẫu có hàm lượng 3-MCPD từ 2,0 -9.743 mg/kg, cao hơn mức cho phép từ hai đến gần chục nghìn lần. Quý 3/2005, Sở Y tế TP HCM gửi mẫu nước tương của 30 cơ sở sản xuất đến Viện Vệ sinh y tế công cộng TP kiểm nghiệm, phát hiện 20 cơ sở có sản phẩm nước tương có chất 3-MCPD cao gấp từ vài lần đến vài nghìn lần mức cho phép. Tại Trung tâm Đào tạo và phát triển sắc ký TP, trong năm 2005 cũng tiến hành phân tích 38 mẫu và phát hiện 21 mẫu có hàm lượng 3-MCPD cao hơn mức quy định.
Ngay từ tháng 3/2007, sau khi báo chí lên tiếng về việc “ém nhẹm” thông tin liên quan đến kết quả kiểm định nước tương tại TP HCM, thanh tra Bộ Y tế đã có văn bản gửi thanh tra Sở Y tế TP HCM đề nghị báo cáo kết quả cụ thể, đồng thời công bố các cơ sở có vi phạm chất lượng cho cơ quan báo chí. Tuy nhiên, mãi gần... hai tháng sau, đến ngày 7/5 vừa qua, thanh tra Sở Y tế TP HCM mới gửi báo cáo với Bộ Y tế về đợt kiểm tra 11 cơ sở sản xuất nước tương trên địa bàn.
Năm 2006, Viện Vệ sinh y tế công cộng TP tiếp tục phát hiện 28/135 mẫu gửi tới xét nghiệm có hàm lượng 3-MCPD vượt quá giới hạn cho phép ở mức từ 1,19-3.029 mg/kg. Kết quả phân tích 245 mẫu nước tương của Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM trong hai năm 2005-2006 cũng cho thấy có bảy mẫu vượt trên 1mg/kg, trong đó có một mẫu cao đến 1.700mg/kg. Cũng trong năm 2006, Trung tâm Đào tạo và phát triển sắc ký TP phân tích tiếp 24 mẫu và phát hiện chín mẫu có
3-MCPD vượt giới hạn, trong đó có mẫu cao tới 1.944mg/kg. Ngoài ra, giám sát của Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM trong năm 2006 trên 20 mẫu cũng phát hiện tám mẫu có 3-MCPD vượt mức cho phép.
Bỏ mặc người tiêu dùng
Trừ hai bản danh sách các cơ sở sản xuất nước tương có chất 3-MCPD cao quá mức cho phép trong hai năm 2005 và 2007 vừa được công bố, các kết quả kiểm nghiệm mẫu của những cơ sở sản xuất nước tương khác trong nhiều năm qua đều không được công bố. Các cơ sở này là ai? Vi phạm bao nhiêu lần, có bị xử lý không, xử lý thế nào? Không ai biết, trừ ngành y tế.
Ai cũng biết tất cả kết quả kiểm nghiệm chất lượng nước tương từ các đơn vị kiểm nghiệm đều được báo cáo về Sở Y tế TP và Bộ Y tế. Chính vì vậy mà cách đây hai năm Bộ Y tế đã có quyết định số 11 về việc qui định hàm lượng chất 3-MCPD trong nước tương, xì dầu, dầu hào không được quá 1mg/kg. Rõ ràng Sở Y tế TP, Bộ Y tế đều biết rất rõ người dân đang hằng ngày ăn phải loại thực phẩm có chứa chất độc hại.
Thế nhưng, nước tương có chất 3-MCPD vượt mức qui định gây nguy hại sức khỏe người tiêu dùng vẫn xuất hiện nhan nhản trên thị trường. Vì sao nhiều năm qua những cơ quan có trách nhiệm bảo vệ sức khỏe người dân vẫn dửng dưng, giấu nhẹm thông tin để mặc người tiêu dùng phải đối diện với nguy cơ mắc bệnh ung thư từ những loại nước tương không an toàn? Đây là câu hỏi đến nay vẫn chưa có lời giải đáp thuyết phục.
Ngành y tế TP sẽ xử lý những cơ sở sản xuất nước tương vi phạm các qui định về vệ sinh an toàn thực phẩm như thế nào? Tại sao thời gian qua Sở Y tế TP HCM không công khai thông tin tên các cơ sở sản xuất nước tương có hàm lượng 3-MCPD cao quá mức cho phép? Ông Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc Sở Y tế TP, khẳng định quan điểm của ngành y tế là bảo vệ sức khỏe người dân, nhưng cũng không làm thương tổn doanh nghiệp nếu doanh nghiệp không vi phạm. Còn những cơ sở vi phạm, hoặc vi phạm nhiều lần thì quan điểm của sở là không bao che.
Thời gian qua, mỗi khi phát hiện cơ sở nào vi phạm, sở đều có xử phạt. Tuy nhiên, luật có những bất cập mà nhiều khi ngành y tế không thể làm khác được. Có những cơ sở vi phạm nhiều lần, ngành y tế rất bức xúc, rất muốn đóng cửa nhưng không thể vì luật quy định rất rõ họ sai phạm thế nào thì mới đóng cửa được.
Còn vấn đề vì sao vừa qua chưa công khai thông tin thì ông Dũng cho rằng không phải ngành y tế không muốn công bố mà phải xem lại quy định, vì có thể nếu công bố không đúng luật lệ thì không khéo ngành y tế lại bị khiếu nại. Liệu những lời giải thích này có đủ sức thuyết phục người dân?
(Theo Tuổi Trẻ)