Các báo cáo và tham luận trong hội thảo xoay quanh hai nội dung chính là tầm quan trọng của việc giáo dục trẻ em ý thức xây dựng cộng đồng thân thiện, văn minh để giúp trẻ hoàn thiện nhân cách, phát triển toàn diện; đồng thời kêu gọi lời cam kết từ nhiều thành phần khác nhau trong xã hội để chung tay hiện thực hóa vấn đề này.
Tiết mục chào mừng hội thảo. |
Trọng tâm của hội thảo là các báo cáo nêu lên ý nghĩa và thực trạng của vấn đề trẻ em và việc xây dựng cộng đồng sống thân thiện, văn minh từ các góc độ khoa học tâm lý giáo dục cũng như quản lý nhà nước và ứng dụng thực tế vào công tác đoàn thể, xã hội. Bên cạnh đó là các báo cáo về tình hình hưởng ứng và thực hiện phong trào “Trường học thân thiện, Học sinh tích cực” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động và chỉ đạo kể từ năm học 2008-2009 cho đến nay; cũng như đặt ra vấn đề cần đổi mới phương pháp dạy học một số môn học như Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Thể dục… theo phương pháp học trải nghiệm bằng những hoạt động cụ thể.
Ông Phạm Ngọc Định, Phó Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học cho biết: “Vấn đề đặt ra trong buổi hội thảo hôm nay cho thấy sự cần thiết phải giáo dục toàn diện cho các em học sinh của chúng ta cả về trí thức và tri thức, đặc biệt là dạy cho các em về ý thức cộng đồng, xây dựng môi trường sống, môi trường học tập văn minh, thân thiện… Điều này sẽ giúp các em trở thành những con người hoàn thiện về nhân cách, trở thành những công dân mẫu mực trong tương lai. Tuy nhiên, một hạn chế hiện nay là nhà trường, gia đình chưa thực sự tạo ra nhiều cơ hội để trẻ có thể học thực nghiệm và trực tiếp tham gia vào các hoạt động xây dựng cộng đồng thông qua các hoạt động giáo dục thể chất, vui chơi hàng ngày”.
N.S.