![]() |
Chăm sóc bệnh nhân tự tử tại BV Nhân dân Gia Định. |
Chị Thanh được đưa vào khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP HCM ngày 6/9. Bệnh nhân tỉnh táo nhưng lở loét nhiều ở vùng miệng, kèm suy gan thận. Các bác sĩ nghi chị tự tử bằng thuốc diệt cỏ Paraquat.
Trước ngày nhập viện, Thanh đã hai lần tự tử bằng thuốc ngủ và được súc ruột tại trung tâm y tế huyện. Xác định đây là trường hợp muốn tự tử bằng mọi cách, bác sĩ chuyển chị sang khoa Săn sóc đặc biệt để được theo dõi chặt chẽ hơn. Qua xét nghiệm, bác sĩ Huỳnh Văn Ân, Trưởng khoa Săn sóc đặc biệt, vô tình biết chị Thanh bị nhiễm HIV. Vì vậy, việc chăm sóc bệnh nhân được theo dõi nghiêm ngặt và khó khăn hơn do khả năng lây nhiễm HIV cao.
Lúc phát hiện mình tiếp tục được cứu sống lần thứ ba, chị Thanh rất thất vọng, không hợp tác với bác sĩ. Chị không khai báo đã uống thuốc gì nhằm gây khó khăn cho công tác cấp cứu. Tuy nhiên theo bác sĩ Ân, lở loét miệng và suy gan, suy thận là biểu hiện đặc trưng của thuốc diệt cỏ Paraquat - loại thuốc có khả năng gây tử vong cao.
Dựa vào triệu chứng lâm sàng, các bác sĩ đã tiến hành giải độc cho bệnh nhân. Bằng cách sốc điện, chạy thận nhân tạo và theo dõi liên tục, các bác sĩ mới giành lại sự sống cho Thanh, bất chấp việc chị đã nhiều lần rút dây giúp thở, dây giải độc tố vì chán sống. Mỗi 15 phút, bác sĩ phải giải độc tố một lần để giúp Thanh hồi phục. Công việc cứ lặp lại suốt 24 giờ trong vòng 4 ngày đầu tiên. Sau thời gian này, mặc dù tâm lý đã ổn định nhưng bệnh nhân vẫn được giữ lại tại khoa Săn sóc đặc biệt.
Cần có bác sĩ tâm lý
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi ngày khoa Cấp cứu cũng tiếp nhận 2-3 trường hợp tự tử. Gần đây là một bệnh nhân 29 tuổi ngụ tại quận 8, tự sát bằng cách dùng dao đâm vào bụng. Đây là người có tiền sử tự tử nhiều lần bằng nhiều cách khác nhau như uống thuốc rầy, lao đầu vào xe tải.
Bác sĩ Trịnh Thanh Mai, Phó khoa Cấp cứu, cho biết bệnh nhân tự tử nhiều lần thường có sự hụt hẫng lớn về tâm lý nên công việc cấp cứu rất khó khăn, thậm chí vô nghĩa vì họ luôn tìm cách để hủy hoại cuộc sống của chính mình. Trong khi đó, ngành y tế lại chưa có chuyên gia tâm lý phối hợp điều trị nên bác sĩ vừa cấp cứu vừa phải xoa dịu tâm lý bệnh nhân. Công việc thật không dễ dàng. Không ít lần bác sĩ bị chính bệnh nhân chửi mắng, phun nước bọt vì đã ngăn cản ý định tự tử của họ.
Theo bác sĩ Mai, khó khăn lớn nhất của người thày thuốc là cứu sống người không muốn sống. Đối với những người này, cần theo dõi chặt chẽ và ân cần hơn để họ vượt qua những cơn sốc tinh thần.
Lo bệnh nhân tự tử ngay trong bệnh viện
Bác sĩ Trương Thế Hiệp, khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, ghi nhận, bệnh nhân tự tử thường tập trung ở lứa tuổi 15-35 và hầu hết đều vì lý do tình cảm. Thông thường, người trẻ chỉ có ý định tự tử nhất thời, họ hủy hoại mình bằng bất kỳ thứ gì có trong tay như thuốc ngủ, thuốc cảm... nên mức độ tổn thương nhẹ, dễ cứu sống.
Đối với trường hợp tự tử nhiều lần hoặc tự tử bằng độc chất nguy hiểm như thuốc rầy, thuốc diệt cỏ, nguy cơ tử vong cao. Bệnh nhân lại rơi vào tình trạng khủng hoảng nặng nề, chống đối nên việc điều trị rất phức tạp.
Nếu bệnh nhân nhập viện sớm và chịu khai báo với bác sĩ đã uống chất gì thì sẽ có khả năng được cứu sống. Ngược lại, họ phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình. Đối với những bệnh nhân này, việc điều trị lơ là hoặc thiếu ân cần rất dễ tạo điều kiện cho họ nảy sinh ý định tiếp tục tự tử ngay trong bệnh viện.
Bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Gia Định, cho biết bệnh nhân tự tử đều được theo dõi tại khoa Săn sóc đặc biệt để tránh ồn ào, nhằm giúp họ chóng hồi phục và ổn định tâm lý. Nếu chuyển bệnh nhân đến các khoa trại khác nằm trên lầu cao thì dễ xảy ra tình trạng họ nhảy lầu tự tử. Khi hồi phục hẳn, tâm lý lắng dịu, bệnh nhân mới được xuất viện.
(Theo Người Lao Động)
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.