Có vợ, con và đang ở tuổi thanh niên nhưng Tuấn lúc nào cũng có tâm trạng u sầu. Hàng ngày, trong đầu anh luôn nung nấu ý định quyên sinh. Một lần rồi hai ba lần Tuấn uống thuốc ngủ tự tử và được gia đình cấp cứu kịp thời. Trong số những bác sĩ từng cứu chữa cho anh này có Tiến sĩ Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai.
Ông còn nhớ rõ trường hợp của Tuấn vì “tiểu sử” bệnh án: luôn muốn chết. Trong đầu anh ta luôn có một sự thôi thúc tìm đến cái chết để được giải thoát. Tuấn bị bệnh hoang tưởng. Khi được đưa vào trung tâm cấp cứu, Tuấn được bác sĩ Duệ và các y tá chăm sóc cứu chữa tận tình. Theo người nhà của bệnh nhân này, khó kiểm soát hành vi muốn tự tử của Tuấn. Cuộc sống còn nhiều lo toan nên họ không thể trông từng phút từng giây để tránh anh ta không tự tử.
Tuấn là một trong những bệnh nhân cá biệt đối với bác sĩ Duệ từ khi ông theo nghề. Theo vị tiến sĩ này, bình thường ai cũng quý cuộc sống của mình, nhất là khi bên cạnh họ còn vợ, con và những người thân khác. Việc Tuấn nhiều lần tự tử là do bệnh lý, anh mắc bệnh thần kinh phân liệt, nên khó kiểm soát hành vi. Tuấn không chỉ vào Trung tâm cấp cứu 2-3 lần, anh còn cấp cứu ở các bệnh viện Đống Đa, Thanh Nhàn…
Tuấn tự tử bằng thuốc ngủ. Mỗi lần “tỉnh dậy” sau đợt cứu chữa, anh không hề sợ sệt và quên bẵng mình suýt làm bạn với tử thần. Gần đây, Tuấn tự tử lần thứ 9 và tử vong ở Bệnh viện Thanh Nhàn vì thuốc uống đã ngấm sâu vào cơ thể. “Nguyện vọng” của người thanh niên nghiện tự tử đã hoàn thành.
![]() |
Y tá đang chăm sóc cho một bệnh nhân tại Trung tâm chống độc. |
Theo ông Duệ, gặp phải những bệnh nhân như vậy là điều không mong muốn với các bác sĩ, y tá ở trung tâm cũng như các bệnh viện khác. Ông cho rằng, mỗi lần chữa trị thành công, giành được sự sống cho bệnh nhân, nhất thiết cần phải tư vấn và đưa họ đi khám thần kinh. Tuy nhiên, điều này không hề đơn giản, không phải gia đình, bệnh nhân nào cũng đều có ý thức sẽ tìm đến một bác sĩ chuyên khoa về thần kinh để được tư vấn. Tâm lý của họ là không muốn nghĩ con em, người thân mình phải đến gặp bác sĩ thần kinh. “Chỉ những người điên mới cần gặp bác sĩ, họ đã nghĩ vậy”, bác sĩ Duệ cho biết. Chính vì điều này, đã dẫn tới nhiều trường hợp tự tử lần thứ 2-3.
Vừa qua, trong một buổi chiều, tại Trung tâm chống độc, các bác sĩ đôn đáo khám và tìm biện pháp cứu chữa cho một phụ nữ ngoài 30 tuổi, trú ở quận Thanh Xuân. Chị Tâm được em gái đưa vào cấp cứu vì uống thuốc ngủ tự tử. Nguyên nhân khiến người phụ nữ này không muốn sống vì bị chồng phụ bạc, có người tình. Bệnh nhân có thái độ không hợp tác với bác sĩ. Chị gào, hét và không muốn được cứu chữa. Em gái và bác sĩ ở đây phải thuyết phục, chị mới nằm im để rửa ruột.
Điều khá bất ngờ với bác sĩ của Trung tâm, chị Tâm từng đến cấp cứu, rửa ruột một lần cách đây hơn tháng. Lần đó chị cũng uống thuốc ngủ loại Rotundin quá liều. Được người nhà phát hiện đưa đi cấp cứu kịp thời, chị đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Lần này vào trung tâm cũng vì lý do phát hiện người chồng phụ bạc, có bồ nhí bên ngoài.
Bác sĩ Nguyễn Đàm Chính, người từng điều trị cho chị Tâm cho biết, loại thuốc bệnh nhân nữ này dùng tuy không gây chết người, song, nếu người dùng quá liều có thể gây rối loạn nhịp tim.
Đã qua nguy kịch, bệnh nhân nằm yên, co ro trên giường. Chị không muốn tiếp xúc và tâm sự với cả em gái và bác sĩ điều trị cho mình. Lấy nhau gần chục năm, có con cái nhưng người chồng có tính trăng hoa nên bỏ bê chị theo bóng hồng khác. Bẵng đi một thời gian, anh này quay về khiến chị không chịu nổi nỗi đau tinh thần chưa lành trước đó. Chị lại uống thuốc ngủ tự tử.
Bác sĩ Duệ cho biết, trường hợp vào trung tâm cấp cứu vài lần không hiếm. Sau khi được cứu sống, phía trước họ còn nhiều khó khăn, và đau khổ. Bác sĩ giành giật cho họ sự sống nhưng khi sống rồi họ vẫn chán nản, bởi những tổn thương tâm lý và những bi kịch vẫn xảy ra trước mắt. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc họ tự tử 1-2 hay 3 lần. Gia đình cần phải hợp tác với bác sĩ đưa người thân đi khám thần kinh.
* Tên nhân vật đã thay đổi
Quang Việt