Đi Chùa Hương theo kiểu trốn lậu vé là vấn đề bức xúc xảy ra từ nhiều năm nay. Lực lượng Công an làm nhiệm vụ năm nào cũng tuyên truyền cho bà con cảnh giác khi đi lễ hội, nhưng bà con vẫn mắc vào vòng lôi kéo của đám "cò mồi". Vụ tai nạn thương tâm xảy ra vào sáng 12/2 trên sông Đáy là hậu quả của nạn "cò mồi" dẫn khách trốn vé.
Lái đò đang "làm tiền" hành khách. |
Người ta phải dùng lưới cào dọc sông mới vớt được xác em Vũ Quang Thắng (16 tuổi), ở Nguyên Hòa (Phù Cừ, Hưng Yên). Bà Nguyễn Thị Suốt, mẹ Thắng cứ vật vã bên xác con. Những người đi cùng ôtô kể lại: 4h30, ba mẹ con Thắng cùng hơn 20 người ở các xã lân cận đáp xe đi Chùa Hương. Khi đến cầu Yên Lệnh có một cô gái tên Huế đón. Khi xe còn ở bên này cầu Đục Khê, Huế giao khách cho Vũ Thị Quyên. Người phụ nữ này đưa đoàn người xuống đò của Trịnh Đức Phan, 40 tuổi. Cả ba đối tượng đều trú ở thôn Đục Khê (Hương Sơn).
Lúc xuống đò, mọi người đều thấy lạ, không hiểu vì sao đi Chùa Hương mà lại cứ lẩn chỗ nọ, trốn chỗ kia. 12 người được đẩy xuống một chiếc đò bằng bêtông sứt mẻ lòi cả những thanh sắt, để sang bên kia sông, trốn vé bằng cách đi xuyên qua làng. Chiếc đò chở nặng quá nên nước cứ dềnh vào. Khi ra đến giữa sông thì nước đã ngập gần đến đầu gối. Thế rồi đò chìm, mọi người lóp ngóp trong nước. Em Thắng không biết bơi nên bị chìm nghỉm. Chủ đò Trịnh Đức Phan, là đối tượng nghiện, vừa ra trại được mấy tháng nay cũng bị dòng nước nhấn chìm.
Cảnh nhốn nháo của Lễ hội Chùa Hương dường như đã bắt đầu cách Bến Đục 50 km. Đám thanh niên cưỡi xe máy phóng theo các đoàn xe để chèo kéo. Một gã thanh niên bảo: “Bọn em sẽ lo cho các anh từ A đến Z, mỗi người 35.000 đồng. Em tên là Thành, anh nhớ nhé!”. Chỉ nói có thế, gã lại rồ ga đuổi theo xe khác.
Chiếc xe chưa kịp lăn bánh qua cầu Đục Khê thì một tay có khuôn mặt vằn vện những sẹo vẫy lại bảo: “Các anh là khách của Thành phải không?”. Thì ra, tay cò mồi ở Ba La đã gọi điện thông báo biển số xe để “cầu 2” đón khách. Gã thanh niên thu mỗi người 35.000 bảo đi mua vé giúp, nhưng gã không mua, cũng không dẫn khách qua cổng chính mà xuống đò qua sông Đáy để vào làng Đục Khê, sau khi đã chỉ dẫn lái xe vào bãi. Sau mấy lần quanh co, toán khách mới phải nhập vào một đoàn khác khoảng 50 người đang đứng ngồi lố nhố trong sân của một ngôi nhà xập xệ giữa làng, có cả mấy ông tây bà đầm đang xì xà xì xồ. Lúc này số người ấy mới biết mình đang đi... “tua chui”.
Mọi người xếp hàng rồng rắn đi qua bếp vào nhà tắm, rồi chui qua chiếc lỗ hổng của cái nhà vệ sinh nhớp nhúa, mới sang được ngõ khác. Mấy cô, mấy bà Việt Nam vừa thấp, vừa bé nhảy tót cái là qua, chỉ khổ mấy ông tây bà đầm cứ xoay ngang xoay dọc mà cái bụng phệ vẫn không lọt qua được. Tay chủ nhà lại phải vác búa tạ phang văng mấy hòn gạch nữa, đoàn người đi “tua chui” mới được giải thoát.
Sau mấy hồi vòng vèo, Bến Đục hiện ra trước mắt. 30 người trên con thuyền mỏng manh chưa kịp ổn định chỗ ngồi thì tay lái đò đạp thuyền trôi ra khỏi bến và yêu cầu mỗi khách nộp thêm 20.000 tiền đò. Mấy chị có máu mặt chợ búa nhảy loi choi: “Đã thỏa thuận nộp 35.000 là phải lo từ A đến Z chứ”. Tay lái đò tuyên bố xanh rờn: “Chẳng lái đò nào ngoài thằng này dám chở các bác đâu. Không lẽ các bác lại muốn bảo vệ đến kiểm tra vé à”. Đám khách đi “tua chui” đành im như thóc. Nhìn ngược nhìn xuôi chẳng thấy mấy cậu “hướng dẫn viên” lúc nãy đâu, đành phải nín nhịn mỗi người góp 20.000 cho đủ 600.000 một đò, nộp cho chúng mới được đi. Rõ ràng cũng mất số tiền tương đương với số tiền mua vé vào cổng chính, vậy mà lại phải du lịch theo kiểu chui lủi.
Chiếc đò bé xíu của người đàn bà có khuôn mặt khắc khổ tên là Bùi Thị Nhung, người làng Đục Khê. Khi con đò lướt trên mặt suối mới biết rằng, chuyện lái đò lươn lẹo, nghĩ đủ kế “vặt” tiền của khách chỉ diễn ra phổ biến ở những người lái đò có máu mặt, thuộc “biên chế” những “đường dây đen” chuyên chèo kéo, chụp giật khách. Họ rải người đến tận Ngã Tư Sở, Ba La để đón khách, chia hoa hồng cho lái xe để lái xe thả khách cho họ. Họ thu tiền của khách ngay từ ngoài cổng soát vé, nhưng thực ra chỉ mua vài vé, còn lại giấm giúi với một số cán bộ biến chất cho khách lọt qua. Ở những điểm nào không qua được thì họ dẫn khách chui chỗ nọ, chỗ kia. Khách đã lên đò của họ thì họ tha hồ chém chặt.
Hiện trên suối Yến có hơn 3.000 đò, có đò chở được 6 người, có đò chở được 30 người, nếu cứ tính trung bình mỗi đò chở 10 người thì số lượng hành khách có thể đi đò là 3 vạn. Tuy nhiên, những ngày cao điểm cũng chỉ có 1,5 đến 1,7 vạn khách, như vậy không thể nói do khan hiếm đò nên lái đò tha hồ chặt chém khách. Những kẻ chặt chém, móc túi khách mạnh nhất chính là cánh lái đò nằm trong các đường dây bảo kê. Những lái đò như chị Nhung nếu xếp hàng chờ khách theo sự phân công của Ban tổ chức lễ hội thì cả ngày chẳng kiếm được khách nào, nên đành phải mua lại khách của những đường dây, những đám cò dẫn mối với giá rất rẻ. Ngay như việc Nhà nước trả 10.000 đồng một khách (cả đi lẫn về) cũng là quá rẻ.
Chị Nhung cho hay, trung bình mỗi ngày chở được 4 người, tính ra tiền công được 40.000, ăn bát phở hết 10.000, vậy là chỉ được 30.000 bỏ túi. Công việc chèo đò rất vất vả. Đẩy mái chèo độ một tháng thì bụng dạ tóp lại, đêm nằm xương cốt đau nhức không dám trở mình. Mỗi mùa lễ hội qua, cơ thể suy nhược, lại phải cắt mấy thang thuốc mới lại sức. Cũng vì số tiền công trả cho người chở đò quá thấp nên phần lớn lái đò đều tìm cơ hội “vặt” khách. Chỉ có những người nông dân chân chất như chị Nhung chẳng có gan và máu mặt làm việc đó.
Có thể nói tình trạng lái đò vòi vĩnh tiền của du khách một phần do sự kiểm soát không chặt chẽ của Ban quản lý lễ hội. Phải chăng, nên tách vé đò ra khỏi vé thắng cảnh, khách đi chùa chỉ phải trả tiền đò đúng với giá quy định ghi trên vé, như vậy lái đò sẽ không có lý do để vòi vĩnh nữa.
(Theo Công An Nhân Dân)