16 tỉnh thành đó là Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang.
Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Thủ tướng đề nghị các địa phương kiên quyết không để "chặt ngoài, lỏng trong", đảm bảo giãn cách giữa cá nhân với cá nhân, gia đình với gia đình, không để xảy ra tụ tập đông người.
Các tỉnh thành được yêu cầu đảm bảo cung ứng đầy đủ lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm cho nhân dân, đặc biệt là đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất công ăn việc làm do dịch bệnh.
Căn cứ kết quả thực hiện Chỉ thị 16 trên từng địa bàn, lãnh đạo các tỉnh thành báo cáo Trung ương để điều chỉnh các giải pháp thực hiện cho hiệu quả, phù hợp với tình hình.
Trước đó, TP HCM, Đồng Nai đã giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7. Bình Dương áp dụng Chỉ thị 16 với 4 đô thị lớn cũng từ 9/7. Các tỉnh thành này sẽ căn cứ vào diễn biến dịch bệnh và kết quả phòng chống dịch trên địa bàn để tiếp tục thực hiện giãn cách như quyết định cũ hoặc kéo dài thời gian giãn cách như các tỉnh, thành phố bổ sung.
Về tình hình cung ứng hàng hóa tới những địa phương áp dụng giãn cách xã hội, Bộ Công thương khẳng định Chính phủ và các bộ ngành luôn đảm bảo đủ hàng phục vụ nhu cầu người dân, sau khi đã có kinh nghiệm áp dụng Chỉ thị 16 tại một số nơi như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP HCM. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khuyến cáo người dân không nên nóng ruột, tích trữ mua nhiều hàng hóa mà cần tuân thủ các quy định, hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền, địa phương, nếu đổ xô tới nơi đông người sẽ có nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
Ý Phương