Người tiêu dùng sẽ được mua hàng điện tử ngoại nhập giá rẻ trong tương lai không xa. |
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực điện tử, xe máy cho rằng việc thực hiện nghị định này sẽ có đợt giảm giá mới của hàng nhập khẩu.
Trên thị trường hiện nay, các mặt hàng điện máy, xe gắn máy chủ yếu do các DN kinh doanh nhập về bán. Các DN FDI chỉ được phép nhập hàng theo hạn ngạch (đăng ký hằng năm với Bộ Thương mại) để bán thử nghiệm thăm dò thị trường. Hiện Bộ Thương mại đã soạn thảo thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định về quyền nhập khẩu trực tiếp cho các DN FDI, dự kiến sẽ ban hành vào quý III năm nay.
Hơn ai hết, các DN FDI rất trông chờ thông tư ban hành nhằm tạo điều kiện pháp lý cho các DN đẩy mạnh nhập khẩu, chủ động nguồn hàng và có chiến lược tiếp thị phù hợp. Nhiều công ty đã tiến hành làm thủ tục đăng ký lại theo luật mới để được quyền nhập khẩu trực tiếp.
Ông Nguyễn Văn Đạo, Phó tổng giám đốc Công ty Điện tử Samsung VN, cho biết từ nay đến cuối năm, Samsung VN sẽ hoàn tất thủ tục và tiến hành nhập hàng.
Ông Vũ Hoàng Chương, Phó tổng giám đốc JVC VN, nói công ty sẽ có kế hoạch kết hợp giữa hàng nhập khẩu và sản xuất trong nước: loại nào chưa có hoặc có với số lượng ít sẽ được nhập, loại nào trong nước đang có ưu thế sẽ tiếp tục phát huy.
Các hãng điện tử JVC, Sony, Panasonic... cho biết, họ sẽ nhập những mặt hàng trong nước chưa sản xuất và chỉ nhập hàng chính hãng. Công ty Yamaha VN cũng tuyên bố chỉ nhập những dòng xe phân khối lớn, còn các dòng xe thông dụng, công ty chỉ nhập những loại xe nào trong nước chưa có.
Theo ông Kimihiro Itoki, Tổng giám đốc Sony VN, việc nhập và phân phối hàng về cơ bản không thay đổi nhiều so với lâu nay. Sony VN đã có kế hoạch xây dựng hệ thống bán lẻ với các phương án kinh doanh đa dạng, giá cả hợp lý. Công ty chỉ nhập những mặt hàng Sony VN chưa sản xuất và không làm ảnh hưởng nhiều đến việc sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, những liên doanh có khuynh hướng kinh doanh là chính sẽ nhập hàng của nhiều hãng, nhất là loại hàng rẻ tiền về tiêu thụ trong nước để tạo sức cạnh tranh.
Ông Vũ Hoàng Chương, nói DN FDI được trực tiếp nhập và bán hàng sẽ giảm bớt chi phí trung gian. Đây là lợi thế rất lớn để DN hạ giá bán hàng nhập khẩu. Trước mắt dòng hàng này sẽ có mức giá rẻ hơn hàng sản xuất trong nước cùng loại 5-10% và sẽ giảm mạnh khi có nhiều DN tham gia nhập hàng.
DN trong nước chuyển hướng sản xuất Theo giới chuyên môn, khi các DN FDI được nhập và bán hàng trực tiếp sẽ kéo theo nhiều hệ quả. Hiện nay, các hãng điện tử FDI không còn mặn mà đến việc đầu tư sản xuất mà chuyển sang nhập hàng về bán, vừa tiện lợi vừa đỡ chi phí đầu tư. Tivi LCD, plasma, máy ảnh, camera,... sẽ được nhập về ồ ạt... Lãnh đạo một hãng điện tử cho biết, trước đây các DN điện tử trong nước phát triển khá tốt, nhưng gần đây không cạnh tranh lại hàng nhập giá rẻ. Nếu các DN FDI được nhập hàng, “đất sống” của các hãng điện tử trong nước sẽ càng bị thu hẹp. Để đối phó với tình trạng này, một số DN phải chuyển đổi ngành nghề hoặc đa dạng hóa sản phẩm bằng cách thay đổi mặt hàng liên tục. Chẳng hạn, Công ty Điện tử VTB, Belco từ thế mạnh tivi, đầu đĩa đã chuyển sang đa dạng hóa mặt hàng như tủ lạnh, máy giặt, máy lạnh, điện gia dụng hoặc cả máy tính xách tay... |
(Theo Người Lao Động)