Nhà đầu tư không khỏi lo âu khi thị trường chứng khoán rớt giá liên tục. |
Trong phiên giao dịch ngày 9/11, cả hai sàn đều mất điểm. Trong đó VN-Index của sàn TP HCM mất 8,18 điểm, còn 1.018,29 điểm; HaSTC-Index của sàn Hà Nội mất 6,27 điểm, còn 356,58 điểm, với duy nhất một cổ phiếu đứng giá trong khi 91 mã còn lại đều rớt giá.
Đây là phiên thứ sáu liên tiếp sàn TP HCM mất điểm, với VN-Index đóng cửa tuần này giảm 46,8 điểm so với phiên đóng cửa cuối tháng 10. Không chỉ mất điểm, khối lượng và giá trị giao dịch tại hai sàn Hà Nội và TP HCM cũng giảm mạnh và đứng ở mức thấp.
"Vẫn chưa thể dự báo được xu hướng rõ ràng của thị trường chứng khoán VN trong thời điểm hiện nay. Nhưng hy vọng nhiều nhà đầu tư sẽ quay trở lại sàn, tiếp tục rót vốn vào chứng khoán thay vì chạy theo bất động sản, nhất là khi thị trường này cũng đã bắt đầu hạ nhiệt...", một chuyên gia chứng khoán nói. |
"Thông tin về đợt phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Vietcombank (VCB) vừa được một hãng tin nước ngoài công bố là giọt nước làm tràn ly, gây tác động mạnh đến tâm lý của nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường đang có quá nhiều tin xấu", nhà phân phân tích chứng khoán Lê Đạt Chí nhận định. Ông Chí cho biết, nhiều nhà đầu tư đã thật sự "choáng váng" sau khi nghe thông tin Hãng tin Bloomberg khẳng định các nhà đầu tư nước ngoài đang đàm phán mua cổ phần VCB với giá chỉ 5-7 lần giá trị sổ sách của VCB ở thời điểm cuối năm 2006.
Nếu thông tin này chính xác, theo ông Chí, nhiều nhà đầu tư sẽ cân nhắc thận trọng hơn việc nắm giữ các cổ phiếu ngân hàng sau khi tính toán lại giá của những cổ phiếu này dựa theo giá trị sổ sách. Bởi lẽ chưa tính đến quy mô và thương hiệu khá lớn của VCB, cổ phiếu ngành ngân hàng hiện nay đều có mức giá tính trên giá trị sổ sách cao hơn khung 5-7 lần, tức là cao hơn mức mà nhà đầu tư nước ngoài chấp nhận trả đối với cổ phiếu của VCB.
Một số chuyên gia chứng khoán cho rằng, bên cạnh "cú sốc" Vietcombank, nhiều nhà đầu tư cũng đang bắt đầu ngán ngẩm trước việc tái diễn hiện tượng đua nhau phát hành tăng vốn điều lệ của các công ty niêm yết. Theo ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh, Phó tổng giám đốc công ty cổ phần chứng khoán Đông Dương, trong khi nhà đầu tư đang gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn do sức ép thu hồi nợ vay của các ngân hàng, việc các công ty niêm yết phát hành thêm cổ phiếu sẽ khiến nhà đầu tư bị "bội thực".
Ông Chinh cho rằng nhiều công ty niêm yết kỳ vọng thị trường sẽ khởi sắc cuối năm, và đây là cơ hội tốt để phát hành tăng vốn mà không lường trước những yếu tố bất lợi khác của thị trường. Chưa kể hàng loạt công ty vừa lên sàn và nhiều tên tuổi khác cũng đang sắp hàng để niêm yết, nhà đầu tư sẽ buộc phải rà soát lại danh mục đầu tư, mà trước hết phải thanh khoản những chứng khoán đang nắm giữ.
Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư buộc phải bán ra chứng khoán để đóng tiền mua cổ phần công ty Tài chính dầu khí đã trúng đấu giá, và hiện tượng "xả hàng" của các nhà đầu tư nước ngoài cũng góp phần khiến cung ở sàn chứng khoán tăng, trong khi cầu có xu hướng ngược lại.
Theo một chuyên gia chứng khoán, những thông tin về tiến trình IPO của VCB chắc chắn sẽ rõ ràng hơn vào tháng tới và điều này tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ các cổ phiếu ngân hàng. Chuyên gia chứng khoán Huỳnh Anh Tuấn có cùng nhận định này khi cho rằng: chính những thông tin chưa thật sự rõ ràng về việc IPO của VCB, không những giá mua cổ phiếu của nhà đầu tư chiến lược mà cả thời điểm tổ chức đợt IPO này, đã tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư.
Ngoài ra, theo ông Tuấn, tháng mười một là thời điểm căng thẳng nhất của các ngân hàng trong việc thực hiện cắt giảm tỷ lệ cho vay kinh doanh chứng khoán theo lộ trình của Ngân hàng Nhà nước, các nhà đầu tư cũng chịu áp lực bán ra chứng khoán để trả nợ vay. "Sau khi áp lực trả nợ vay giảm cùng với thông tin khá tốt của các công ty niêm yết, thông tin về IPO của VCB và Ngân hàng Công thương rõ ràng hơn, thị trường sẽ có nhiều hi vọng phục hồi", ông Tuấn nói.
Một số chuyên gia chứng khoán cũng kỳ vọng với các thông tin về lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khá lớn vào VN, chưa kể áp lực giải ngân của các qũy đầu tư nước ngoài mới đi vào hoạt động cũng sẽ tạo động lực thúc đẩy thị trường đi lên. Một chuyên gia chứng khoán khẳng định, với hơn 11 tỷ USD vốn FDI chỉ trong mười tháng và dự báo đạt mức kỷ lục 13 tỷ USD trong năm nay cho thấy các nhà đầu tư đang đánh giá rất cao tiềm năng tăng trưởng và phát triển của VN.
(Theo Tuổi Trẻ)