Hơn một nửa (52,9%) trong số những người đăng ký học cao học ở Trung Quốc cho rằng không đáng phải mất đến 2 năm để có tấm bằng thạc sĩ. Số còn lại vẫn có suy nghĩ tích cực về việc học cao học.
Trung tâm nghiên cứu xã hội thuộc Trung tâm truyền thông và nhật báo trẻ TQ sina.com.vn đã điều tra 7.730 người đăng ký học cao học, trong đó 4.865 người đã có hoặc đang theo đuổi tấm bằng thạc sĩ.
Kết quả cho thấy rằng 35,6% trong số 4.865 người cảm thấy hối hận vì học cao học và kiến thức thu lại không xứng đáng với thời gian, công sức, và tiền của mà họ bỏ ra.
Theo số liệu của Bộ Giáo dục TQ, trong năm nay có 128 triệu người nộp đơn thi đầu vào cao học, chỉ tăng 0,55% so với những năm trước. Trong khi, từ năm 2001 đến 2006, trung bình mỗi năm tăng 170.000 học viên đăng ký thi cao học (tức là mỗi năm tăng khoảng 20%).
Cuộc điều tra cũng tiết lộ rằng 48,7% trong số các học viên cao học được hỏi chỉ học để có một tấm bằng và 45,2% học vì muốn kiếm được công việc tốt hơn.
Tuy nhiên, lợi thế cạnh tranh của tấm bằng thạc sĩ trong cuộc chiến tìm việc đã không còn nóng hổi nữa. “Tôi đã mất một nửa thời gian cho kỳ thi đầu vào cao học. Khi tôi hoàn thành chương trình cao học từ một trường ĐH hàng đầu thì việc tìm cho mình công việc phù hợp vẫn là cả một vấn đề”, Triệu Xuân, một thạc sĩ nói.
Một người khác được hỏi trong cuộc điều tra cho biết: “Mọi người bắt đầu đặt câu hỏi vấn đề giá trị của tấm bằng cao học, điều này cũng không có đáng ngạc nhiên. Không ít người đã từng theo học cao học một cách mù quáng”.
Cuộc điều tra đã nêu ra những nguyên do mà một số người tiếp tục học sau đại học như: “Bạn gái tôi vẫn còn học ở trường ĐH”, “Tôi không thể rời nguồn giải trí phong phú từ Internet và những phòng ở tiện nghi mà rẻ tiền ở khu học xá” và “Bố mẹ và thày cô đã phỉnh tôi theo học”.
Cuộc điều tra cũng chỉ ra rằng 54,7% tự nhận họ không có một kế hoạch rõ ràng nào về sự nghiệp trước khi học cao học và 17.9% nghĩ rằng ở một mức nào đó sự lựa chọn của họ là sai lầm.
(Theo Tuổi Trẻ)