Giá quá cao khiến sức mua ôtô giảm mạnh so với năm trước. |
Số liệu Bộ Thương mại đưa ra cho thấy, kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc có thể giảm khoảng 10%, nhập khẩu linh kiện cũng giảm gần 22% so với năm 2003.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, công nghiệp ôtô VN trong năm tới sẽ chịu tác động của hàng loạt chính sách có hiệu lực từ 1/1/2005 như phương pháp tính tỷ lệ nội địa hóa theo điểm, thay đổi cách tính thuế linh kiện...
Ông Quách Đức Pháp - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính cho VnExpress biết: dự thảo về cách tính thuế linh kiện đã cơ bản hoàn tất. Theo đó, phương thức tính thuế nhập khẩu theo bộ linh kiện CKD/IKD như hiện nay sẽ chuyển sang tính theo từng linh kiện tách rời. Những linh kiện nào trong nước tự sản xuất được sẽ bị đánh thuế cao, tuy nhiên mức cao nhất sẽ không vượt thuế suất đang áp dụng.
Ông Pháp cho rằng, VN đã không thành công trong thực hiện nội địa hóa, vì vậy cách tính mới này sẽ thúc đẩy đầu tư sản xuất một số linh kiện thay vì đánh đồng ưu đãi thuế cả bộ như hiện nay. Riêng phần linh kiện các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ có chính sách thuế ưu đãi riêng chứ không được tính vào tỷ lệ nội địa hóa như đề nghị của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô VN (VAMA).
Trong khi đó, 11 thành viên VAMA đang lo lắng những thay đổi này sẽ gây khó khăn, bất lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của họ. Theo Chủ tịch VAMA Makoto Sasagawa, nếu áp dụng chính sách mới quá nhanh, việc sản xuất ô tô trong nước sẽ bị đình trệ do các nhà cung cấp linh kiện nước ngoài không thể thay đổi kịp phương thức đóng gói, giao nhận với số lượng trên 20,000 linh kiện cho mỗi loại xe. Cả các nhà nhập khẩu và xuất khẩu đều khó có thể thực hiện được số lượng thủ tục giấy tờ khổng lồ về hải quan, thuế... Một bất tiện khác là các mẫu sản phẩm được cải tiến thường xuyên, rất nhiều cụm linh kiện được cải tiến hoặc bổ sung mới. Vì vậy, cơ quan hải quan khó có thể bổ sung kịp các mã hàng mới vào danh mục áp thuế.
Việt Nam hiện có 11 liên doanh sản xuất lắp ráp ôtô cao cấp với sự tham gia của những tên tuổi lớn trên thế giới như Daewoo, Mercedes Benz, Suzuki, Ford, Toyota... Tổng số vốn đầu tư của các liên doanh này theo giấy phép là 574,7 triệu USD, công suất đăng ký 148.200 xe/năm. Hiện có gần chục dự án xin đầu tư sản xuất lắp ráp xe hơi ở VN song chưa được các cơ quan quản lý xem xét cấp phép. (Nguồn: Bộ Công nghiệp) |
Cuối năm 2003 những thông tin về tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu linh kiện đã gây sốc thị trường. Kết quả là người tiêu dùng buộc phải chấp nhận giá xe cao hơn ít nhất 20% so với thông thường. Theo tính toán của VAMA, thuế tăng sẽ buộc các liên doanh ôtô cắt giảm sản lượng xe xuống gần 50% so với 45.000 chiếc trong năm ngoái. Trong khi đó, nhằm bảo hộ cho các liên doanh, nhập khẩu xe nguyên chiếc vẫn bị thắt chặt. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, chính sách thay đổi trong điều kiện các dòng xe đều bị độc quyền cung như hiện nay, khách hàng VN sẽ là đối tượng thiệt thòi nhất.
Đứng ở quan điểm nhà quản lý, Bộ Tài chính, Bộ Công nghiệp cho rằng có hai biện pháp để các nhà sản xuất có thể hạ giá xe là tổ chức lại sản xuất, giảm chi phí đầu vào cũng như chi phí quảng cáo khuyến mãi... Ngoài ra, các doanh nghiệp nên chấp nhận lãi ít nhằm tăng doanh số vì lượng xe tiêu thụ sẽ không giảm mạnh do đời sống của người dân đang ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, qua những thực tế của thị trường ôtô trong 6 tháng đầu năm, các chuyên gia nghiên cứu thị trường cho rằng khả năng người tiêu dùng VN được hưởng giá xe thấp là không tưởng.