Nhà sáng lập Zappos - Tony Hsieh (được mệnh danh là triệu phú bán giày) - qua đời tháng 11/2020 mà không để lại di chúc. Vào những tháng cuối đời giữa đại dịch Covid-19, Hsieh chìm trong rượu và ma túy. Khi đó, vây quanh triệu phú là đoàn người tùy tùng trong dinh thự ông ở Park City, bang Utah (Mỹ). Những bức tường trong dinh thự này phủ hàng nghìn tờ giấy note ghi chú chi tiết mọi thứ, từ "câu thần chú về cuộc sống" đến các giao dịch tài chính.
Hiện một cuộc chiến tranh chấp tài sản của triệu phú Hsieh nổ ra giữa gia đình và những người bạn từng vây quanh ông. Gia đình Hsieh - những người đứng ra thừa kế gia sản - và bạn bè ông đang tranh cãi xem ai là người quan tâm nhất đến ông; ai là người đã lợi dụng sự giàu có và các mối quan hệ của ông. Một số người bạn triệu phú nói ông nợ hàng chục triệu USD qua các giao dịch kinh doanh, bao gồm cả các dự án phát triển bất động sản và hợp đồng lao động. Họ nộp các ghi chú được Hsieh viết ngệch ngoạc trên giấy note lên tòa như bằng chứng cho những yêu sách nhắm tới khối tài sản hơn 500 triệu USD của Hsieh.

Triệu phú bán giày - Tony Hsieh. Ảnh: AP
Theo hồ sơ tòa án, một trong những người bạn lâu năm của Hsieh - Mimi Pham - đang yêu cầu nhận hơn 90 triệu USD. Pham cho biết cô và bạn trai Roberto Grande đã tham gia vào khoản đầu tư dịch vụ phát trực tuyến phim tài liệu tại công ty sản xuất XTR của Hsieh. Tony Lee - một cố vấn tài chính cho Hsieh - yêu cầu 7,5 triệu USD vì từng thu xếp một khoản vay cho hãng bán giày tuyến Zappos của Hsieh để ngăn chặn một vụ phá sản trong những năm đầu thành lập công ty. Lee còn cáo buộc anh trai triệu phú - Andy Hsieh - là người kích động em trai sử dụng rượu và ma túy.
Trong khi đó, gia đình Hsieh cho biết một số cộng sự, bao gồm cả Pham và Lee, đã lợi dụng tài chính của Hsieh trong thời điểm ông dễ bị tổn thương nhất. Gia đình Hsieh cáo buộc Pham, Grande và Lee "khuyến khích Hsieh theo đuổi một loạt khoản đầu tư bốc đồng" để biến Park City thành một thánh địa cho những người sáng tạo trong lúc triệu phú say ma túy và rượu.
Suzie Baleson, người đóng vai trò là Giám đốc kinh doanh của Hsieh tại Park City, đệ đơn yêu cầu hơn 8,7 triệu USD phí tư vấn phát triển một "lâu đài ma thuật" cho Hsieh khi còn sống. Theo Baleson, dự án này được triệu phú triển khai nhằm dành cho các buổi biểu diễn âm nhạc, không gian làm việc chung và khu vực dành cho ảo thuật và các buổi biểu diễn khác.
Mark Evensvold, một giám đốc dự án của Hsieh, cũng đệ đơn yêu cầu bồi thường 30 triệu USD dựa trên một thỏa thuận được ký trên một tờ giấy note khoảng ba tháng trước khi Hsieh qua đời. Khi đó, Hsieh đồng ý trả cho Evensvold 450.000 USD một năm để chuyển đến Park City làm Giám đốc dự án. Evensvold cho biết Hsieh cũng đồng ý chia cho ông 20% cổ phần trong một công ty kinh doanh nhà hàng ở Las Vegas. Evensvold nộp bản sao của tờ giấy note lên tòa án và nói đó là các điều khoản trong thỏa thuận của họ.

Triệu phú bán giày Tony Hsieh và bạn thân Mimi Pham. Ảnh: WSJ
Những tranh chấp tài sản của Hsieh đang được Tòa án tư pháp Eighth ở Las Vegas, bang Nevada - nơi Hsieh sống nhiều năm trước khi chuyển đến Park City - thụ lý. Hồi đầu năm, một thẩm phán ở Las Vegas để cha Hsieh - Richard và anh trai - Andy - làm đại diện pháp lý và quản lý các khu bất động sản của triệu phú sau khi gia đình nộp đơn tố một số bất động của Hsieh có thể bị bán tháo. Theo Wall Street Journal, có thể sẽ mất vài năm giải quyết tranh chấp tài sản của Hsieh.
Hsieh từ lâu nổi tiếng là người hào phóng về cả tiền bạc và thời gian dành cho bạn bè và cộng đồng. Ông trở thành triệu phú ở tuổi 24, sau khi bán công ty khởi nghiệp LinkExchange cho Microsoft với giá 265 triệu USD. Sau đó, Hsieh đầu tư vào công ty bán lẻ giày trực tuyến mới khởi nghiệp Zappos và đảm nhận vị trí CEO. Zappos đã được Amazon mua lại với giá 1,2 tỷ USD năm 2009.
Với một số người ở Las Vegas, Hsieh được coi như người hùng khi chuyển trụ sở của công ty công nghệ Zappos từ San Francisco - trung tâm công nghệ Mỹ - đến thành phố giải trí này. Hsieh cũng đầu tư hàng trăm triệu USD vào Las Vegas với mục tiêu hồi sinh sự hưng thịnh của thành phố này bằng cách thu hút các công ty khởi nghiệp công nghệ, mở trung tâm thương mại, nhà hàng. Ông đã giúp thành phố này thu hút lượng lớn người trẻ tuổi tài năng đến lập nghiệp.
Tuy nhiên, sau khi rời vị trí CEO Zappos tháng 8 và buộc phải cô lập do đại dịch, Hsieh bắt đầu uống rượu nhiều. Theo tài liệu tòa án, tại dinh thự ở Park city, Hsieh sử dụng ma túy, thở bằng oxit nitơ thông qua dụng cụ chuyên dụng để tạo hưng phấn và suy nghĩ ảo tưởng bản thân có thể giải bài toán cho hòa bình thế giới.

Cựu tổng thống Mỹ - Bill Clinton - và Tony Hsieh tại một sự kiện năm 2014. Ảnh: WSJ
Hsieh qua đời ở tuổi 46 do những vết thương trong một vụ cháy nhà ở thành phố New London, bang Connecticut xảy ra giữa tháng 11. Theo điều tra của cảnh sát, vụ cháy này không có dấu hiệu của tội phạm và dự đoán nguyên nhân gây ra do "sự bất cẩn hoặc một hành động cố ý của Hsieh".
Khi quá trình chứng thực các bằng chứng trong vụ tranh chấp tài sản của Hsieh giữa gia đình triệu phú và những người bạn, khối bất động sản khổng lồ của ông dần lộ diện. Hsieh có hơn 122 triệu USD bất động sản ở Nevada và Utah, hơn 400 triệu USD trong tài khoản Morgan Stanley. Một bản kiểm kê gần đây do Richard và Andy Hsieh đệ trình lên tòa án đã xác định giá trị tài sản là 523 triệu USD, trong đó có một số công ty của Hsieh chưa được định giá. Triệu phú chưa kết hôn và cũng không có con cái.
Sơn Nam (Theo Wall Street Journal)