Khoảng 20h ngày 9/10, người nhà ông Nguyễn Văn Khang (63 tuổi, xã Thanh Sơn, huyện Sơn Động, Bắc Giang) chạy sang báo tin ông tử vong lúc đi rừng. Họ nhờ trưởng thôn thông báo lên loa truyền thanh xã, nhờ bà con trợ giúp.
Đường rừng heo hút, từ bìa rừng vào đến hiện trường gần cả chục km, không thể đi xe, người làng phải cuốc bộ vào, khiêng cả hai em ra. Nạn nhân bị vết thương chí mạng ở đầu, gần như đã tử vong. Người em cũng ngất xỉu. Lúc ấy, chưa ai hiểu nội tình sự việc thế nào. Chỉ đến khi cảnh sát có mặt, tiến hành khám nghiệm pháp y rồi bắt thủ phạm đi, người làng mới biết ông Khang bị em trai mình là Nguyễn Văn Xanh (50 tuổi, cùng ngụ thôn Náng) vô tình bắn chết, vì tưởng nhầm là... thú.
Ông Nguyễn Văn Khang, phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, một người sống đức độ, hiền lành, được lòng bà con làng xóm. Thủ phạm Nguyễn Văn Xanh cũng rất hiền lành, chưa bao giờ có điều tiếng, cãi vã với ai. Họ là anh em ruột, sống cùng thôn, thường xuyên qua lại, giúp đỡ, đùm bọc nhau.
Kinh tế gia đình người em khó khăn hơn, bởi vợ bị bệnh hiểm nghèo, trong 4 người con thì có một người thần kinh không ổn định. Người em thường xuyên phải đi rừng lấy nhựa cây trám để bán nhưng vẫn không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình. Vì thế, những lúc thiếu thốn, người em vẫn sang vay mượn của anh trai. Ông Khang là cựu chiến binh, có lương hưu, gia cảnh phần nào khá hơn em mình. Thương em vất vả, ông không quản ngại, chia ngọt sẻ bùi, lúc vài chục cân gạo, khi củ khoai củ sắn.
"Nói thật, trong thôn này, tôi chưa thấy anh em nhà nào thương nhau như anh em nhà ông Khang, có cái gì ngon họ đều san sẻ với nhau. Tuy nghèo nhưng cả hai sống hiền lành, chăm chỉ làm ăn, vẫn thường qua lại nhà nhau, thấy việc gì là xắn tay làm giúp”, ông trưởng thôn Nguyễn Văn Thìn xúc động bắt đầu câu chuyện.

Ông trưởng thôn vẫn ngỡ ngàng dù sự việc đã xảy ra nhiều ngày.
Theo người nhà, nạn nhân đã từ lâu không còn đi săn bắn, phần vì tuổi già, phần vì trong rừng bây giờ cũng hiếm thú để săn. Buổi chiều định mệnh, hai anh em đang ngồi trò chuyện, người em bỗng nói: "Em thấy dạo này trên rừng có nhiều sóc, cầy. Hay anh em mình đi bắn vài con về uống rượu cho vui" nên người anh đồng ý ngay. Hai anh em rủ thêm hai trai làng, chuẩn bị súng kíp rồi tiến vào rừng. Cuộc đi săn bắt đầu khi trời đã nhá nhem, ở trong rừng lại càng hun hút tối.
Hai trai làng đi cùng trong cuộc săn định mệnh nhớ lại, do đã lâu không đi săn, lúc đầu, ông Khang đi lại khá gượng gạo. Sau nhờ có sự hướng dẫn tận tình của người em, ông cũng dần bắt nhịp lại. Bấy giờ, 4 người chia ra 4 hướng, dặn nhau rằng có việc gì thì hú to lên làm hiệu để mọi người tiếp ứng. Màn đêm tĩnh mịch, khu rừng từ lâu đã vắng muông thú do việc săn bắt quá nhiều, cộng với việc khai thác mỏ than gần đó, thú rừng sợ hãi đã bỏ chạy hết. Tuy thế, vốn thường xuyên vào lấy nhựa trám, người em vẫn thoăn thoắt lần rừng, tìm mồi.
Theo lời khai ban đầu của thủ phạm tại cơ quan điều tra, lúc đó, ánh sáng đèn pin cài trên mũ đi rừng bỗng quét ngang một bụi rậm. Ông Xanh nhìn thấy một con thú lớn, hình thù rất lạ. Theo phản xạ nhanh nhẹn của một người thợ săn, ông Xanh nổ súng ngay khiến "con thú" gục xuống.
Khi tiến lại kiểm tra, ông mới kinh hoàng nhận ra vừa bắn vào chính anh mình. Nhìn vết thương trên đầu anh trai máu tuôn không ngớt, ông Xanh ngất lịm tại chỗ. Nghe tiếng súng nổ, hai thanh niên đi cùng vội tìm đến. Nhận ra sự việc đau lòng, một người ở lại trông coi, người còn lại ra bìa rừng gọi điện báo tin cho người thân nạn nhân.
Khi dân làng cắt rừng vào đưa xác nạn nhân về, họ cũng phải cõng cả thủ phạm. Người em ngất lên ngất xuống, gương mặt đờ đẫn, miệng cứ lẩm bẩm gọi: “Anh ơi, em bắn nhầm”. Sau đó, khi được cảnh sát đưa trở lại hiện trường án mạng, người em làm theo đúng trình tự những gì đã khai.
Một người dân cũng thạo nghề săn nhận định: “Ông ta nói nhìn thấy bóng một con thú to lớn và bắn ngay không suy nghĩ, tính toán. Đúng là với những người thạo rừng như anh em họ, sự nhầm lẫn này rất khó giải thích. Nhưng có lẽ đã lâu không đi săn, nhìn thấy bóng đen tưởng là thú thì giật mình, siết cò, giống như phản xạ chứ không có chủ đích".
Người dân địa phương cho rằng sự nhầm lẫn của thủ phạm giống như bị "ma làm". Một người hàng xóm cho biết: “27 năm trước, cũng trong rừng này, anh trai ông Khang đã bị người em họ bắn chết vì nhầm tưởng là thú. “Cái dớp” đó bây giờ lại đeo bám gia đình họ nên mới xảy ra bi kịch này. Anh chết, em đi tù, đều do lỗi vô tình, quả thực quá đau lòng”.
Tuy nhiên, theo phán đoán của một cán bộ điều tra, sự nhầm lẫn của thủ phạm hoàn toàn không khó hiểu. Những thợ săn ban đêm đều đội một loại mũ chuyên dụng, có gắn đèn pin trên vành mũ. Chiếc đèn này có hai mục đích, thứ nhất là để soi đường; quan trọng hơn, ánh sáng còn để muông thú "bắt đèn". Thuật ngữ này chỉ việc cặp mắt muông thú trong bóng đêm thường sáng xanh và bị hút theo ánh đèn. Người thợ săn thiện xạ, một khi con mồi "bắt đèn", sẽ lập tức nổ súng thẳng vào khoảng giữa hai con mắt đó.
"Trong vụ việc đáng tiếc kể trên, có thể hai ánh đèn trên mũ của hai người quét vào nhau. Do đã lâu không đi săn, thủ phạm nhầm tưởng ánh đèn trên mũ người anh là mắt thú "bắt đèn", để rồi siết cò súng lấy mạng anh trong oan khuất", vị cán bộ điều tra cho biết.
Sự việc đã sáng tỏ, người em đã thú nhận tội lỗi của mình. Công an huyện Sơn Động đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Xanh về tội Vô ý làm chết người. Khi bị cảnh sát dẫn giải, thủ phạm quỳ sụp xuống, khóc to, kêu tên người anh trai khốn khổ.
Theo Pháp Luật Thời Đại