Trong đợt giãn cách xã hội lần này của TP HCM, vợ chồng Hoàng Bách - Thanh Thảo đã bớt bỡ ngỡ hơn năm ngoái nhưng bắt đầu gặp khó khăn vì nguồn thu bị ảnh hưởng. Do vậy, cặp vợ chồng đã có những cách riêng để thắt chặt chi tiêu, dạy các con về tư duy tiết kiệm. Ngoisao.net đã có cuộc phỏng vấn với Thanh Thảo về chuyện chi tiêu của gia đình chị trong mùa dịch.
- Kể từ khi TP HCM thực hiện giãn cách xã hội, một ngày của anh chị và ba con diễn ra với những hoạt động gì?
- Đây là lần giãn cách thứ hai của thành phố nên tất cả mọi người trong gia đình tôi không còn bỡ ngỡ nữa mà trong tư thế sẵn sàng tự tìm niềm vui cho mình. Một ngày của cả nhà bắt đầu từ 8h, cùng ăn sáng, uống cà phê, nói chuyện với nhau. Sau đó, ba anh em tự chơi cùng nhau còn bố mẹ tập gym.
Đến trưa, hai anh em lớn chuẩn bị bữa trưa cùng mẹ. Ăn trưa xong, bé Hip ngủ trưa, bé Meo xem phim hoặc vẽ tranh, Tê Giác đọc sách hoặc chơi game, bố mẹ về góc riêng làm việc.
Chiều, ba anh em cùng nhau bơi ở hồ bơi bằng phao do bố chuẩn bị, nấu ăn tối cùng nhau, cả nhà chơi cùng bé Hip.
21h, bé Hip đi ngủ, bố mẹ và hai anh chị có thể xem phim cùng nhau hoặc mỗi người có hoạt động riêng mà mình thích. Khi các con đi ngủ hết, hai bố mẹ sẽ dành thời gian cho nhau. Mỗi tuần, bố mẹ cho tụi nhỏ ra ngoài một lần để hít thở khí trời, đi bộ hoặc đạp xe đạp gần nhà. Chúng tôi muốn cho các bé quan sát mọi thứ để giảm bớt stress. Tất nhiên là lúc nào cả nhà cũng đeo khẩu trang cẩn thận.
- Chị muốn tranh thủ dạy con điều gì khi rảnh rỗi?
⁃ Thật ra tôi không tranh thủ dạy gì hết, vì dạy con là việc dạy hàng ngày và là cả một quá trình chứ không phải đợi thời gian rảnh, đối với nhà chúng tôi là thế. Vợ chồng tôi chỉ muốn làm những việc mà các con và mình cảm thấy vui vẻ nhất để không bị căng thẳng trong những ngày dịch.
Ví dụ như bọn nhỏ thích mẹ dạy nấu ăn, hoặc chỉ là ngồi bàn với nhau xem hôm nay mình ăn gì và chia việc cho nhau để làm. Điểm mà tôi thấy lạc quan trong lúc giãn cách xã hội là bọn nhỏ học được cách thích nghi với thực tế mà không phải là lời nói trên lý thuyết. Có một điều vui nữa là cả nhà hợp sức "xoá mù chữ" gồm bảng chữ cái, số đếm cho Út Hip một cách nhanh chóng.
- Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ cảm thấy khó thích nghi khi đáng ra đang đi làm bình thường nhưng giờ phải vừa ở nhà làm, vừa trông con. Vợ chồng chị có cách nào để bớt stress khi phải ở nhà quá nhiều và thay nhau trông các bé đang tuổi hiếu động?
- Nhà chúng tôi có những cách như sau để giải toả căng thẳng cho nhau: Tránh xem và nói về những điều tiêu cực để giảm bớt lo âu; tập thể dục để nâng cao sức khoẻ và tinh thần; có thời gian biểu cho việc sinh hoạt chung và riêng biệt của từng cá nhân; xem phim, nghe nhạc, đọc sách, uống trà cùng nhau; dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, trồng cây.
Riêng bọn trẻ mỗi ngày còn được chơi, vận động trong nhà để giải phóng năng lượng và căng thẳng. Khi bọn trẻ không căng thẳng quậy phá, bố mẹ sẽ rất khoẻ.
- Ngoài mặt tốt là được dành thời gian ở nhà nhiều với các con, dịch Covid-19 tác động không nhỏ tới nguồn thu của nhiều gia đình. Gia đình anh chị đã bị ảnh hưởng ra sao?
- Cả thế giới đang trải qua hai năm thật sự khó khăn, hầu hết tất cả các ngành nghề đều chịu áp lực rất nặng nề về mặt kinh tế. Gia đình tôi ngoài việc chịu ảnh hưởng lớn từ công việc biểu diễn của anh Bách thì việc kinh doanh của tôi đến đợt dịch này hoàn toàn ngưng trệ.
Tuy nhiên, may mắn là vợ chồng tôi có khoản tích lũy nên cuộc sống hầu như không bị xáo trộn nhiều. Ngoài ra, giai đoạn này anh Bách làm công việc sản xuất âm nhạc, có thể triển khai ngay tại nhà và online nên cũng có nguồn thu và không phải di chuyển ra ngoài nhiều. Bên cạnh đó, vợ chồng tôi cũng thống nhất cắt giảm những thứ thật sự không cần thiết vào thời điểm này, vì cũng chưa biết được khi nào cuộc sống quay trở lại bình thường.
Ví dụ như lúc chưa có dịch, nếu đến mùa xem bóng đá như hiện tại, anh Bách sẽ thay thế mọi thiết bị điện tử trong nhà thành loại tốt nhất để phục vụ đam mê bóng đá của mình, nhưng giờ anh có sự chọn lọc, còn tôi cũng cắt giảm thói quen mua sắm linh tinh của phụ nữ.
Vợ chồng tôi cũng không đến mức phải "thắt lưng buộc bụng" nhưng đây là cơ hội rất tốt để có thể dạy con nhỏ về thực tế và hiểu sâu, hiểu kỹ về lý do tại sao phải có tích luỹ cho những trường hợp cấp thiết có thể xảy ra mà chúng ta không lường trước được như thế này. Lúc này cũng là một bài học lớn về sự sẻ chia, trách nhiệm của từng cá nhân cho xã hội. Tôi hay lấy những ví dụ về bản thân mình và chồng cho bọn nhỏ hiểu cụ thể, thực tế hơn.
Ví dụ như bố hoặc mẹ có thể dùng số tiền này để sử dụng riêng cho mình hoặc cho gia đình, nhưng lúc như thế này, bố mẹ thấy nếu có thể giúp được ít nhiều cho xã hội thì nên chia sẻ nó đến nơi đang cần nhất. Chúng tôi có cùng quan điểm dùng phần tài chính có thể của mình để chia sẻ một chút khó khăn với xã hội hiện tại thì tốt hơn là dùng vào những việc không có ích, và các con sẽ có những bài học thực tế để sống không chỉ là biết riêng mình.
- Khi biết gia đình gặp khó khăn kinh tế, hai con lớn của anh chị đã có phản ứng như thế nào?
- Vợ chồng tôi thống nhất là luôn chia sẻ chân thành với mọi người trong gia đình. Các con của chúng tôi luôn biết điều kiện kinh tế và khả năng chi tiêu của gia đình trong từng thời điểm, lúc thành công cũng như lúc khó khăn của cả nhà.
Tê Giác (con trai lớn của vợ chồng Hoàng Bách - PV) bây giờ đã nắm rõ những chi phí cơ bản của gia đình trong từng tháng. Cậu còn bắt đầu nhận trách nhiệm kiểm tra, tổng hợp hóa đơn và báo lịch định kỳ tất cả các tiền phí trong gia đình cho bố mẹ. Thế nên chuyện cũng rất bình thường khi cậu ấy tự biết tiết kiệm tiền điện, ví dụ như không sử dụng máy lạnh vào ban ngày khi ở trong phòng riêng.
Kể cả việc chi phí học hành, sinh hoạt của các con, đến lúc thích hợp, tôi và anh Bách cùng chia sẻ cho các con nắm được. Cũng như mọi người thấy, con nhỏ của chúng tôi cũng tham gia vào công việc quảng cáo cùng với bố mẹ. Chúng tôi xem con là cộng sự của mình nên luôn trao đổi và hỏi qua ý kiến của con, phân tích cho con những mặt tích cực của công việc mà con tham gia và sau khi con tham gia con sẽ được trả quyền lợi gì nên bọn nhỏ rất hứng thú để làm việc cùng bố mẹ.
Chính vì cách chia sẻ mọi việc với nhau nên các con luôn nghĩ mình đều có trách nhiệm trong gia đình. Có những chuyện làm cho tôi với anh Bách rất vui vì nghĩ mình đang đi đúng hướng trong cách dạy bọn nhỏ. Ví dụ vào buổi tối, Meo vào phòng nằm nói chuyện cùng tôi. Meo chưa biết nhiều về chuyện tiền bạc nhưng Meo đã biết hỏi mẹ: "Mẹ ơi, gia đình mình có phải là người giàu không? Và tài khoản của mẹ có bao nhiêu tiền?". Tôi hỏi lại con: "Tại sao Meo lại cần biết điều này?". Meo bảo: "Con thấy bố mẹ lâu lắm không đi ra ngoài làm như bình thường thì phải có tiền trong tài khoản để mua đồ ăn cho nhà mình chứ? Mà nếu bố mẹ hết tiền, bố mẹ cứ dùng tiền lì xì con gửi mẹ đi nha vì con đâu cần làm gì đâu". Hôm sau con còn nhắc luôn anh Tê Giác là nên chuyển tiền tiết kiệm cho bố mẹ nếu bố mẹ cần.
Qua câu chuyện đó, tôi và anh Bách cảm thấy rất vui và cũng yên tâm một phần vì nếu có thay đổi gì quá lớn trong cuộc sống, bằng cách chia sẻ hàng ngày, các con cũng rất dễ thích nghi và chấp nhận thực tế mình đang có và cùng nhau chung tay xử lý.
- TP HCM vẫn quyết định tiếp tục giãn cách đến hết 29/6. Gia đình chị dự định sẽ làm gì cho tới lúc đó?
- Gia đình tôi vẫn sẽ tuân thủ theo chỉ thị của cơ quan chức năng, giữ cho gia đình và các con ở cuộc sống ổn định nhất có thể. Nếu có thể giúp được gì thêm cho cộng đồng và xã hội thì gia đình tôi luôn sẵn sàng. Gia đình Bách - Thảo chúc mọi người nhiều sức khoẻ và vững tin, cùng nhau vượt qua đại dịch này một cách an toàn nhất.
Hằng Trần thực hiện