6h30, chị Nguyễn Thị Hồng (33 tuổi, trú tại thôn Phú Hạng, xã Tân Phú, huyện Quốc Oai) gọi 7 con dậy chuẩn bị học online lúc 7h. Vệ sinh cá nhân xong, ăn vội gói mỳ, ba cô con gái lớn của chị Hồng vào phòng đóng cửa, bật điện thoại kết nối internet bắt đầu buổi học. Ngồi trong căn phòng 10 m2, chen chúc trên chiếc bàn dài hơn một mét, ba cô bé cố ghé sát vào điện thoại nghe thầy cô giảng bài.
Bên ngoài, chị Hồng nhắc hai bé lớp 2 và lớp 4 ăn nhanh để kịp chạy sang nhà bạn kế bên học nhờ. Còn lại, bé trai lớp 3 và con gái út ngồi chơi giữa nhà vì chẳng có điện thoại hay bạn gần nhà để học nhờ.

Ba con gái lớn của chị Hồng ngồi học online.
Chị Hồng lấy chồng năm 18 tuổi, sinh được 8 con, một bé không may mất khi mới 22 ngày. Còn lại 7 con, đứa lớn đang học lớp 10 tại một trường cao đẳng dạy nghề ở trung tâm Hà Nội, bé út năm nay 4 tuổi. "Cháu học online nhỏ nhất là lớp 2, rồi đến lớp 3, 4, 7, 9, 10. Bé út 4 tuổi năm ngoái đi mẫu giáo, năm nay dịch bệnh nên ở nhà", chị Hồng vừa cho bé út ăn vừa kể.
Mọi năm vào đầu năm học, chị Hồng chỉ có thể đóng trước cho mỗi con nửa tiền học phí, còn lại xin nhà trường trả sau. Nhưng thường gần hết năm học, anh chị mới có thể hoàn tất. Nhiều trường hiểu hoàn cảnh còn chiếu cố nhưng có nơi thi thoảng gọi điện giục anh chị đóng tiền. Năm nay, ngoài chuyện học phí, mua sắm sách vở, quần áo cho các con, chị Hồng đối mặt nỗi lo khác khi 6 con cùng học online.
Ngày 2/9, trường học của các con lần lượt thông báo phụ huynh sắm điện thoại, máy tính kết nối internet để các con bắt đầu học online từ 6/9. Tuy nhiên, do hoàn cảnh khó khăn, lại thêm việc hai vợ chồng chị Hồng không thể đi làm vì dịch Covid-19 nên đến ngày con học, thiết bị chưa có đủ.
"Nhà có 2 điện thoại của vợ chồng. Thầy hiệu trưởng trường THCS Tân Phú biết hoàn cảnh đẻ đông con nên vào đầu năm học mới đã nhờ bác bảo vệ mang cho vợ chồng tôi mượn thêm một chiếc điện thoại thông minh cho các con học", chị Hồng cho hay.

Nhà có 6 con cần học online nhưng chị Hồng chỉ có 3 chiếc điện thoại.
Ba chiếc điện thoại được dành con lớp 7, 9 và 10 học online tại nhà, hai con lớp 2 và 4 sang học nhờ bạn hàng xóm, còn con lớp 3 tranh thủ online học vào giờ nghỉ của các chị. "Nó gần như không được học", chị Hồng nghẹn ngào nói về con học lớp 3 và cho biết việc thiếu thiết bị ảnh hưởng lớn đến quá trình học, nhưng do hoàn cảnh quá khó khăn, vợ chồng chị không thể làm gì hơn.
Trước khi có dịch Covid-19, chồng chị Hồng làm xây dựng cho nhà dân xung quanh, còn chị đi thầu sơn tại quận Hoàng Mai (Hà Nội). Thu nhập của hai người chỉ đủ trang trải cho 9 miệng ăn. Khi dịch bùng phát, công việc hai vợ chồng đình trệ, cuộc sống lâm vào bế tắc. Nghỉ làm, không có tiền nhưng việc ăn uống, học hành của các con vẫn phải chi trả. Trung bình một ngày ăn của 9 người khoảng 200.000 đồng, thêm việc học hành của con, ma chay, đình đám, bệnh tật... dè sẻn thì mỗi tháng gia đình chị cũng hết 10 triệu đồng.

Bé trai lớp 3 chỉ được học ké khi các chị ra chơi.
"10 triệu đồng là số tiền lớn với người làm công như vợ chồng tôi. Nhà đông con, được đồng nào hết đồng ấy, chẳng có của ăn, của để. Dịch đến như dồn chúng tôi vào đường cùng, vay mượn khắp nơi chỉ để có bữa ăn, chứ nói gì đến mua điện thoại cho con học", chị Hồng chia sẻ.
Sinh đông con, nhiều lúc vợ chồng chị phải chịu lời đàm tiếu: "Nhà nghèo đẻ lắm thế, lấy tiền đâu mà nuôi", nhưng anh chị bỏ ngoài tai và không ngừng cố gắng để lo cho con khôn lớn, trưởng thành. Chị Hồng quan niệm, con cái là của trời cho, nhiều người ước mong còn không được. "Cách đây 4-5 năm thì vất vả không nói hết bằng lời, đẻ đứa út năm 2017, được 14 ngày tôi phải giấu chuyện mới sinh, ra quận Nam Từ Liêm làm phụ sơn cho công trình. Lúc ấy thật sự không làm thì chẳng có gì mà ăn. Nay 4 con gái đã lớn, phụ giúp được bố mẹ. Buổi sáng, con cả dậy sớm lo cơm cho cả gia đình, ba bé kế tiếp gọi các em dậy ăn sáng, đánh răng, rửa mặt. Nếu bố mẹ đi làm, về nhà đến bữa đã có cơm, canh", chị Hồng nói.

Căn nhà cấp 4 của vợ chồng chị Hồng và 7 người con.
Khó khăn chồng chất nhưng nhắc đến tương lai các con, chị nói đứa nào học giỏi, ham học thì dù có khổ đến mấy, vợ chồng cũng cố gắng lo cho cho con đến nơi đến chốn, còn không thì cho 7 con học hết cấp ba rồi kiếm ngành nghề phù hợp để làm.
Ông Nguyễn Công Thanh, Chủ tịch UBND xã Tân Phú cho biết tại địa phương, gia đình chị Nguyễn Thị Hồng thuộc diện hộ cận nghèo. Năm qua, gia đình chị được hưởng chính sách hỗ trợ người thất nghiệp vì Covid-19. "Các con của vợ chồng chị Hồng đi học cũng được nhà trường, giáo viên tạo điều kiện giúp đỡ. Mỗi khi chính quyền, các nhà hảo tâm có chính sách giúp đỡ người dân trong xã thì gia đình này đều được ưu tiên...", Chủ tịch UBND xã Tân Phú nói.
Nguyễn Ngoan