Khoảng 50 cổ phiếu giảm giá, trong đó có một loạt blue-chip giảm giá sàn như FPT (-25.000 đồng); REE, VNM (-6,000 đồng); SJS (-26.000 đồng). Số lượng cổ phiếu có dư mua bằng 0 cũng lên tới gần 50 mã.
Theo ghi nhận của VnExpress, nhiều nhà đầu tư có mặt tại các sàn giao dịch có cảm giác hụt hẫng khi thị trường đi xuống quá mạnh như vậy, dù họ đã được chuẩn bị tâm lý từ trước. Anh Nguyễn Thái Tâm đến đăng ký tham gia đấu giá cổ phần tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội, nhận được điện thoại của bạn báo giá cổ phiếu liền vội vã ra về. Anh kể: "Đặt lệnh bán 2.000 cổ phiếu FPT với giá trần 535.000 đồng, nay giá xuống 485.000 đồng mà chưa bán được nên phải quay về ngay để xem lại danh mục đầu tư".
Kẻ cười, người lo lắng khi giá cổ phiếu giảm mạnh. |
Sàn chứng khoán SSI, ACB và Bảo Việt đều đông nghịt nhà đầu tư, trong đó có rất nhiều gương mặt trẻ, và không mấy ai trong số họ tỏ ra quá thất vọng. Kiên, một nhà đầu tư trẻ tại sàn Bảo Việt cho rằng chợ chứng khoán nay đã khác xa so với trước cả về quy mô niêm yết lẫn trình độ nhà đầu tư. Có phiên cổ phiếu của một công ty bất động sản giảm sàn, nhà đầu tư nước ngoài mua vào tới 75% giá trị khớp lệnh cả phiên. Điều này cho thấy cổ phiếu của doanh nghiệp VN vẫn rất hấp dẫn.
Bác Phượng, nhà đầu tư sàn ACB cho rằng một số cổ phiếu blue-chip như FPT, SJS, VNM, SAM đã tăng quá nóng, điều chỉnh giảm là tất yếu. Bác lấy ví dụ không một nhà đầu tư cá nhân nào tại sàn ACB đoán được rằng cổ phiếu của Công ty nhà Thủ Đức chào sàn gấp 30 lần mệnh giá. Nếu dựa vào các phân tích kỹ thuật, bác chỉ dám đưa ra mức giá 190.000 đồng. Bám sàn từ những ngày thị trường chứng khoán mới hình thành, những nhà đầu tư như bác Phượng rành rọt khá nhiều thủ thuật làm giá của những tay phù thủy trên sàn. "Nhà đầu tư phải tỉnh táo, đặc biệt khi giảm giá sàn thì đừng cố đặt lệnh bán ra", bác cho ý kiến.
Nhà đầu tư Võ Minh Tâm (sàn BSC) chỉ theo dõi bảng giao dịch chứ không bán không mua. Anh định mua cổ phiếu FPT từ lâu nhưng nay lại lưỡng lự bởi lệnh bán nhiều mà mua ít. Cứ đà này, anh quyết định đến mai mới mua FPT. "Thị trường đang trong quá trình điều chỉnh nhưng tôi tin là nó khó xuống dốc mạnh như hồi tháng 4. Sau đợt điều chỉnh này có thể giá cổ phiếu sẽ tăng trưởng nữa", anh phán đoán.
Anh Phan Ngọc Hoan đang giữ khoảng vài nghìn cổ phiếu VNM cũng quyết định không bán ra với niềm tin cuối năm công ty chia cổ tức, phát hành cổ phiếu thưởng thông tin tốt hơn, hàng sẽ lên giá.
Một nhà đầu tư tại Trung tâm giao dịch chứng khoán TP HCM phán đoán giá cổ phiếu giảm mạnh có thể do tác động từ việc Thái Lan ban hành luật hạn chế nhà đầu tư nước ngoài. Anh muốn đặt lệnh mua cổ phiếu của Công ty Nhựa Bình Minh và FPT, nhưng giá cao quá.
Với một số công ty có cổ phiếu mới chào sàn, phiên tuột dốc mạnh khiến họ không mấy vui vẻ nhưng cũng không quá đỗi thất vọng. Phó tổng giám đốc Công ty Kim Khí TP HCM Mai Văn Bông cho biết cổ phiếu của công ty ông khớp với giá 40.000 đồng. "Thị trường trong những ngày này đang điều chỉnh, nếu doanh nghiệp có tiềm năng vẫn có sức bứt phá mạnh", vị giám đốc tin tưởng.
Anh Đặng Vĩnh Hùng, trưởng phòng kế hoạch của Công ty cổ phần Cảng rau quả cho hay cổ phiếu của công ty khớp 58.000 đồng, mức giá này chưa phản ánh đúng tiềm năng của công ty. Anh hy vọng trong mấy phiên tới giá sẽ lên dần.
Ở góc độ nhà tư vấn, Giám đốc Công ty chứng khoán HSC Nguyễn Hữu Nam cho rằng khi đặt bút ký lệnh đặt mua hay đặt bán chứng khoán, nhà đầu tư nên đưa ra ba cái hũ đựng tiền để phân tích. Hũ thứ nhất dành để những cổ phiếu với mục tiêu đầu tư dài hạn, đảm bảo an toàn, hũ thứ hai đựng cổ phiếu ngắn hạn, được thời cơ là bán, khi nhà đầu tư chuyên nghiệp hơn thì có thể tăng dần tỷ lệ này và hũ thứ ba là đựng tiền ăn học cho con cái hoặc để đảm bảo cuộc sống. Ông Nam cũng nhận xét hiện một số cổ phiếu đang ở thời đoạn cao, có một phần giá trị không thực.
(Theo VnExpress)