Nhà văn Nga Fiodor Dostoievski từng nói: "Thế giới được dựa trên những điều phi lí và không biết điều gì xảy ra nếu không có những điều phi lí ấy". Thực sự có thật như vậy không? Những điều phi lí lại là nguồn sống của cả thế giới này? Phải chăng những điều phi lí làm cho ta biết được cái gì là có lí. Không có trắng làm sao biết được đen, không có ban ngày thì ban đêm có ý nghĩa gì. Vậy nên hãy chấp nhận những điều phi lí và suy ngẫm, đừng cố hỏi nhiều làm gì.
"Giã biệt bóng tối" là một tác phẩm chất chứa nhiều sự phi lí và cả rất nhiều những mâu thuẫn trong cách đánh giá của người tiếp nhận. Chính Tạ Duy Anh từng mong muốn nếu kỷ yếu về cuộc toạ đàm ở viện Văn học hồi tháng 5 năm 2008 được in thì ông muốn nó mang tên "Bảy nỗi thất vọng về Giã biệt bóng tối". Tất nhiên để đánh giá một tác phẩm được tác giả thực sự dụng công thì không phải ngày một ngày hai mà cần thời gian, một thời gian đủ nhiều để người ta có thể nhìn lại, thấy được những điều được mất của tác phẩm.
Mỗi người đọc đều có quyền đánh giá tác phẩm bằng con mắt cảm quan của mình. Đặc biệt đối với những tác phẩm mới, lạ và khó đọc thì độc giả lại thực sự được tự do cảm nhận, đánh giá tác phẩm. Khi Giã biệt bóng tối ra đời nó cũng mang lại cho chúng ta một cuộc chơi. Cuộc chơi của những suy nghĩ, tình cảm và của ngôn từ. Đến tận hôm nay, tác phẩm vẫn còn được rất nhiều người quan tâm, theo dõi. Tuy nhiên, giá trị của nó vẫn còn là những dấu chấm hỏi liến tiếp mặc dù nó có được khen là "bản tụng ca say đắm về sức mạnh của lòng khoan dung và tha thứ", "chất chứa những trải nghiệm khổ đau" của tác giả.
Người ta nói "Lão Tạ kéo người đọc cuốn theo những hỉ, nộ, ái, ố của một cuộc sống mà Thượng đế cũng phát cuồng"... Với Giã biệt bóng tối, niềm hy vọng vào những gì tốt lành, thánh thiện; những gì xứng đáng được tồn tại dưới ánh mặt trời rất chắc chắn. Sự vững chắc ấy là kết quả của nhận thức cay đắng từ chính những trải nghiệm cuộc sống. Tác giả cảm nhận: "Tôi nhớ là mình đã nhẹ nhàng nằm xuống trong cái ý thức bóng tối đang tàn lụi. Tôi biết chắc như vậy không phải nhớ tiếng con gà nào đó sẽ cất tiếng gáy như mọi hôm mà nhờ vào tiếng bước chân xa dần của kẻ vẫn giấu mặt. Ông ta và dàn đồng ca của ông ta chẳng còn việc gì để làm khi cuộc sống chỉ còn lại lòng tha thứ, khi mỗi chúng tôi biết chắc chúng tôi là ai, trước mặt chúng tôi là gì và khi ánh sáng tràn đến...".
Với các tác phẩm như Lão Khổ, Đi tìm nhân vật, Thiên thần sám hối... Tạ Duy Anh được đánh giá là một trong những cây bút có nhiều đóng góp vào việc đổi mới tiểu thuyết Việt Nam từ sau 1986. Đã có cả những khoá luận tốt nghiệp viết về ông và tác phẩm của ông điều đó cũng đủ để cho ta thấy rằng văn chương của ông cũng thuộc loại "quý". Nhưng nói như thế không phải để chúng ta luôn khẳng định, luôn tung hô nhà văn, mà nói để biết rằng ông thực sự là một nhà văn đáng đọc trong văn đàn Việt Nam hiện nay. Hãy đọc Giã biệt bóng tối, tác phẩm và bình phẩm để hiểu hơn một nhà văn đang có gắng viết những tác phẩm văn chương thực sự.
Hạnh Lê
***
5 độc giả có comment chia sẻ suy nghĩ về bài viết trên hoặc các tác phẩm của Tạ Duy Anh ấn tượng và nhanh nhất sẽ được tặng một cuốn Giã biệt bóng tối của Tạ Duy Anh do Nhà sách Trí Tuệ tài trợ.