Trên con đường Trần Hưng Đạo nhộn nhịp giữa lòng thành phố, có một ngôi nhà cộng đồng yên ả nằm trên tầng 5 một khu tập thể cũ. Nơi đây được nam chủ nhân trang trí phong cách cổ điển, tông màu trầm với sách, các dụng cụ pha chế cà phê, có cả gian bếp nhỏ... để giới trẻ tìm tới trò chuyện và tham gia những hoạt động chung với nhau.

Trong không gian ấm áp của ngôi nhà cộng đồng, các bạn trẻ cùng nhau trò chuyện, uống cà phê, chơi cờ
9h sáng, Tuệ Anh, Hiểu Khánh (sinh viên), Bảo Lam (sinh viên) và Khánh Linh (giáo viên Tiếng Anh) lần lượt tới không gian cộng đồng. Họ tình cờ ngồi chung một chiếc bàn nhỏ, và trong không gian xinh xắn, phảng phất hương cà phê cùng tiếng nhạc rộn ràng, các câu chuyện của những người xa lạ lần đầu gặp nhau cứ thế được nối dài suốt 4 tiếng.
Tuê Anh cho biết, không gian cộng đồng ở bên Anh đã tồn tại từ lâu, nên cuối tuần mọi người thường tới đó vẽ tranh, làm đồ thủ công, rồi hẹn nhau đi ăn. Khi trở về nước, cô rất bất ngờ khi nơi mình sinh ra và lớn lên cũng đang dần dần tiếp nhận văn hoá phương Tây này.
Đối với Tuệ Anh, khi tiếp xúc với người lạ, lúc đầu theo phản xạ tự nhiên, cô sẽ hơi dè chừng bởi cô chưa biết gì về họ. Tuy nhiên, chính sự dè chừng đó cũng kích thích cô tò mò, háo hức. Không gian cộng đồng được trang trí không khác gì một ngôi nhà, giống như "mời bạn đến chơi nhà", giúp cô cảm thấy ấm áp ngỡ như đã quen lâu rồi. Vì thế, Tuệ Anh không mất quá nhiều thời gian để cô tự tin kết nối với mọi người.
Với Bảo Lam, trong khoảnh khắc, cô nhận ra rằng, không cần phải có sự kết nối sâu sắc, đôi khi một cuộc trò chuyện đơn giản với người lạ cũng đủ để làm mới lại tâm hồn, để nhìn thấy một phần khác của thế giới mà trước đây cô chưa từng chú ý. Những cuộc trò chuyện ngắn ngủi nhưng lại mở ra rất nhiều điều thú vị, những ý tưởng mới mẻ.
Hiểu Khánh, sinh viên năm cuối một trường Đại học ở Hà Nội, cho hay, cô tới với không gian cộng đồng mà không cần chuẩn bị gì nhiều, cô cứ đến với một tâm thế cởi mở, sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ với bất kỳ ai có duyên gặp gỡ.

Tuấn Hùng - Nguyễn Quang cùng nhau chơi cờ vua sau khi dành thời gian trò chuyện.
Cạnh chiếc bàn nhỏ của 4 cô gái là hai chàng trai Tuấn Hùng và Nguyễn Quang. Cả Hùng và Quang lần đầu tiên gặp gỡ ở không gian cộng đồng này, tuy nhiên sau một ít thời gian, hai bạn như thân quen và cởi mở hơn, cùng nhau đánh cờ vua rất vui vẻ.
Tuấn Hùng nói, anh chưa từng tiếp xúc với môi trường như ở đây, nhận thấy hoạt động nấu ăn, trò chuyện, uống cà phê, cùng nhau chơi cờ vua hay đọc sách với người lạ... hoàn toàn mới mẻ, và hấp dẫn. Anh chắc chắn sẽ trở lại và tham gia các hoạt động tiếp theo.
Nguyễn Phương Linh, học sinh lớp 12 ở Bắc Giang, cho biết chị gái Nguyễn Phương Thuỳ, làm makeup ở Hà Nội, đã tới không gian cộng đồng này nhiều lần. Linh nói, cứ cuối tuần cô lại lên thăm chị, tuỳ theo hoạt động mà mỗi lần tới đây Linh đều gặp những người khác nhau. Như hôm nay, Linh trò chuyện cùng hai người bạn đến từ Đức. Qua tương tác, Linh nói tiếng Anh tự tin hơn, trôi chảy hơn. Điều này rất có lợi cho việc học tiếng Anh của Linh hiện tại.

Hoạt động nấu ăn được nhiều bạn trẻ yêu thích tại Không gian cộng đồng
Trần Di, người đồng sáng lập các hoạt động cộng đồng (Airy Space) này, cho biết, năm 2022 xuất phát từ mong muốn cá nhân là được trò chuyện và kết nối với mọi người nên anh đã bắt đầu từ chính phòng khách của mình để mọi người đến cùng nhau xem phim, nấu ăn. Sau đó, các hoạt động trở nên phong phú hơn như chơi nhạc, uống cà phê, làm đồ handmade, khiêu vũ... Mỗi tháng sẽ có 4-6 sự kiện, thường vào cuối tuần.
"Mình cảm thấy rất vui vì đã làm được một điều gì đó đặc biệt cho cộng đồng các bạn trẻ tại Hà Nội, dù có thể không lớn. Giữa thời đại mà chúng ta bị cuốn vào công việc và thiết bị điện tử, điều tuyệt vời nhất là hiện thực hóa được mong muốn của mình: nhìn thấy mọi người vui vẻ, kết nối với nhau và có thêm những người bạn mới", Trần Di nói.

Chuyên gia Tâm lý học Ánh Đặng
Theo chuyên gia tâm lý Ánh Đặng, mô hình nhà cộng đồng rất thú vị và hay, bởi lẽ con người là sinh vật của xã hội nên họ có nhu cầu giao tiếp trực tiếp nhằm kết nối với cộng đồng. Qua việc kết nối đó, họ có thể tìm kiếm được những người bạn tâm giao, ở bất kỳ độ tuổi nào, cho họ cảm giác thuộc về.
"Chúng ta luôn luôn có xu hướng đi tìm như vậy. Cảm giác được thuộc về không chỉ là cảm giác thuộc về người thân trong gia đình, hoặc những bạn bè từ thuở ấu thơ... Tuy nhiên, không phải ai cũng có được may mắn đó. Cho nên người ta có xu hướng đi tìm và kết nối với những mối quan hệ bên ngoài", nhà tâm lý học nói.
Chị Ánh Đặng giải thích xã hội ngày nay, nhiều người gặp nhau nhưng trên tay vẫn luôn cầm điện thoại. Ngay trong gia đình cũng vậy, bố mẹ, anh chị em ai cũng có điện thoại riêng, thậm chí ngay trong một nhà thôi nhưng người ở tầng trên gọi điện cho người tầng dưới hoặc ngược lại.
Vì thế, khi giới trẻ được giao tiếp trực tiếp nhìn vào mắt nhau, ngồi gần nhau, hormone hạnh phúc trong cơ thể cũng tăng tiết, tăng cảm giác kết nối, giảm bớt cảm giác cô đơn. Từ đó họ sẽ có xu hướng lựa chọn những thú vui lành mạnh trong cuộc sống, phát triển đam mê, sở thích cá nhân, đàm đạo, trò chuyện với nhau về những vấn đề cùng quan tâm