Công ty Hữu Nghị Đà Nẵng là doanh nghiệp nhà nước, hoạt động đã hơn 14 năm nhưng không có mấy ngày lãi. Công nhân phải nhận một đồng lương còm cõi nhưng Ban Giám đốc sống không kém gì các đại gia.
Năm 1992, UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) sáp nhập ba Công ty thuộc ngành dệt, may của địa phương thành một và lấy tên là Công ty Hữu Nghị Đà Nẵng. Tổng vốn được cấp (trong nhiều năm) cho hoạt động là 25 tỷ đồng.
Do là một trong những cơ sở sản xuất có số công nhân có lúc lên đến hơn 3.000 người nên địa phương gần như dành hết sự ưu đãi về cơ sở hạ tầng cũng như vốn liếng cho đơn vị.
Đến nay từ cái gốc là dệt may, Công ty Hữu Nghị chuyển đổi hoàn toàn sang sản xuất, gia công giày thể thao các loại và chủ yếu là xuất khẩu. Với con số 99% sản lượng hàng hoá xuất khẩu, với giá trị kim ngạch 2-3 triệu USD một năm được báo cáo, trong tổng kết hoạt động năm 2004, ngành công nghiệp Đà Nẵng vẫn lạc quan rằng: Công ty Hữu Nghị "có mức tăng trưởng cao liên tục trong nhiều năm và có hướng phát triển tốt".
Nhận định này căn cứ trên báo cáo "năm nào cũng có lợi nhuận" do đơn vị vẽ ra. Cũng vì lẽ này, dù tại đây liên tục xảy ra tình trạng công nhân phản ứng tập thể nhưng hầu như ít làm các cấp chính quyền quan tâm. Lần đình công xảy ra gần đây nhất vào tháng 12/2004 của hơn 500 công nhân của Xí nghiệp 2 - sản xuất giày thể thao. Nguyên nhân của vụ đình công là: lương công nhân có tháng chỉ còn 400.000 đồng; thời gian làm việc có thời điểm kéo dài 12 giờ một ngày...
Cả tin với những bản thành tích được tô vẽ, tháng 5/2005, UBND TP Đà Nẵng đã điều động Giám đốc Công ty Nguyễn Lương Đình lên đảm trách chức vụ Phó GĐ Sở Công nghiệp.
Oái oăm thay, khi GĐ Nguyễn Lương Đình bước ra khỏi Công ty để lên giữ một chức trách cao hơn, thì mọi việc mới bục vỡ. Kiểm toán nhà nước phát hiện, tổng số tiền lỗ khó có khả năng khôi phục của Công ty đến thời điểm tháng 7/2005 là hơn 51 tỷ đồng, nợ các ngân hàng khoảng 180 tỷ.
Sở Công nghiệp Đà Nẵng cho biết, phần lớn số nợ này nằm trong sản phẩm tồn kho, nhưng lại... không có trong kho. Ngoài ra, một phần lớn nằm ở các chi phí, được giấu trong các tài khoản, không hạch toán vào giá thành, vì vậy mỗi năm Công ty cứ đều đều báo "có lãi".
Ông Nguyễn Hồng Sơn, GĐ Công ty Hữu Nghị (nguyên Phó GĐ Công ty, thay ông Đình) lý giải, nguyên nhân lỗ nặng là do "điểm xuất phát thấp", Công ty phải chi phí lớn để xây dựng thương hiệu, xây dựng các mối làm ăn...; đồng thời xăng dầu lên giá, vật tư, nguyên liệu... cũng đua nhau lên, nên Công ty không thể cạnh tranh nổi về giá thành...
Phải chăng đó là chỉ là nguyên cớ, vì ngân sách thành phố trong nhiều năm qua đã cấp cho Công ty một nguồn vốn không hề nhỏ (hơn 25 tỷ đồng), và hơn hết, chuyện vật tư xăng dầu, nguyên vật liệu cũng chỉ mới biến động trong những tháng cuối năm 2005.
Một nguồn tin từ cơ quan chủ quản của Công ty nhận định, gốc của "vấn đề" là chi phí của đơn vị quá lớn, trong đó có những chuyến đi nước ngoài của Ban giám đốc và mối quan hệ làm ăn giữa Công ty với các Công ty TNHH vệ tinh bên ngoài, người trong gia đình của Ban GĐ đứng ra thành lập.
Trả lời câu hỏi về các "Công ty gia đình" vệ tinh chuyên cung cấp nguyên liệu, thiết bị cho đơn vị, GĐ Nguyễn Hồng Sơn cho rằng: " Theo tôi (nếu có) cũng là tốt thôi, có như vậy thì mới có niềm tin mà làm..., thị trường nó có giá hết rồi, nếu ta làm cao thì không được, nếu như họ ở Đà Nẵng thì tốt hơn Sài Gòn".
Có nhiều đơn thư của công nhân lao động đã gửi đến các cấp lãnh đạo Đà Nẵng, tố cáo một số biểu hiện sai trái hiện nay của Ban GĐ Công ty Hữu Nghị, trong đó có phản ánh mối quan hệ bất minh với các "Công ty gia đình"... Dư luận thực hư chưa rõ, nhưng ngân sách nhà nước mất 51 tỉ đồng và những người góp phần làm ra sự mất mát đó hiện vẫn giữ chức vụ quan trọng hơn, là chuyện có thật.
Sau hơn 7 tháng phát hiện của Kiểm toán Nhà nước, vụ việc "bầy hầy" ở Công ty Hữu Nghị có xu hướng chìm vào quên lãng.
(Theo Lao Động)