Phóng viên gặp Tiến khi anh đang làm tại một quán cà phê ở phố Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Anh chạy tất bật vì giờ cao điểm, khách tới quán ăn, uống, nghe nhạc đông đúc. Dù mới 19 tuổi nhưng anh được chủ quán tin tưởng phân công làm tổ trưởng nhóm phục vụ bàn.
Tiến cởi mở và không ngần ngại khi người đối diện hỏi đến chuyện anh từng đi trường giáo dưỡng bởi không ít người dè dặt nếu được hỏi về quá khứ không mấy “sạch sẽ”. Họ bảo, cái gì đã qua thì cứ để nằm im trong trí nhớ, không muốn khơi dậy. Nhưng với Tiến, “ngày hôm qua” là chiếc gương để soi hàng ngày, để không quên, mà phấn đấu cho con đường tương lai của mình.
Dù không e dè khi nói về quãng thời gian trong trường giáo dưỡng số 1 nhưng Tiến vẫn chùng giọng, mặt cúi gằm, để kể lại câu chuyện của mình. Nhà Tiến ở dưới triền đê, cạnh sông Đuống. Cậu là con trai thứ hai, trên còn một người anh hơn 3 tuổi. Con út trong nhà nên Tiến được mọi người chiều chuộng. Chỉ duy nhất người bố là Tiến sợ. Mỗi lần cãi mẹ, chành chọe với anh, bố lừ mắt là Tiến ngồi im.
Trong khi các bạn đánh vật với nét chữ, con số, Tiến mặc kệ. Đến trường làng với cậu giống như cực hình. Nhiều lần không làm bài tập về nhà, cô giáo gửi thông báo về, cậu nhận những trận đòn roi lằn mông của bố. Biến cố xảy ra với gia đình Tiến năm cậu học lớp 3, bố bị bệnh qua đời. Lúc đó, không còn ai “lừ mắt” nữa, Tiến bỏ học và tụ tập đi chơi với đám trẻ cùng làng. Cậu chơi thân với đứa bạn tên Nam. Mặc cho mẹ bảo thế nào, cậu đi chơi cả ngày, đến bữa thì về ăn, rồi lại lượn lờ với Nam và đám bạn hư khác ở các quán điện tử.
Trẻ em phạm tội lao động trong trường giáo dưỡng ở Ninh Bình. |
Bất lực với đứa con hư, người mẹ chỉ biết khóc. Cuộc sống với những lo toan cơm áo, khiến bà cũng quên một phần nào quan tâm đến đứa con trai út. Bà phải bươn trải với đồng ruộng, nuôi con gà, con lợn, chạy chợ rau. Khác hẳn với Tiến, người anh trai thì hiền lành, học hành giỏi giang và luôn biết giúp đỡ mẹ. Ở cái thôn nghèo ven sông Đuống, người ta luôn so sánh Tiến với anh trai. Họ bảo nhau “sao ở đâu lại nảy lòi ra cái thằng bé như vậy chứ”.
“Lúc đó, em có nghe mọi người bảo cho em vào trường giáo dưỡng. Trẻ con không biết gì, em cứ nghĩ là bị đi tù nhưng em không sợ. Em và thằng Nam xác định ‘có nạn cùng hưởng”, Tiến nhớ lại. Ngoài tụ tập ở các quán net, Tiến và Nam thỉnh thoảng tham gia các cuộc ẩu đả với đám nhóc khác trong làng. Làng xóm dần xa lánh và cấm con cái chơi với “thằng mất dạy”. Tiến bỏ ngoài tai, vẫn lướt mạng, và khi không có tiền lại rủ Nam đi trộm vặt.
Năm 2004, Tiến và Nam bị bắt về tội trộm cắp. Lúc đó, cả hai đứa mới 12 tuổi nên bị đưa vào trường giáo dưỡng số 1, cách nhà hơn 30km, để cải tạo. Những ngày đầu bị đưa vào trong trường, nhiều đêm cậu không ngủ được, hoảng hốt, nhớ nhà và nhớ thời gian tự do bên ngoài. Mẹ ít khi lên thăm, còn anh trai thỉnh thoảng đi xe buýt vào trường với em. Bỏ học sớm và lêu lổng nhiều năm, khi hỏi tới mặt chữ, cậu gượng gạo nguệch ngoạc viết tên mình. Sau đó, cậu được đưa vào học lại từ lớp 1. Ngoài giờ lao động, học văn hóa, Tiến còn được học nghề sửa chữa xe máy.
Do thực hiện tốt các nội quy, Tiến được ra trường trước Nam. Lúc đó, cậu không muốn rời xa các bạn vì trong lần cảm, bị liệt nửa người, chính những đứa trẻ hư đó đã hết mình chăm sóc Tiến đến lúc lành bệnh. Năm 2006, Tiến về với mẹ và anh trai. Thời gian đầu, cậu bị trầm cảm vì hàng xóm luôn "dành" những ánh mắt thiếu thiện cảm cho một đứa trẻ hư như Tiến. Nhiều tối, cậu lên triền đê, để mặc cho gió sông tạt vào mặt, suy nghĩ liên miên, vừa thương mẹ, vừa hối hận.
Theo không nổi với nghề sửa chữa xe máy, cậu học nghề hàn. Được một thời gian, trong lúc làm, Tiến bị tai nạn ở mắt nên nghỉ hẳn. Khỏi mắt, cậu xin vào một xưởng nhựa thủ công nhưng cũng không gắn bó được lâu. Duyên đưa đẩy để Tiến đến với công việc ở quán cà phê. Ngoài giờ làm, Tiến theo các lớp học về kỹ năng sống của thày cô người Việt, và người nước ngoài dạy ở các trung tâm.
Trong câu chuyện không dứt, Tiến cho biết, dấu mốc lớn nhất trong thời gian ở trường là buổi học văn hóa của thày giáo Tuấn. Đến giờ đã 5 năm trôi qua, cậu luôn nhớ như in về buổi học về "trang giấy trắng và chấm đen". Thày bảo, cuộc đời con người ta như một tờ giấy trắng, dấu chấm đen là một xuất phát điểm, để từ đó con người ta muốn vẽ gì thì vẽ. Sau buổi học đó, cậu rút ra được bài học, mọi sự cũng tự mình mà ra, mình hành động ra sao thì sẽ nhận được nhân quả vậy. Mỗi người phải tự tạo cho mình một hướng đi, tránh rơi vào vết xe đổ của chính bản thân.
“Bây giờ anh trai em đang học đại học, còn em có hướng đi cho riêng mình. Em gắng theo công việc này và dành dụm tiền dần dần để có thể có một quán cà phê văn phòng của riêng em”, Tiến mơ ước.
* Tên nhân vật đã thay đổi
Việt Dũng