10 năm sau, con dâu bà Michiko - đương kim Hoàng hậu Masako - rút khỏi nghĩa vụ công để chống chọi với bệnh trầm cảm sau khi truyền thông liên tục đưa tin bà không sinh được con trai thừa kế. Đầu tháng này, Hoàng gia Nhật Bản tiết lộ cháu gái bà Michiko - Công chúa Mako, 30 tuổi - bị chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương ((Post-traumatic stress disorder - PTSD) vì công chúng liên tục phản đối cuộc hôn nhân của cô với bạn trai thời đại học Kei Komuro.
"Cô ấy cảm thấy như thể phẩm giá con người mình bị chà đạp. Cô ấy nghĩ mình như một người không có giá trị", bác sĩ tâm lý của Công chúa Mako nói trong cuộc họp báo đầu tháng 10.
Theo New York Times, dù làm dâu hay sinh ra trong gia đình Hoàng gia, những người phụ nữ hoàng tộc Nhật Bản không chỉ bị giới báo chí và công chúng giám sát gắt gao mà cả các quan chức Hoàng gia, những người quản lý cuộc sống hàng ngày của họ, theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất. Với việc Nhật hoàng và gia đình ông được coi là biểu tượng Nhật Bản truyền thống, phụ nữ Hoàng gia phải chịu tình trạng bất bình đẳng giới nặng nề hơn, nơi xu hướng bảo thủ trong xã hội vẫn thường định nghĩa phụ nữ bằng những nghĩa vụ cứng nhắc. Dù thành viên nữ Hoàng gia không đủ điều kiện ngồi ngai vàng, những lời chỉ trích họ nhận được có thể khắc nghiệt hơn so với những người đàn ông trong hoàng tộc - những người được bảo vệ một phần bởi sự gần gũi của họ với người kế vị.
"Ngoài làm việc với tư cách thành viên Hoàng gia, phụ nữ hoàng tộc phải duy trì phong cách thời trang đẹp và sau khi kết hôn, mục đích là phải sinh con", Rika Kayama, giáo sư kiêm bác sĩ tâm lý tại Đại học Rikkyo ở Tokyo, nói. "Mọi người sẽ hỏi: 'Bạn có đang là một người mẹ tốt không? Bạn với mẹ chồng có quan hệ tốt không? Bạn đang hỗ trợ chồng mình như thế nào?'. Vì vậy, nhiều công việc yêu cầu bạn phải được hoàn thành một cách hoàn hảo mà không gặp trở ngại. Tôi không nghĩ những người đàn ông trong gia đình Hoàng gia bị soi xét kỹ lưỡng như vậy".
Nhật Bản đang dần thay đổi, với hai phụ nữ ứng cử Thủ tướng trong cuộc bầu cử lãnh đạo gần đây. Một số tập đoàn đang nỗ lực nâng cao vị thế lãnh đạo của phụ nữ trên thương trường hơn. Nhưng trên nhiều phương diện, xã hội Nhật Bản vẫn đối xử với phụ nữ như "những công dân hạng hai". Các cặp vợ chồng đã kết hôn không được phép có họ riêng biệt, trên thực tế, hầu hết phụ nữ lấy họ chồng. Đại diện là phụ nữ trong quản lý, Quốc hội và tại các trường đại học danh tiếng của đất nước này cũng còn rất ít.
Những phụ nữ phản đối sự đối xử bất công hoặc ủng hộ quyền bình đẳng giới thường bị chỉ trích vì đứng ngoài ranh giới. Những lời chỉ trích dành cho Công chúa Mako về cuộc hôn nhân do chính cô lựa chọn dường như lặp lại cách đối xử với những phụ nữ đã lên tiếng về việc tấn công tình dục hoặc thậm chí các quy tắc tại nơi làm việc về việc đi giày cao gót.
Trong gia đình Hoàng gia, những người phụ nữ được kỳ vọng tuân thủ các giá trị của thời đại trước đó. Mihoko Suzuki, giám đốc sáng lập của Trung tâm Nhân văn tại Đại học Miami, người viết về phụ nữ trong các chế độ quân chủ, cho biết: "Có ý kiến cho rằng gia đình Hoàng gia là loại vượt thời gian và họ không phải một phần của xã hội hiện đại. Những người theo chủ nghĩa truyền thống muốn đưa ra ý tưởng lâu đời hơn, thoải mái hơn, ổn định hơn về vai trò giới vào gia đình Hoàng gia".
Sau Thế chiến thứ hai, Nhật hoàng được xem là biểu tượng của nhân dân và không có thực quyền. Theo nhiều cách, ba thế hệ phụ nữ Hoàng gia phản ánh sự phát triển của Nhật Bản trong nhiều thập kỷ kể từ đó. Khi đất nước trút bỏ xiềng xích của lịch sử thời chiến, Michiko trở thành thường dân đầu tiên trong nhiều thế kỷ kết hôn với người thừa kế ngai vàng. Thay vì giao các con mình cho các quan chức Hoàng gia nuôi dưỡng, bà lựa chọn tự mình chăm sóc chúng.
Cùng chồng Nhật hoàng Akihito trong các chuyến công du trong và ngoài nước, bà Michiko mang lại cảm giác gần gũi cho công chúng về gia đình Hoàng gia vốn tách biệt với thường dân bằng cách quỳ xuống để nói chuyện với các nạn nhân trong các thảm họa và những người khuyết tật. Nhưng khi Michiko cải tạo lại cung điện Hoàng gia hoặc mặc quá nhiều trang phục khác nhau, truyền thông liên tục lên án. Tin đồn lan truyền rằng các quan chức Hoàng gia và mẹ chồng đã phê phán bà. Sau bốn năm làm dâu Hoàng gia, năm 1963, Michiko bị sảy thai và chuyển đến sống trong một biệt thự hơn hai tháng vì có nhiều đồn đoán bà bị suy nhược thần kinh. 30 năm sau, bà bị stress nặng và mất giọng, vài tháng sau mới khôi phục giọng nói.
Con dâu bà Michiko - đương kiêm Hoàng hậu Masako - tốt nghiệp Harvard với sự nghiệp đầy hứa hẹn là một nhà ngoại giao đang thăng tiến vào năm 1993 khi kết hôn với Nhật hoàng Naruhito, lúc đó là Thái tử. Nhiều nhà bình luận hy vọng Masako có thể giúp hiện đại hóa chế độ quân chủ và đóng vai trò là hình mẫu cho những phụ nữ trẻ Nhật Bản. Tuy nhiên, sau khi kết hôn, mọi chú ý đổ dồn vào khả năng sinh con của bà. Sau khi sảy thai, Masako sinh một con gái - Công chúa Aiko - đã làm thất vọng những người muốn có một người thừa kế là hoàng tử. Các quan chức Hoàng gia vì để bà có thể tiếp tục mang thai, đã hạn chế việc đi lại, khiến bà phải rút khỏi nghĩa vụ công. Hoàng hậu Masako từng đưa ra tuyên bố rằng bà đang phải chịu đựng "sự kiệt quệ cả về tinh thần và thể chất".
Trường hợp gần đây nhất, liên quan đến Công chúa Mako, cho thấy một bộ phận công chúng muốn cô đạt được kỳ vọng với tư cách Hoàng gia dù sẽ mất địa vị khi kết hôn. Công chúng lên án Công chúa Mako khi cô kiên quyết kết hôn với Kei Komuro, người bị cho là "kẻ đảo mỏ" do bê bối tài chính gia đình. Tám công chúa khác đã kết hôn thường dân và bị tước bỏ địa vị Hoàng gia, không ai phải chịu các cuộc tấn công dữ dội như Công chúa Mako.
Cha của Công chúa Mako - Thái tử Akishino - ban đầu từ chối chấp thuận cuộc hôn nhân sau khi cặp đôi tuyên bố đính hôn vào năm 2017. Khi đó, ông nói muốn công chúng chấp nhận trước khi ông chúc phúc. "Ông ấy nói họ nên kết hôn với sự chúc phúc của mọi người, thậm chí Thái tử còn cho rằng chúng tôi có quyền đưa ra ý kiến đóng góp", Yoko Nishimura, 55 tuổi, người dân ở Tokyo cho biết. "Tôi nghĩ người Nhật cảm thấy như Hoàng gia đại diện họ theo một cách nào đó và chúng tôi có quyền đưa ra ý kiến".
Thái tử Akishino cuối cùng cũng đồng ý hôn sự của con gái nhưng các cuộc tấn công trên truyền thông và mạng xã hội với công chúa Mako và hôn phu vẫn tiếp diễn. Ngay cả khi đám cưới được tổ chức lặng lẽ, không theo nghi lễ truyền thống, các cuộc tấn công vẫn chưa dừng lại. Trong những tuần gần đây, nhiều người biểu tình đã tuần hành ở Ginza, một khu mua sắm nổi tiếng ở Tokyo và giương cao khẩu hiệu: "Đừng làm ô nhiễm gia đình Hoàng gia bằng cuộc hôn nhân bị nguyền rủa này" và "Hãy hoàn thành trách nhiệm trước khi kết hôn".
Một cây bút trên tạp chí Gendai Business phản đối lựa chọn của Công chúa Mako, nói cô ấy sẽ "khiến Nhật Bản phải xấu hổ trên trường quốc tế". Trên Twitter, một số người gọi cô là "kẻ trộm thuế", dù công chúa quyết định từ bỏ của hồi môn Hoàng gia trị giá khoảng 1,35 triệu USD. Những người khác còn cáo buộc công chúa nói dối việc bị chấn thương tinh thần. "Công chúng sẽ nghi ngờ bạn nếu cô thông báo rằng bệnh tình của mình đã cải thiện sau vài tháng", Một người dùng trên Twitter viết.
Việc các phụ nữ Hoàng gia Nhật Bản công bố mắc chứng bệnh về tâm thần cũng có thể truyền cảm hứng cho các cuộc thảo luận nhiều hơn về sức khỏe tâm thần ở một quốc gia vẫn còn coi đây là một chủ đề tế nhị. Kathryn Tanaka, phó giáo sư văn học và văn hóa Nhật Bản tại Đại học Hyogo, cho biết: "Tôi không nghĩ phụ nữ trong Hoàng gia công khai về các vấn đề sức khỏe tâm thần của họ để nhận được sự an ủi. Nhưng tôi nghĩ họ thật dũng cảm khi thừa nhận".
Những áp lực Công chúa Mako và hôn phu đối mặt được truyền thông nước ngoài so sánh với trường hợp của Hoàng tử Harry và vợ Meghan Markle. Trước khi kết hôn với Harry, Meghan phải chịu đựng nhiều tháng bị tấn công vì hoàn cảnh gia đình cô. Giống như Meghan và Harry, Công chúa Mako và Komuro, người tốt nghiệp trường Luật Fordham, dự kiến chuyển đến New York (Mỹ) sinh sống. Nơi đây được coi là có thể giúp họ "trốn" được sự truy đuổi của truyền thông trong nước và sự chỉ trích của công chúng.
Sơn Nam (Theo New York Times)