Cơ quan Phòng vệ Dân sự Italy cho hay ngoài 793 ca tử vong, tổng số ca Covid-19 ở Italy tính đến ngày 21/3 đã thêm 6.557 ca lên 53.578, một con số kỷ lục khác. Trong khi đó, số ca tử vong ở các khu vực thuộc tỉnh miền bắc Lombardy, quanh thành phố Milan, vượt 3.000, chiếm gần hai phần ba số ca ghi nhận trên cả nước.
Như vậy chỉ trong hai ngày 20 và 21/3, có 1.420 người Italy chết vì virus. Con số này cho thấy dịch bệnh đang vượt ra ngoài khả năng kiểm soát của chính phủ, dù nhiều biện pháp giãn cách xã hội và ngăn ngừa lây lan khác đã được tiến hành.
Italy phong tỏa toàn quốc từ ngày 12/3, trong đó các cuộc tụ tập ở chốn công cộng đều bị cấm và hầu hết các cửa hàng đều phải đóng cửa. Hôm 21/3, cảnh sát liên tục đi lại trên các đường phố Rome để kiểm tra giấy tờ ghi lý do phải ra ngoài và phạt những người không đưa ra lý do chính đáng.
Những người thường xuyên chạy bộ được yêu cầu chỉ chạy quanh tòa nhà nơi họ đang sống, trong khi các công viên và bãi biển đều đã bị đóng cửa. Chính quyền Rome cũng đã chuẩn bị để kéo dài lịch đóng cửa các trường học tới mùa hè. Tuy nhiên dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan.
Số liệu mới công bố trên cho thấy các ca tử vong vẫn chủ yếu được ghi nhận ở khu vực giàu có hơn ở phía bắc Italy, nơi hệ thống y tế tầm cỡ thế giới đang căng mình chống dịch nhưng không thể kiểm soát tình hình.
Viện Y tế Quốc gia Italy (ISS) cho hay độ tuổi trung bình của các nạn nhân Covid-19 ở quốc gia này là 78,5%, trong khi tuổi trung bình của những người bị nhiễm là 63. 98,8% những người chết vì nhiễm nCoV đều có ít nhất một bệnh nền.
Hiện nhiều chính phủ khác ở châu Âu đang theo dõi sát sao diễn biến dịch ở Italy để cố gắng đưa ra một phản ứng kịp thời, khẩn cấp cho cuộc khủng hoảng.
"Người già phải ở nhà, bởi họ là những người dễ bị tổn thương nhất", Silvio Brusaferro, người đứng đầu ISS, nói tại cuộc họp báo.
"Nếu như các bạn không tuân thủ tất cả các biện pháp ứng phó mà chính phủ đưa ra, các bạn sẽ khiến cho mọi chuyện trở nên khó khăn hơn", chuyên gia y tế hàng đầu của Italy nhận định.
Covid-19 khởi phát ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, từ cuối tháng 12/2019, đã xuất hiện ở 188 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 304.000 người nhiễm, trong đó hơn 13.000 người tử vong và hơn 94.000 người bình phục. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố đây là đại dịch toàn cầu và kêu gọi các nước tăng cường biện pháp ứng phó.
Hướng Dương (Theo AFP)