![]() |
Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP HCM. |
Và đây chính là “thủ phạm” làm hư hỏng hàng loạt pôngtu (van điều tiết xăng) xe gắn máy thời gian qua. Thông tin này được chính thức công bố tại cuộc họp báo chiều 29/8 do Sở Khoa học Công nghệ TP HCM tổ chức. Tuy nhiên, tên của các công ty đã nhập loại xăng này không được công bố.
Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP HCM, cho biết sau khi rà soát lại toàn bộ các lô hàng xăng nhập qua cửa khẩu TP HCM trong tháng 8, cơ quan chức năng đã phát hiện có hai lô hàng mà qua kiểm tra mẫu có một số dấu hiệu bất thường như chỉ tiêu áp suất cao hơn, bão hòa cao hơn mức thường thấy (gần mức giới hạn trên theo tiêu chuẩn VN dành cho xăng không chì).
Hai lô hàng này gồm khoảng 5.665 tấn xăng A95 và hơn 4.000 tấn xăng A92 do hai công ty đầu mối nhập khẩu xăng dầu nhập về VN qua cửa khẩu TP HCM. Sau khi báo chí phản ánh hàng loạt pôngtu xe gắn máy bị hư hỏng mà nghi vấn là do xăng “có vấn đề về chất lượng”, cơ quan chức năng đã kiểm tra và lấy mẫu thử nghiệm, phát hiện có aceton trong xăng.
Tuy chưa thể xác định rõ ràng vì sao người ta pha aceton vào xăng, nhưng ông Phan Minh Tân đã đưa ra một số khả năng: aceton có chỉ số octan cao, có thể đóng vai trò như một phụ gia làm tăng chỉ số octan cho xăng. Ông Tân đưa ra giá aceton (tháng 8) mang tính chất tham khảo: loại của Trung Quốc có giá 695-710 USD/tấn; loại của Thái Lan, Singapore, Malaysia có giá 750-770 USD/tấn. Nhiều ý kiến cho rằng xét về mặt giá cả thì có thể pha aceton vào xăng sẽ không đạt mục đích lợi ích về mặt kinh tế. Nhưng tại sao trong xăng có aceton? Một khả năng khác được đưa ra: có thể một lô hàng aceton có khối lượng lớn nhưng gặp vấn đề về chất lượng, không lưu thông được trên thị thường nên người ta pha vào xăng để giải quyết “của nợ” này. |
“Như vậy, đến giờ này có thể kết luận nguyên nhân chính làm hư hỏng pôngtu xe gắn máy là do hai lô xăng nhập khẩu vào VN có chứa aceton với hàm lượng cao”, ông Tân nói. Ông cũng khẳng định kết quả phân tích mẫu xăng phát hiện có chứa aceton là hoàn toàn xác đáng, thuyết phục, có cơ sở khoa học. Ông Tân cũng cho biết hiện các bên liên quan tìm hiểu tại sao người ta pha aceton vào xăng.
Cũng theo ông Tân, lượng xăng A95 có aceton ra thị trường bán lẻ là ít, còn loại A92 đã ra thị trường bán lẻ tương đối nhiều. Tính đến ngày 27/8, lượng xăng còn tồn có chứa aceton là khoảng 1,186 triệu lít (theo báo cáo của các đơn vị nhập khẩu loại xăng này).
Sở Khoa học Công nghệ TP HCM đã yêu cầu hai đơn vị nhập khẩu loại xăng tai hại này không được tiếp tục cung cấp ra thị trường bán lẻ, đồng thời có giải pháp thu hồi tối đa lượng xăng bị pha aceton đã đưa ra thị trường bán lẻ. Yêu cầu các đơn vị nhập khẩu xăng có chứa aceton hỏi các nhà cung ứng nước ngoài tại sao trong xăng có aceton với hàm lượng cao.
Tại cuộc họp báo, Giáo sư, Tiến sĩ Chu Phạm Ngọc Sơn cho rằng tốt nhất là tìm cách hồi trả lượng xăng chứa aceton cho nhà cung ứng nước ngoài.
GS Sơn cũng thông tin qua phân tích trong số ba mẫu xăng (do đoàn thanh tra liên ngành về kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP HCM lấy mẫu) đã phát hiện một mẫu có chứa aceton với hàm lượng 4,4% thể tích.
(Theo Tuổi Trẻ)